Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Xuất khẩu của Hàn Quốc tăng trưởng kỷ lục trong tháng 5

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-06-07

ⓒ Getty Images Bank

14 trên 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng


Xuất khẩu của Hàn Quốc đã duy trì đà tăng trưởng tháng thứ 7 liên tiếp. Xuất khẩu tháng 5 vừa qua ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong 32 năm qua, đạt 50,7 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Do số ngày làm việc của tháng 5 ít hơn so với tháng 4, xuất khẩu trung bình theo ngày đã tăng 49%, đạt 2,42 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 9 năm 2018. Đây là con số kỷ lục trong các tháng 5 và mức cao thứ ba trong lịch sử. Xuất khẩu tháng 5 tăng mạnh có một phần tác động của hiệu ứng cơ sở (base effect), khi xuất khẩu giảm mạnh vào tháng 5 năm ngoái do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế toàn cầu đã góp phần làm tăng nhu cầu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc như chíp bán dẫn, các sản phẩm hóa dầu, phụ tùng ô tô, đồng thời giá cả các mặt hàng đều tăng. Thêm vào đó, các nhà xuất khẩu Hàn Quốc đã chứng tỏ được năng lực trên thị trường toàn cầu, đưa các lô hàng xuất khẩu tăng trưởng. Nhà nghiên cứu kinh tế Oh Joon-beom từ Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai sẽ phân tích bức tranh xuất khẩu thời gian gần đây. Trước hết, ông cho biết về điểm nổi bật của xuất khẩu trong tháng 5 của Hàn Quốc.


Trong khi năm ngoái, xuất khẩu của Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào chíp bán dẫn, thì trong tháng trước 14 trên 15 mặt hàng xuất khẩu chính đã chứng kiến doanh số tăng trưởng. Cụ thể, 12 mặt hàng đạt mức tăng trưởng hai con số và xuất khẩu 13 mặt hàng đã tăng trưởng ba tháng liên tiếp. Đặc biệt, xuất khẩu chíp bán dẫn đã tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng 11 tháng liên tiếp và lần đầu tiên vượt 10 tỷ USD trong gần 15 năm. Xuất khẩu hóa dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ tăng lần lượt 95% và 164% so với một năm trước. Với việc xuất khẩu nhiều mặt hàng cùng tăng trưởng, tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng mạnh. 


Xuất khẩu sang 9 khu vực trên thế giới đều tăng trưởng


Lần đầu tiên trong 10 năm, xuất khẩu của Hàn Quốc sang tất cả 9 khu vực chính trên thế giới đã hai tháng liền đạt tăng trưởng. Hơn nữa, xuất khẩu sang 8 trên 9 khu vực ghi nhận mức tăng trưởng hai con số hoặc cao hơn. Chính phủ dự đoán xuất khẩu vẫn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm, với những tín hiệu tích cực ở trong và ngoài nước. Theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO), xuất khẩu của 10 nền kinh tế lớn bắt đầu tăng trưởng trong quý II, quý tăng trưởng dương đầu tiên kể từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Với Seoul, xuất khẩu hàng hóa trung gian, vốn là thước đo phản ánh hoạt động đầu tư và sản xuất của các nền kinh tế lớn, đã tăng 77% trong tháng 5. Đây là mức tăng đáng kể so với con số -43,6% của tháng 5 năm ngoái. Năm 2020, xuất khẩu của Hàn Quốc chủ yếu dựa vào một số mặt hàng như chíp bán dẫn và các sản phẩm y sinh. Song, tình trạng này đã thay đổi, khi hầu hết các mặt hàng đều chứng kiến xuất khẩu tăng trưởng. Thị trường chíp bán dẫn bùng nổ là tín hiệu đáng mừng đối với xuất khẩu của Hàn Quốc. Ông Oh Joon-beom cho biết. 


Nền kinh tế toàn cầu, dẫn đầu là Mỹ và Trung Quốc, đang có dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Sản lượng công nghiệp ở các nền kinh tế lớn cũng như thương mại toàn cầu đang có xu hướng tăng, với chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trở lại mức như trước đại dịch. Tại Mỹ, các chỉ số kinh tế quan trọng đang được cải thiện nhờ các kế hoạch kích thích kinh tế lớn và việc triển khai tiêm chủng hiệu quả. Vượt qua cú sốc COVID-19 sớm hơn bất kỳ quốc gia nào, Trung Quốc đã chứng kiến sự cải thiện trong sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Song các nền kinh tế mới nổi vẫn phục hồi chậm chạp; Ấn Độ vẫn đang phải vật lộn với số ca nhiễm COVID-19 mới tăng choáng mặt. Các nền kinh tế mới nổi sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế khi phân phối vắc-xin được đẩy nhanh.


Triển vọng xuất khẩu trong nửa cuối năm


Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại cho rằng vẫn cần phải xem liệu xu hướng tích cực trên sẽ tiếp tục hay không. Tình trạng thiếu chíp bán dẫn cho ô tô, gián đoạn hậu cần do thiếu tàu chở hàng và chi phí vận chuyển tăng đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu. Giá dầu và nguyên liệu thô tăng có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh về giá của các nhà xuất khẩu Hàn Quốc. Vì vậy, các công ty tỏ ra thận trọng đối với triển vọng xuất khẩu trong nửa cuối năm nay. Nhà nghiên cứu Oh Joon-beom lý giải.


Theo kết quả thăm dò ý kiến do Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc tiến hành với 150 công ty địa phương, xuất khẩu sẽ chỉ tăng 2,3% trong nửa cuối năm nay, với biểu đồ đi ngang. 55,2% số người được hỏi dự đoán xuất khẩu sẽ giảm trong 6 tháng tới; 44,4% lấy lý do thương mại toàn cầu sụt giảm do đại dịch kéo dài. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã khảo sát 3.255 doanh nghiệp, và chỉ số lòng tin của các doanh nghiệp (BSI) tháng 6 dù thấp hơn tháng 5 nhưng vẫn đạt trên 100, thể hiện triển vọng lạc quan với xuất khẩu. Tôi cho rằng các quan điểm trái chiều phản ánh tâm lý doanh nghiệp trước diễn biến của số ca nhiễm COVID-19 và việc triển khai tiêm chủng. 


Liệu xuất khẩu có tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm?


Một điều đáng lo ngại khác là đồng won Hàn Quốc tăng giá mạnh, để bắt kịp đà tăng giá của đồng nhân dân tệ Trung Quốc. Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ lên 2%, một động thái kiềm chế đà tăng giá của đồng nhân dân tệ. Song chưa chắc là động thái mạnh mẽ nhất của Bắc Kinh kể từ năm 2007 này có phát huy được hiệu quả hay không. Đồng won mạnh lên sẽ làm suy yếu khả năng cạnh tranh về giá của các nhà xuất khẩu Hàn Quốc, làm giảm lợi nhuận. Vậy Seoul cần ứng phó với các yếu tố bất lợi như thế nào? Ông Oh Joon-beom nhận định.  


Xuất khẩu của Hàn Quốc có thể duy trì đà tăng trưởng thêm một thời gian trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi, nhu cầu gia tăng. Song cũng có những rủi ro. Thứ nhất, vẫn tồn tại những bất ổn do đại dịch COVID-19. Thứ hai, sự phục hồi kinh tế không đồng đều, phụ thuộc vào các quốc gia và sự phân cực là hiển nhiên. Nếu Mỹ bình thường hóa các chính sách tài khóa và tiền tệ, các nền kinh tế mới nổi có thể rơi vào suy thoái. Cuối cùng, cũng cần theo dõi chặt chẽ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và những bất ổn kinh tế từ Bắc Kinh. Xung đột giữa hai siêu cường trên thế giới không chỉ về kinh tế mà còn liên quan tới nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh, công nghệ và môi trường. Nếu cuộc chiến kéo dài, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giảm, các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh như nợ doanh nghiệp, bong bóng bất động sản và ngân hàng ảo, có thể là vấn đề nghiêm trọng. Là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, một quốc gia coi xuất khẩu là trụ cột của nền kinh tế quốc gia như Hàn Quốc cần chuẩn bị cho mọi kịch bản. 

Lựa chọn của ban biên tập