Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc triển khai hiệu quả dịch vụ đặt lịch tiêm vắc-xin COVID-19 còn dư

2021-06-12

Tin tức

ⓒYONHAP News

Dịch vụ đặt lịch tiêm “vắc-xin còn dư”

Dựa trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin (IT) ưu việt, Hàn Quốc đang gây chú ý với dịch vụ đặt lịch tiêm “vắc-xin COVID-19 còn dư”. “Vắc-xin còn dư” là vắc-xin còn thừa tại các cơ sở tiêm chủng do người đặt lịch không tới tiêm, hoặc người đặt lịch có tới nhưng không thể tiêm vì nhiều lý do như sức khỏe không đảm bảo. Nếu không được sử dụng thì vắc-xin này có thể bị tiêu hủy, gây lãng phí trong bối cảnh lượng vắc-xin cung cấp vẫn còn chưa đầy đủ như hiện nay. Dịch vụ đặt lịch tiêm “vắc-xin còn dư” giúp người dân nắm bắt tình hình phát sinh “vắc-xin còn dư” theo thời gian thực để đặt lịch tiêm trong ngày. Đối tượng đặt lịch là những người thuộc diện tiêm chủng ưu tiên nhưng chưa đặt lịch được, và cả người dân thường dưới 60 tuổi không thuộc đối tượng tiêm chủng ưu tiên. Do vậy, dịch vụ này đang rất được người dân Hàn Quốc hưởng ứng. Ban đầu, người dân có thể đặt lịch tiêm qua nhiều hình thức như điện thoại di động, internet, hoặc đăng ký trực tiếp. Tuy nhiên, hiện tại người dưới 60 tuổi chỉ có thể đặt lịch qua các ứng dụng như Naver hay Kakao Talk. Người trên 60 tuổi có thể đặt lịch qua điện thoại hoặc đặt lịch trực tiếp tại cơ sở tiêm chủng, cân nhắc tới việc độ tuổi này sử dụng các ứng dụng điện thoại hoặc máy tính kém thành thạo hơn người trẻ tuổi.

 

Tình hình tiêm chủng vắc-xin

Ban đầu, tỷ lệ đặt lịch tiêm phòng vắc-xin COVID-19 ở mức thấp do người dân nghi ngờ về độ tin cậy và an toàn của vắc-xin của hãng AstraZeneca (Anh), loại vắc-xin chủ lực giai đoạn đầu. Tuy nhiên, sau đó Chính phủ Hàn Quốc đã công bố nhiều ưu đãi cho người tiêm phòng, đồng thời triển khai dịch vụ đặt lịch tiêm “vắc-xin còn dư”, nên tốc độ tiêm chủng đã được đẩy nhanh. Tính đến ngày 6/6, tổng số người tiêm phòng vắc-xin mũi một đạt 7,6 triệu người, tương đương 14,8% dân số. Trong đó, có 4.950.000 người tiêm bằng vắc-xin của AstraZeneca, 2.650.000 người tiêm bằng vắc-xin của hãng Pfizer (Mỹ). Có 2.228.000 người đã tiêm phòng mũi hai, tương đương 4,4% dân số. Kể từ khi Hàn Quốc triển khai dịch vụ tiêm phòng bằng “vắc-xin còn dư” vào ngày 27/5 cho tới ngày 6/6, đã có 19.110 người tiêm phòng qua dịch vụ này. Nếu bao gồm cả những người được tiêm chủng theo “danh sách dự bị” thì đã có tổng cộng 472.926 người được tiêm bằng “vắc-xin còn dư”.

 

Lịch trình tiêm chủng tiếp theo

Cho tới nay, Hàn Quốc ưu tiên tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho các đối tượng có rủi ro cao như người cao tuổi, nhân viên y tế điều trị COVID-19, bệnh nhân và người làm việc tại các cơ sở điều dưỡng, viện dưỡng lão. Từ ngày 6/6, Hàn Quốc bắt đầu tiêm vắc-xin Pfizer cho các binh lính dưới 30 tuổi tại các cơ sở y tế của quân đội. Từ ngày 10-20/6, Hàn Quốc tiêm chủng cho lực lượng dân phòng và quân dự bị từ 30 tới dưới 60 tuổi, quan chức ngoại giao, quốc phòng bằng vắc-xin của hãng Janssen (Bỉ) được Mỹ hỗ trợ. Ngoài ra, từ ngày 15-26/6, Hàn Quốc sẽ tiêm bằng vắc-xin của hãng Pfizer cho các đối tượng là nhân lực thiết yếu trong xã hội như cảnh sát, nhân viên cứu hỏa, bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính, giáo viên nhà trẻ, mẫu giáo, lớp 1 và 2 dưới 30 tuổi. Trong thời gian qua, người dưới 30 tuổi bị loại khỏi danh sách đặt lịch tiêm do lo ngại về chứng “đông máu hiếm gặp”. Với tốc độ tiêm chủng hiện nay, dự kiến Hàn Quốc sẽ có thể hoàn thành sớm mục tiêu Chính phủ đề ra đó là tiêm cho trên 13 triệu dân trong nửa đầu năm 2021.

Trong giai đoạn đầu bùng phát dịch COVID-19, hạ tầng công nghệ thông tin ưu việt của Hàn Quốc đã phát huy sức mạnh trong điều tra dịch tễ, đóng vai trò lớn trong công tác phòng dịch. Giờ đây, thông qua dịch vụ đặt lịch tiêm “vắc-xin còn dư”, nền tảng công nghệ thông tin lại đang tiếp tục góp phần đẩy sớm thời gian hồi phục cuộc sống thường nhật cho người dân.

Lựa chọn của ban biên tập