Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Khát vọng tình yêu đôi lứa được khắc họa trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-06-09

Âm điệu ngàn xưa

Khát vọng tình yêu đôi lứa được khắc họa trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Sự sốt sắng của chàng công tử Lý Mộng Long

Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca), Tết Đoan ngọ là ngày mà lần đầu tiên chàng công tử Lý Mộng Long gặp nàng Xuân Hương xinh đẹp. Ở Hàn Quốc, Tết Đoan ngọ thường rơi vào dịp cuối xuân, thời tiết mát mẻ, cây cỏ xanh rì, trăm hoa đua nở, đất trời và con người đều rạo rực dưới vạt nắng xuân tỏa sáng. Đang độ tuổi trăng tròn, chàng công tử Lý Mộng Long cũng khấp khởi đứng ngồi không yên và không thể tập trung ngồi đọc sách trong thư phòng nên rủ anh hầu Bangja lên lầu gác Gwanghan (Quảng Hàn) ngắm cảnh Namwon. Tức cảnh thành thơ, đứng trên lầu Quảng Hàn, Lý Mộng Long đã ngân nga câu hát Jeokseongga (Xích Thành ca) để giãi bày tâm trạng, rằng:

Đá nhuộm hoa đỏ bao quanh núi Xích Thành

Gió xuân lướt nhẹ mặt hồ trước lầu gác Quảng Hàn

Nước róc rách chảy dưới cầu Ô Thước

Ta là Ngưu Lang… chắc hẳn nàng Chức Nữ đang đợi ta


Khúc hát Jeokseongga (Xích Thành ca) của nghệ sĩ Kim Jun-su được sáng tác dựa theo câu hát Jeokseongga (Xích Thành ca) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca), nhưng lại lái ca từ theo hướng châm biếm công tử Lý Mộng Long có phước gặp được cha mẹ giàu sang quyền quý nên dù lêu lổng rong chơi thì sau này vẫn cứ đỗ đạt. 


Phần cuối của khúc hát này có đoạn công tử Lý Mộng Long sai anh người hầu Bangja đi mời nàng Xuân Hương tới khi nhìn thấy nàng đang chơi đánh đu cùng người hầu Hyangdan. Theo truyện Xuân Hương, sau khi ngân nga câu hát Jeokseongga (Xích Thành ca) trên lầu Quảng Hàn, công tử Lý Mộng Long gọi Bangja hầu rượu, rồi vừa nhâm nhi chén rượu vừa ngắm cảnh xuân. Phía trước lầu Quảng Hàn, giữa muôn hoa đua nở thấp thoáng, từ xa bóng dáng nàng Xuân Hương lúc ẩn lúc hiện theo đà bay của chiếc đu trông chẳng khác nào bóng dáng tiên nữ giáng trần. Lý Mộng Long bèn hỏi Bangja rằng người con gái đó là ai. Anh hầu Bangja hóm hỉnh vờ như không biết càng làm cho chàng công tử thêm nóng lòng. Lý Mộng Long sốt ruột sai anh hầu Bangja đi mời ngay Xuân Hương tới, nhưng Bangja liền đáp rằng “Xuân Hương tuy là con gái của một kỹ nữ nhưng cha nàng thuộc dòng dõi quý tộc và nàng được nuôi dạy như con gái của các gia đình gia giáo nên không thể cứ gọi là đến”. Nghe tới đây, có lẽ ai cũng nghĩ là việc gặp gỡ giữa công tử Lý Mộng Long và nàng Xuân Hương vì thế mà sẽ khó mà thành hiện thực. 


Vẻ duyên dáng kiêu sa của nàng Xuân Hương xinh đẹp

Sau khi nghe anh hầu Bangja nói là không thể gọi nàng Xuân Hương tới được, nhưng vì đã phải lòng nàng Xuân Hương từ khi nhìn thấy bóng dáng nàng, công tử Lý Mộng Long mới nài nỉ người hầu của mình rằng dù có không gọi được nàng tới thì cũng đi đánh tiếng cho nàng biết rằng chàng đang rất mong ngóng được gặp nàng. Không cãi được lời chủ, anh hầu Bangja đành phải đi tìm gặp nàng Xuân Hương và chuyển lời rằng công tử Lý Mộng Long ao ước một lần được gặp nàng. Sau khi nghe Bangja nói, nàng Xuân Hương không trả lời đồng ý mà chỉ buông lại đôi lời rồi quay gót ra đi, rằng: “Ngỗng trời tìm biển, bướm tìm hoa, cua tìm hang hốc”. Câu nói của nàng Xuân Hương mang hàm ý rằng “nếu người thích ta đến thì người hãy đến tìm ta chứ đừng sai người khác gọi ta tới”. Cảnh tiếp theo là đoạn công tử Lý Mộng Long hỏi nhà của nàng Xuân Hương ở đâu và anh hầu Bangja mách bảo tường tận cho chủ đường đến nhà nàng Xuân Hương. Trong giai điệu Sochunhyangca (Tiểu Xuân Hương ca) của dòng tạp ca tỉnh Gyeonggi, đoạn này được biến tấu thành nội dung nàng Xuân Hương trực tiếp chỉ đường tới nhà mình cho công tử Lý Mộng Long. Khúc ca được bắt đầu bằng đoạn:

Hãy trông bước nàng Xuân Hương kìa!

Tay trái che nắng, tay phải giơ cao

Chỉ về hướng rừng trúc xa xa trước mắt


Dưới lũy tre xanh mướt, phía Đông có lầu gác Jeongja và ao sen thơm mát, phía Tây có giếng nước trong veo cùng rặng liễu yêu kiều thướt tha trong gió, nàng Xuân Hương nhắn nhủ công tử Lý Mộng Long nhớ đến nhà mình lúc xế chiều. Nhìn dáng vẻ phía sau của nàng Xuân Hương, lòng dạ chàng công tử Lý Mộng Long rạo rực như lửa đốt. 


* Khúc hát Jeokseongga (Xích Thành ca) trào phúng / Kim Jun-su (hát), nhóm nhạc Mặt trăng thứ hai (hòa tấu âm nhạc)

* Trích đoạn “Công tử Lý Mộng Long ngắm nàng Xuân Hương chơi đánh đu” trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga(Xuân Hương ca) / Kim So-hee 

* Khúc tạp ca Sochunhyangca (Tiểu Xuân Hương ca) / Ahn Jung-ah (hát), Won Na-giong (đàn nhị Haegeum), Lee Hwa-yeong (đàn tranh 12 dây Gayageum), Han Sol-ip (đàn tranh Cheolhyeongeum)

Lựa chọn của ban biên tập