Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

BOK để ngỏ tín hiệu tăng lãi suất cơ bản

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-06-21

ⓒ Getty Images Bank

BOK gợi ý khả năng tăng lãi suất cơ bản trong năm nay


Gần đây, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) Lee Joo-yeol báo hiệu khả năng sẽ tăng lãi suất cơ bản trong năm nay, sớm hơn so với dự đoán ban đầu là vào nửa cuối năm sau. Không chỉ BOK, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng lần đầu tiên đề cập đến khả năng tăng lãi suất cơ bản kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, dự báo mức lãi suất sẽ tăng từ 0% như hiện nay lên mức 0,5% vào năm 2023. Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu Kim Dae-ho phân tích.


Lãi suất cơ bản là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến nền kinh tế. Bất kỳ sự thay đổi lãi suất nào cũng đều tác động đáng kể đến các thành phần kinh tế. Các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Hàn Quốc, đã duy trì xu hướng lãi suất thấp kể từ khi bùng dịch COVID-19. Song kỷ nguyên lãi suất thấp và chính sách nới lỏng tiền tệ dường như sắp kết thúc khi mà các nước đã sẵn sàng tăng lãi suất trở lại, chuyển sang chính sách thắt chặt tiền tệ. 


FED dự kiến tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023


BOK có vẻ nhận định các điều kiện để tăng lãi suất gần như đã chín muồi như nền kinh tế Hàn Quốc hồi phục nhanh hơn dự kiến, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I tăng trưởng 1,7% so với quý trước và xuất khẩu của tháng 5 đã tăng tới 45,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ Chính phủ đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin COVID-19, nhu cầu và tiêu dùng nội địa đang có dấu hiệu hồi sinh. Bên cạnh đó, lo ngại về lạm phát ngày càng tăng cũng khiến BOK cân nhắc khả năng tăng lãi suất, bởi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cơ quan này. Đáng nói, giá tiêu dùng đã hai tháng liền tăng hơn 2%, một vấn đề rất đáng lo ngại. Dựa vào bối cảnh và các số liệu liên quan, tăng lãi suất là biện pháp khả dĩ. Tương tự, Mỹ cũng dự báo về khả năng tăng lãi suất cơ bản sớm hơn dự kiến ban đầu. Giám đốc Kim Dae-ho cho biết.  


Mỹ cũng lo ngại về nguy cơ lạm phát. Dịch COVID-19 đã khiến nhiều người mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này thúc giục Cục dự trự liên bang Mỹ phải hạ lãi suất xuống 0%, tức cho vay không lãi để trợ giúp nền kinh tế. Washington cũng thông qua chính sách nới lỏng định lượng, mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích tăng nguồn cung tiền. Các biện pháp này đã phần nào chứng tỏ được hiệu quả, như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) gần đây đã tăng 5% và tỷ lệ thất nghiệp giảm. Do đó, FED dự kiến tăng lãi suất để kiềm chế giá tiêu dùng tăng, thay đổi chính sách tiền tệ. 


BOK có thể tăng lãi suất cùng thời điểm với FED


Ngày 16/6, Cục dự trữ liên bang Mỹ đã tuyên bố giữ nguyên mức lãi suất cơ bản như hiện nay. Song điều đáng chú ý hơn là cơ quan này đã phát đi tín hiệu rõ ràng về việc tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Theo đó, Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất hai lần cho đến năm 2023, trái với dự báo trước đó là không có đợt tăng lãi suất nào. Việc Washington tăng lãi suất hoặc thực thi các chính sách tiền tệ cứng rắn sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. BOK dường như đang chuẩn bị đi trước một bước. 


Chính sách tiền tệ của FED là một bài toán khó với Hàn Quốc bởi Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cần tìm ra thời điểm thích hợp để điều chỉnh lãi suất. Nếu BOK tăng lãi suất trước FED, các nhà xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh khi đồng won tăng giá. Ngược lại, nếu tăng lãi suất muộn, nguy cơ lạm phát có thể xảy ra, đồng thời dòng vốn đầu tư có thể chảy khỏi thị trường. Đó là bởi năm ngoái, tác động của đại dịch tại Hàn Quốc không lớn như ở Mỹ; và kinh tế của Seoul đang phục hồi nhanh hơn Washington trong năm nay. Ngoài ra, giá tiêu dùng tại Hàn Quốc đang tăng nhanh hơn của Mỹ. Vì vậy, điều quan trọng là phải đưa ra động thái kịp thời và quyết định thời điểm tăng lãi suất hợp lý. Ông Kim Dae-ho lý giải.


BOK cân nhắc xem liệu có nên tăng lãi suất sớm hơn FED hay không. Sẽ là lý tưởng nếu như BOK tăng lãi suất cùng thời điểm với FED, để Mỹ và Hàn Quốc có thể hạ nhiệt nền kinh tế “quá nóng”, kiểm soát lạm phát, đồng thời giảm cú sốc về biến động giá của đồng won. Mặc dù vậy, Seoul cần xem xét thực tế là nền kinh tế quốc gia đang phục hồi nhanh hơn Mỹ. Ủy ban chính sách tiền tệ của BOK cần xem xét các chỉ số kinh tế vĩ mô của cả Mỹ và Hàn Quốc để đưa ra quyết định cuối cùng. 


Nhanh chóng xây dựng các giải pháp hạ cánh mềm


Một mối quan tâm khác là làm thế nào để giảm cú sốc từ việc tăng lãi suất, điều chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ gia đình đang mắc nợ và các doanh nghiệp đang vật lộn với đại dịch. Các chuyên gia kêu gọi Chính phủ hỗ trợ tầng lớp yếu thế trong xã hội một cách hiệu quả trước khi tăng lãi suất. Giám đốc Kim Dae-ho nhận định.


Nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc đang tăng với tốc độ đáng báo động. Thông thường lãi suất tăng không chỉ dừng lại một lần mà sẽ tăng trong hai đến ba đợt một năm. Nếu không trả được nợ, người đi vay sẽ bị mất uy tín về tín dụng. Ngoài ra, tăng lãi suất không phải tin tốt đối với thị trường chứng khoán, bởi lãi suất tăng khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, thu nhập giảm và giá cổ phiếu giảm theo. Khi nền kinh tế đang được cải thiện, tăng lãi suất không dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán ngay lập tức, nhưng vẫn có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, khả năng BOK tăng lãi suất sớm là không cao. Song có nhiều dấu hiệu rõ ràng về khả năng tăng lãi suất và Chính phủ cần chuẩn bị trước cho điều này.


Việc BOK cân nhắc tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, hay đưa ra các đối sách “hạ cánh mềm” là cần thiết. Chính phủ cần xem xét đà phục hồi kinh tế, lạm phát, người dân và doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi tỷ giá trước khi quyết định thời điểm tăng lãi suất. Trong quá trình này, sự trao đổi thông suốt giữa các thành phần kinh tế là hết sức cần thiết. 

Lựa chọn của ban biên tập