Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc phạt Google 177 triệu USD vì hành vi lộng quyền hệ điều hành

2021-09-18

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ủy ban giao dịch công bằng Hàn Quốc ngày 14/9 công bố áp mức phạt 207,4 triệu won (177 triệu USD) với gã khổng lồ công nghệ Google vì hành vi lạm dụng vị thế chi phối thị trường và hành vi giao dịch bất công bằng. Google bị kết luận đã có hành vi lộng quyền về hệ điều hành (OS), ép các nhà sản xuất như điện tử Samsung phải cài đặt hệ điều hành của công ty này.

 

Phạt google

Ủy ban giao dịch công bằng Hàn Quốc đã tiến hành điều tra nghi ngờ về hành vi lộng quyền với Google Korea từ tháng 7 năm 2016. Sau ba phiên họp toàn thể, Ủy ban đã công bố quyết định cuối cùng về mức phạt với Google như trên. Chủ tịch Ủy ban Joh Sung-wook phát biểu hành vi của Google có thể xem là hành vi cản trở sự đổi mới thị trường chưa từng có tiền lệ. Thông thường, việc lạm dụng sức mạnh chi phối thị trường diễn ra dưới những hình thức như cản trở việc mua vào nguyên vật liệu của sản phẩm cạnh tranh, hay phong tỏa kênh lưu thông sản phẩm. Tuy nhiên, hành vi của Google lại là ngăn chặn ngay từ đầu việc phát triển sản phẩm cạnh tranh. Ngoài mức phạt trên, Ủy ban giao dịch công bằng cũng đồng thời ra lệnh yêu cầu Google phải khắc phục sai phạm.

 

Hành vi lộng quyền của Google

Năm 2008, Google cho ra mắt hệ điều hành Android dùng cho smartphone, một nguồn tài nguyên mở mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng tự do. Với sức hấp dẫn đó, nhiều nhà sản xuất điện thoại, trong đó có hãng điện tử Samsung, và các nhà phát triển phần mềm đã bắt đầu khai thác hệ điều hành này. Chỉ trong vòng ba năm, Google chiếm hơn 70% thị phần hệ điều hành toàn cầu, nhưng kể từ đó, hãng này bắt đầu có các hành vi lộng quyền. Google buộc các nhà sản xuất phải ký "thỏa thuận chống phân mảnh" (AFA), cấm sử dụng hệ điều hành tự phát triển hay hệ điều hành biến đổi (Fork OS), tức hệ điều hành thay đổi mã nguồn Android mà Google công bố, có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với hệ điều hành Android. Nếu không ký thỏa thuận này thì nhà sản xuất sẽ không thể sử dụng các ứng dụng thiết yếu như chợ ứng dụng "Play Store", hay không được quyền tiếp cận hệ điều hành Android phiên bản mới nhất. Nói cách khác, Google lấy hệ sinh thái ứng dụng làm “con tin” để ngăn chặn hoàn toàn việc phát triển hệ điều hành mới hoặc sản xuất thiết bị cài đặt hệ điều hành biến đổi. Google tiến hành kiểm tra và xử phạt với các đơn vị sản xuất vi phạm thỏa thuận AFA, bằng cách yêu cầu nhà sản xuất phải báo cáo kết quả kiểm tra tính tương thích (CTS) trước khi ra mắt sản phẩm mới, và phải được Google phê duyệt. Theo đó, gã khổng lồ công nghệ này còn đóng vai trò như một cơ quan quy chế. Không chỉ ở lĩnh vực smartphone, Google còn áp dụng thỏa thuận trên với các lĩnh vực như đồng hồ và tivi thông minh. Những hệ điều hành thay thế cho hệ điều hành Android sẽ không có được hệ sinh thái ứng dụng, nên không thể xúc tiến ra thị trường. Nhờ đó, Google càng củng cố được vị thế độc quyền của mình. Chiếc đồng hồ thông minh Galaxy Gear 1 của Samsung ra mắt năm 2013 cài hệ điều hành “Fork OS” đã bị thất bại vì lý do này. Sau đó, Samsung chuyển sang sử dụng hệ điều hành “Tizen” do hãng tự phát triển cho tới chiếc Galaxy Gear 3, nhưng do không có hệ sinh thái ứng dụng nên rốt cuộc, tới tháng 8 năm nay, hãng quyết định ra mắt chiếc “Galaxy Watch 4” cài hệ sinh thái dành cho đồng hồ thông minh “Wear OS” của Google.

 

Ý nghĩa

Quyết định xử phạt của Ủy ban giao dịch công bằng Hàn Quốc là một bước đi cứng rắn với gã khổng lồ công nghệ như Google, coi đổi mới là vũ khí để vươn lên dẫn đầu, sau đó lại lợi dụng sức mạnh chi phối thị trường để lộng quyền với các đơn vị giao dịch, cản trở sự xuất hiện của đối thủ cạnh tranh, ngăn chặn đổi mới. Các hãng công nghệ trong nước như Naver, Kakao cũng đang đứng trước nguy cơ đối mặt với “án phạt” từ Ủy ban giao dịch công bằng do có các hành vi tương tự Google. Theo lệnh khắc phục sai phạm mà Ủy ban giao dịch công bằng đưa ra, các đơn vị sản xuất của Hàn Quốc như điện tử Samsung, điện tử LG sẽ thoát khỏi sự lộng quyền về hệ điều hành của Google, bao gồm cả các sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Dư luận quan tâm liệu bước đi lần này của cơ quan chức năng Hàn Quốc có tạo lên làn sóng xử phạt với các hãng công nghệ lớn trên thế giới hay không, cũng như có tạo ra sự thay đổi nào trong cục diện thị trường hệ điều hành thiết bị di động hay không.

Lựa chọn của ban biên tập