Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên phóng tên lửa và tình hình bán đảo Hàn Quốc

2021-09-18

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chỉ hai ngày sau vụ phóng tên lửa hành trình tầm xa kiểu mới, Bắc Triều Tiên đã phóng tiếp hai tên lửa đạn đạo vào ngày 15/9. Sau đó, miền Bắc còn ra tuyên bố dưới danh nghĩa Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, chỉ trích đích danh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Các động thái này của miền Bắc đang khiến cục diện bán đảo Hàn Quốc rơi vào bất ổn.

 

Bắc Triều Tiên phóng tên lửa

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết miền Bắc đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ khu vực Yangdok (tỉnh Nam Pyongan) về vùng biển phía Đông. Tên lửa đầu tiên được phóng vào lúc 12 giờ 34 phút trưa ngày 15/9, tên lửa thứ hai được phóng sau đó 5 phút. Tên lửa đã bay được quãng đường 800 km, đạt tới độ cao hơn 60 km, tấn công chính xác mục tiêu thiết lập trên biển. Bắc Triều Tiên giải thích đây là hoạt động huấn luyện của “Trung đoàn tên lửa cơ động đường sắt”, một đơn vị mới được thành lập sau Đại hội đảng Lao động lần thứ 8. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng công bố hoạt động huấn luyện của đơn vị này.

Trong năm nay, miền Bắc đã có tổng cộng 5 lần phóng tên lửa. Vào ngày 13/9, nước này cũng tuyên bố đã phóng thử nghiệm thành công tên lửa hành trình tầm xa kiểu mới. Khác với tên lửa hành trình, việc miền Bắc phóng tên lửa đạn đạo là vi phạm nghị quyết cấm vận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, bị xem là một động thái khiêu khích hết sức nghiêm trọng. Gần đây, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhận định Bắc Triều Tiên có dấu hiệu tái khởi động cơ sở hạt nhân Yongbyun (tỉnh Bắc Pyongan), điển hình là việc phát hiện có nước làm mát chảy ra từ lò nguyên tử công suất 5 MW bên trong cơ sở này.


Động thái của các bên liên quan

Động thái khiêu khích của miền Bắc gây quan ngại lớn, do diễn ra giữa lúc Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn-Mỹ-Nhật nhóm họp tại Tokyo, và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Hàn Quốc. Quan chức hạt nhân Hàn-Mỹ-Nhật đã tích cực nêu ra ý kiến về việc xúc tiến dự án hợp tác nhân đạo với miền Bắc, tách biệt với tiến triển phi hạt nhân hóa. Đặc biệt, Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Sung Kim đề cập tới phương án xây dựng niềm tin với Bình Nhưỡng, như khai quật hài cốt binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Triều Tiên. Trước đó, Hàn Quốc và Mỹ đã thu hẹp quy mô cuộc tập trận chung nửa cuối năm, nhằm hỗ trợ cho những nỗ lực đối thoại với Bình Nhưỡng. Đây là một loạt những động thái mềm mỏng, nhằm mở rộng cánh cửa đối thoại với miền Bắc. Tuy nhiên, trước và sau cuộc họp của Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn-Mỹ-Nhật, Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa hành trình rồi tiếp đó là tên lửa đạn đạo, dội gáo nước lạnh vào những nỗ lực này. Đặc biệt, vụ phóng tên lửa đạn đạo ngày 15/9 diễn ra đúng vào ngày Ngoại trưởng Vương Nghị hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui-yong và diện kiến Tổng thống Moon Jae-in tại Seoul. Do đó, khó có thể nói Bắc Triều Tiên không hề có ý đồ gì khi lựa chọn thời điểm phóng tên lửa đạn đạo vào đúng ngày này.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Từ trước tới nay, Bình Nhưỡng thường sử dụng chiến thuật là đẩy căng thăng lên cao hơn trước khi chấp thuận đối thoại. Động thái phóng tên lửa lần này của miền Bắc một mặt có thể là nhằm đạt tiến triển trong việc phát triển tên lửa và hạt nhân, mặc khác còn có thể là nhằm chiếm lợi thế trong đối thoại sau này.

Trong một diễn biến khác, trong ngày 15/9, Hàn Quốc phóng thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) tự phát triển. Do vậy, việc miền Bắc phóng tên lửa đạn đạo và Phó Chủ tịch Kim Yo-jong chỉ trích đích danh Tổng thống Moon Jae-in được cho là nhằm “răn đe” Hàn Quốc. Dự kiến trong thời gian tới đối thoại hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ khó đạt được tiến triển, nhất là khi Washington nhấn mạnh rằng sẽ tiếp tục thực thi triệt để lệnh cấm vận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc với Bình Nhưỡng.

Lựa chọn của ban biên tập