Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan qua đời

2021-11-27

Tin tức

ⓒYONHAP News

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan đã từ trần vào sáng ngày 23/11, hưởng dương 90 tuổi, 28 ngày sau sự ra đi của cố Tổng thống Roh Tae-woo người “đồng chí” của ông Chun trong vụ đảo chính quân sự ngày 12/12/1979 và cũng là người “thừa kế chính trị” của ông này. Như vậy, cả hai nhân vật chịu trách nhiệm về việc đàn áp đẫm máu Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5/1980 đều đã “biến mất”, khép lại một chương trong lịch sử. 

 

Ông Chun Doo-hwan qua đời tại nhà riêng

Ông Chun Doo-hwan giữ chức Tổng thống thứ 11 và thứ 12 của Hàn Quốc từ tháng 8/1980 tới tháng 2/1988. Ông đã từng phải ngồi tù với tội danh nổi loạn, hối lộ, nhưng sau đó được đặc xá, thả tự do, và sống tại nhà riêng ở phường Yeonhee, quận Seodaemun, Seoul tới cuối đời. Gần đây, ông bị mắc bệnh Alzheimer và đa u tủy, một dạng bệnh ung thư máu. Ông bị phát hiện ngất tại nhà riêng vào sáng 23/11. 8 giờ 55 phút sáng cùng ngày, gia quyến thông báo lên Sở Cảnh sát và Sở Phòng cháy chữa cháy. 9 giờ 12 phút, Cảnh sát xác định ông đã qua đời.

 

Cựu Thư ký Phủ Tổng thống Min Jung-ki, một nhân vật thân cận của ông Chun Doo-hwan, cho biết trong cuốn hồi ký của mình, cố Tổng thống để lại di nguyện rằng muốn được rắc tro cốt ở một ngọn đồi để có thể nhìn xuống mảnh đất miền Bắc, chờ ngày thống nhất đất nước. Lúc còn sống, ông cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn được hỏa táng và rắc tro cốt. Theo đó, gia quyến quyết định sẽ làm theo đúng di nguyện của người đã khuất. Tuy nhiên, khác với cựu Tổng thống Roh Tae-woo, đám tang của ông Chun Doo-hwan được gia quyến tổ chức theo nghi lễ Phật giáo, không được tổ chức theo hình thức quốc tang.

    

Tóm tắt cuộc đời cựu Tổng thống

Ông Chun Doo-hwan sinh năm 1931 tại huyện Hapcheon, tỉnh Nam Gyeongsang. Ông tham gia chiến đấu trong chiến tranh Triều Tiên (bùng nổ ngày 15/6/1950), rồi tốt nghiệp trường Sĩ quan Lục quân khóa 11 vào năm 1955, trở thành quan chức quân sự, sau đó leo lên tới vị trí Tổng thống. Khi xảy ra vụ cựu Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát vào ngày 26/10/1979, trên cương vị là Tư lệnh Tình báo quốc gia, ông đã tiến hành phụ trách điều tra vụ việc, và nổi nên như một thế lực mới. Tiếp đó, vào ngày 12/12 cùng năm, thế lực quân sự mới do ông dẫn đầu đã tiến hành cuộc đảo chính quân sự, lên nắm giữ quyền lực. Vụ việc này đã châm ngòi cho Phong trào vận động dân chủ tại Hàn Quốc năm 1980, còn được gọi là “Mùa xuân Seoul”. Sau khi lên nắm quyền, chính quyền quân sự mới đã tuyên bố thiết quân luật, trấn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ trên toàn quốc, rồi tiếp đó là đàn áp đẫm máu Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5. Ngày 1/9 cùng năm, ông nhậm chức Tổng thống theo hình thức bầu cử gián tiếp, trở thành Tổng thống thứ 11 của Hàn Quốc. Tháng 10 cùng năm, ông tiến hành sửa đổi Hiến pháp để áp dụng chế độ Tổng thống một nhiệm kỳ kéo dài 7 năm. Tháng 4/1981, ông được bầu làm Tổng thống thứ 12 cũng theo hình thức bầu cử gián tiếp.

 

Trong thời gian cầm quyền, ông Chun đã dành nhiều công sức để phát triển các lĩnh vực thể thao, văn hóa, như lập ra Giải bóng chày chuyên nghiệp. Cộng thêm các yếu tố thuận lợi toàn cầu khi đó là giá dầu thấp, lãi suất thấp và giá trị đồng đô-la Mỹ tụt giá, ông đã ổn định được vật giá, đưa nền kinh tế tăng trưởng cao, tích lũy thành quả chính trị cho bản thân. Ngoài ra, ông cũng xóa bỏ lệnh giới nghiêm vào ban đêm, áp dụng chế độ lương tối thiểu, xây dựng khung bảo hiểm y tế toàn dân. Đây được coi là những thành quả tiêu biểu trong hai nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Chun Doo-hwan. Tuy nhiên, những thành quả này không đủ để xóa sạch vết nhơ “nền độc tài tồi tệ nhất”, cũng như về tội ác đàn áp Phong trào Gwangju, cùng các vụ việc khác như cưỡng chế xóa bỏ, hợp nhất hãng ngôn luận, đàn áp phong trào lao động. Sau khi hết nhiệm kỳ thứ hai vào năm 1988, dưới sức ép chỉ trích của dư luận, ông tuyên bố sẽ giao nộp lại tài sản cho Nhà nước, sống ẩn dật tại chùa, nhưng vẫn không tránh khỏi sự xét xử của pháp luật. Ông bị tuyên án tử hình trong phiên tòa sơ thẩm, rồi sau đó được Tòa án tối cao giảm xuống mức án tù chung thân, nhưng được đặc xá vào cuối năm 1997 chỉ sau hai năm thụ án.

    

Lỗi lầm lịch sử

Cho tới tận cuối đời, cựu Tổng thống Chun Doo-hwan vẫn một mực khẳng định Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5 là một cuộc “bạo loạn”, hoàn toàn không hề xin lỗi về việc đã đàn áp đẫm máu người dân thường. Mặc dù đã đạt được một số thành quả nhất định khi cầm quyền, nhưng tất cả những thành quả này đều bị lu mờ trước những lỗi lầm lịch sử mà ông đã gây ra. Chính giới Hàn Quốc, bao gồm cả phe cầm quyền và đối lập, đều tỏ phản ứng lãnh đạm trước sự ra đi của ông Chun Doo-hwan, đồng loạt tuyên bố không tới viếng lễ tang. Phủ Tổng thống và Chính phủ quyết định không tổ chức tang lễ cho ông Chun theo hình thức quốc tang.

Lựa chọn của ban biên tập