Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Thị trường tài chính Hàn Quốc bất ổn

2022-06-18

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính phủ Hàn Quốc đang hết sức căng thẳng trước tình hình bất ổn ngày một lan rộng trên thị trường tài chính trong nước, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu kéo dài, Mỹ đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ, lo ngại kinh tế Hàn Quốc suy thoái.

 

Báo động bất ổn tài chính

Bộ Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc ngày 14/6 đã mở cuộc họp của Nhóm chuyên trách đối phó kinh tế khẩn cấp. Cơ quan này nhận định thị trường tài chính trong và ngoài nước đang ngày càng biến động do tính bất ổn dâng cao, thêm vào đó là cuộc đình công của Công đoàn lao động vận tải hàng hóa gần đây khiến giới doanh nghiệp gặp nhiều thiệt hại. Cả thị trường tài chính và nền kinh tế thực đều đang trong tình trạng hết sức nghiêm trọng.

 

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cùng ngày cũng mở cuộc họp rà soát tình hình thị trường khẩn cấp, quyết định sẽ giám sát chặt chẽ tình hình thị trường trong thời gian tới, tích cực đối phó cần thiết để ổn định thị trường. Ủy ban Giám sát tài chính (FSC) cũng đã tổ chức cuộc họp rà soát thị trường tài chính với các cơ quan hữu quan như Cơ quan Giám sát tài chính (FSS), Trung tâm tài chính quốc tế (KCIF), phân tích về xu hướng thị trường tài chính và rà soát các yếu tố rủi ro.

 

Chính phủ Hàn Quốc quyết định nâng quy mô mua vào trái phiếu Chính phủ trong tuần này từ 2.000 tỷ won (1,55 tỷ USD) lên 3.000 tỷ won (2,32 tỷ USD), đẩy mạnh phối hợp về chính sách với Ngân hàng trung ương nhằm ổn định thị trường tài chính và ngoại hối trong nước.

    

Thị trường tài chính lao đao

Toàn bộ nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ lớn. Giá tiêu dùng tháng 5 đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong vòng 13 năm 9 tháng, và nhiều khả năng sẽ tăng ở ngưỡng 6% trong tháng 6 và tháng 7. Sản xuất, tiêu dùng và đầu tư tháng 4 đồng loạt giảm so với một tháng trước. Chỉ số động thái kinh tế tổng hợp, đánh giá tình trạng cũng như xu thế hiện tại của nền kinh tế, đã giảm hai tháng liên tiếp. Chỉ số dự đoán biến động kinh tế trong tương lai gần đã giảm 10 tháng liền. Cán cân vãng lai tháng 4 đã chuyển sang thâm hụt sau 24 tháng, quy mô thâm hụt là 80 triệu USD. Cán cân tài chính tổng hợp trong năm nay được dự báo sẽ tiếp tục thâm hụt năm thứ 4 liên tiếp do Chính phủ tung ra nhiều chính sách kích thích kinh tế đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.

 

Trong khi đó, cú sốc giá tiêu dùng Mỹ đang làm chao đảo toàn bộ thị trường tài chính toàn cầu. Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của nước này tăng 8,6%, mức tăng cao nhất trong vòng 41 năm. Thị trường tài chính Hàn Quốc cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Trong ngày 13/6, chỉ số chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) đã giảm 3,52%. Còn tại thị trường ngoại hối, tỷ giá won/USD đã tăng vọt hơn 15 won trên 1 USD. Sau đó, “dư chấn” vẫn tiếp diễn. Trong ngày 14/6, chỉ số KOSPI đã lần đầu rơi khỏi ngưỡng 2.500 điểm sau một năm 7 tháng. Tỷ giá won/USD cán mốc 1.290 won đổi 1 USD.

 

Trước tình hình này, các nhà đầu tư nước ngoài đang ồ ạt rút vốn khỏi Hàn Quốc. Trong 7 phiên giao dịch tính từ đầu tháng 6, các nhà đầu tư nước ngoài đã thu hồi 10.000 tỷ won (7,75 tỷ USD) trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu trong nước. Cụ thể, trong vòng từ ngày 2-13/6, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2.722,6 tỷ won (2,1 tỷ USD) trên sàn giao dịch KOSPI và 404,8 tỷ won (313,6 triệu USD) trên sàn giao dịch KOSDAQ. Tổng quy mô bán ròng là hơn 3.100 tỷ won (2,4 tỷ USD). Còn tại thị trường trái phiếu trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài đã thu hồi hơn 6.429,6 tỷ won (4,9 tỷ USD) vốn đầu tư.

 

Triển vọng

Dự báo bất ổn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, do vẫn chưa có yếu tố bất ổn nào cả trong và ngoài nước có dấu hiệu được cải thiện. Theo đó, có ý kiến lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đẩy nhanh rút vốn khỏi Hàn Quốc do lãi suất của Mỹ sẽ cao hơn Hàn Quốc. Tuy nhiên, do xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Hàn Quốc đã tăng cao trong thời gian qua, lãi suất của Hàn Quốc vẫn đang cao hơn các nước có cùng xếp hạng tín nhiệm như Anh, Pháp, nên cũng có ý kiến lạc quan cho rằng đây không phải vấn đề lớn.

Lựa chọn của ban biên tập