Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tròn 30 năm kể từ khi Hàn Quốc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên

2022-08-13

Tin tức

ⓒYONHAP News

Cách đây 30 năm, Hàn Quốc lần đầu phóng vệ tinh nhân tạo mang tên “Uribyul-1” (nghĩa tiếng Hàn là “Ngôi sao của chúng ta”), đặt nền móng đầu tiên cho hành trình phát triển không gian của Hàn Quốc. Giờ đây, Hàn Quốc đã lọt vào Top 7 cường quốc về không gian trên thế giới, phóng được tên lửa đẩy vũ trụ và tàu thăm dò Mặt trăng tự phát triển bằng công nghệ trong nước.

 

Vệ tinh Uribyul-1

Vệ tinh “Uribyul-1” được phóng thành công từ sân bay vũ trụ Kourou trên đảo Guiana thuộc Pháp ở Nam Mỹ vào ngày 11/8/1992 bằng tên lửa đẩy Ariane 4 của Pháp. Vệ tinh này được Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) đồng thiết kế và chế tạo với Đại học Surrey (Anh). Vệ tinh có trọng lượng 48,6 kg, rộng 35,2 cm, dài 35,6 cm, cao 67 cm, là một vệ tinh cỡ nhỏ. Vệ tinh quay một vòng quanh Trái đất trong vòng 110 phút ở độ cao 1.300 km, ghi hình lại bề mặt Trái đất, kết nối thông tin âm thanh, hình ảnh với trạm mặt đất.

Trước thời điểm phóng vệ tinh Uribyul-1, Hàn Quốc rất thiếu nhân lực ở lĩnh vực vệ tinh nhân tạo. Ban đầu, KAIST chọn ra 5 sinh viên ưu tú để cử sang du học tại Anh, sau đó tiếp tục tuyển chọn đợt hai, cử thêm 4 sinh viên. 9 sinh viên này đã tham gia đồng phát trển với nhóm phát triển vệ tinh của Đại học Surrey. Nối tiếp vệ tinh Uribyul-1, Hàn Quốc đã phóng tiếp vệ tinh Uribyul-2 được thiết kế và chế tạo hoàn toàn bằng công nghệ nội địa vào ngày 23/9/1993, và phóng vệ tinh Uribyul-3 nặng 100 kg vào tháng 5/1999, chính thức mở ra thời đại vệ tinh nhân tạo.

   

Ý nghĩa

Mặc dù đồng phát triển dưới sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ sư người Anh, nhưng vệ tinh Uribyul-1 vẫn được coi là một “bước ngoặt trọng đại”, thiết lập nền móng cho nền khoa học không gian của Hàn Quốc. Sau đó, Hàn Quốc liên tiếp phóng nhiều loại vệ tinh khác, như vệ tinh viễn thông Mugunghwa-1 vào năm 1995, vệ tinh đa năng Arirang-1 vào năm 1999, vệ tinh Khoa học công nghệ-1, vệ tinh quan trắc thiên văn đầu tiên trong nước vào năm 2003. Tới ngày 27/6/2010, Hàn Quốc phóng vệ tinh “Chollian” (Thiên lý nhãn), trở thành nước thứ 7 trên thế giới sở hữu công nghệ vệ tinh khí tượng, nước đầu tiên trên thế giới sở hữu vệ tinh hải dương quỹ đạo địa tĩnh, quốc gia thứ 10 trên thế giới tự phát triển được vệ tinh truyền thông. Công nghệ vệ tinh của Hàn Quốc đã được nâng tầm lên hàng đầu thế giới, nhưng do chưa phát triển được tên lửa đẩy nên Hàn Quốc đều phải phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy vũ trụ của nước ngoài.

Tuy nhiên, tới năm 2013, Hàn Quốc đã phóng thành công vệ tinh khoa học Naro bằng tên lửa đẩy Naro đồng phát triển với Nga, mở ra thời đại tên lửa đẩy tự phát triển. Ngày 21/6 năm nay, tên lửa đẩy Nuri do Hàn Quốc tự phát triển hoàn toàn đã đạt tới độ cao mục tiêu 700 km, đưa thành công vệ tinh mô phỏng nặng 1,3 tấn và vệ tinh kiểm chứng tính năng lên quỹ đạo. Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới tự phát triển được tên lửa đẩy vũ trụ. Ngày 5/8 vừa qua, Hàn Quốc cũng đã phóng thành công tàu thăm dò Mặt trăng “Danuri” từ Mỹ, trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới phóng được tàu thăm dò Mặt trăng

 

Tương lai của vệ tinh Uribyul-1

Một điều thú vị là sau khi hết tuổi thọ hoạt động chính thức 5 năm, vệ tinh Uribyul-1 đã hoạt động thêm 7 năm nữa cho tới tháng 8/2004, sau đó kết thúc liên lạc hoàn toàn với mặt đất, nhưng hiện vẫn đang quay trên quỹ đạo. Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc có kế hoạch thu hồi vệ tinh này, bằng cách phóng tên lửa đẩy tự phát triển, tiếp cận và đưa Uribyul-1 quay trở lại bầu khí quyển Trái đất. Trong quá trình này, Hàn Quốc sẽ thử nghiệm các công nghệ như điều chỉnh quỹ đạo, rendezvous (việc hai vệ tinh nhân tạo gặp nhau trong không gian vũ trụ) và tiếp cận vệ tinh, những công nghệ cốt lõi trong thăm dò vũ trụ chưa từng có trong nước.

Theo đó, Hàn Quốc sẽ chuyển đổi phương hướng phát triển công nghệ vệ tinh, không chỉ dừng lại ở các nhiệm vụ như hiện nay là quan trắc Trái đất và vũ trụ ở quỹ đạo tầm thấp, mà còn mở rộng sang cả công nghệ thăm dò vũ trụ. Ngoài ra, Seoul còn đặt mục tiêu sở hữu các công nghệ liên quan tới loại bỏ rác vũ trụ, một vấn đề được nhắc tới nhiều thời gian gần đây.

Lựa chọn của ban biên tập