Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tết trồng cây, ngày hội xuống đồng ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-03-30

Âm điệu ngàn xưa

Tết trồng cây, ngày hội xuống đồng ở Hàn Quốc

Nỗ lực “trồng rừng” và “thân canh” xưa và nay tại Hàn Quốc

Giờ đây ở Hàn Quốc đồi núi vẫn chiếm trên 65% diện tích lãnh thổ. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những ngọn núi xanh mượt xung quanh các làng mạc và khu dân cư. Nhưng chỉ mới vài chục năm trước, vào những năm 1960 và 1970, khó có thể tìm thấy những ngọn núi phủ kín cây xanh như ngày nay vì đa phần đều là đồi núi trọc. Đó là bởi thực dân Nhật đã chiếm đoạt một lượng lớn cây gỗ, và do hệ quả tàn khốc của chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) khiến nhà nhà phải đẵn củi, cắt cỏ để nấu nướng. Không chỉ cây cối mà đến cỏ dại cũng khó có thể sinh tồn được. Cứ hễ trời mưa là lũ lụt và sạt lở núi diễn ra ở khắp mọi nơi. Từ năm 1960, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành các điều luật nghiêm ngặt về trồng rừng và bảo vệ rừng. Những hành vi chặt cây và buôn bán gỗ phi pháp bị xử nặng như buôn bán ma túy. Thay vì việc dùng củi gỗ để nấu nướng, Chính phủ khuyến khích người dân khai thác và sử dụng than đá, vận động người dân trồng rừng, tưới cây để cải thiện chất lượng thổ nhưỡng. Từ đó tới nay, ở Hàn Quốc đã có khoảng hơn 10 tỷ cây được trồng mới, các đồi núi trọc đã được phủ kín cây xanh. Đây là một điển hình phủ xanh đồi trọc khó có thể tìm thấy trên thế giới. 


Thứ Tư tuần sau, mùng 5 tháng 4 là Ngày trồng cây tại Hàn Quốc. Đây cũng là ngày được vua Seongjong (Thành Tông; 1457-1494), vị vua thứ IX của triều đại Joseon, lựa chọn là ngày Chingyeong (Thân canh), có nghĩa là “gần gũi với các hoạt động nông nghiệp đồng áng”. Thời xưa, vào dịp này, các vị quân vương thường đích thân xuống ruộng cày bừa. Lý do các vị vua định ngày “Thân canh” vào dịp này có lẽ vì rơi vào tiết thanh minh, một trong 24 tiết khí trong năm. Theo tiếng Hán, “thanh” có nghĩa là “trong”, “minh” có nghĩa là “sáng”. Tiết khí thanh minh là thời điểm đất trời tươi sáng và ấm dần nên cây cối cỏ hoa đâm trồi nảy lộc và vạn vật sinh trưởng mạnh mẽ. Tiết hàn thực cách tiết đông chí quãng 105 ngày và thường trùng vào tiết thanh minh hoặc cách nhau 1 ngày. Người Hàn Quốc xưa kia thường làm mâm cơm cúng tổ tiên vào ngày hàn thực. Hình ảnh cả gia đình “tay xách nách mang” các món ăn đi tảo mộ ông bà tổ tiên giữa tiết xuân ấm áp, trăm hoa đua nở, cây cối xanh mượt trồi non, trông không khác gì không khí đi cắm trại vui xuân. Hiện nay, vẫn còn không ít gia đình người Hàn đi cắt cỏ, sửa sang mồ mả tổ tiên vào tiết hàn thực. 


Cảnh buồn giữa tiết xuân trong ngày hàn thực

Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc có một bài tạp ca của vùng Seodo (là tỉnh Hwanghae và Pyongan, nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên) có tên là “Jejeon” (Tế điện). Đây là khúc hát miêu tả chi tiết quá trình một người phụ nữ chuẩn bị các món trong mâm cơm cúng dâng lên mộ chồng trong ngày hàn thực. Người đàn bà trong ca khúc sau khi dâng lên chồng ba chén rượu, đã thổn thức rơi lệ mà oán than rằng “Sao chàng nỡ bỏ lại thân ngọc này mà chết. Nếu sống khôn chết thiêng xin hồn chàng hãy đem thiếp theo cùng”. Đó là thời cuộc sống thật không dễ dàng gì đối với người đàn bà một thân một mình còn lại trên cõi đời. Cảnh người phụ nữ khóc thương chồng trong tiết trời sang xuân, khi mà vạn vật đang tràn trề sức sống, càng khiến người nghe muôn phần xót xa. Trước khi khép lại chuyên mục phát thanh hôm nay, chúng ta hãy cùng lắng nghe nhóm nhạc truyền thống Akdangwangchil trình diễn khúc hát “Jejeon” (Tế điện), có thêm phần cải biên rằng “người chồng ra khơi đánh cá, gặp bão biển và bỏ mạng. Người vợ không biết rõ chồng chết ngày nào và không tìm được xác chồng nên đã làm nấm mồ giả để tưởng nhớ tới vị lang quân đã khuất”. 


* Nhạc phẩm “Saetareong” (Khúc hát các loài chim) / nhóm nhạc AUX 

* Nhạc phẩm “Cheongchunga” (Thanh xuân ca) / nhóm nhạc Ssingssing 

* Khúc hát “Jejeon” (Tế điện) cải biên / nhóm nhạc Akdangwangchil 

Lựa chọn của ban biên tập