Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ liên tục tăng và những tác động tới kinh tế Hàn Quốc

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-04-05

ⓒ Getty Images Bank

Nguyên nhân lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng là gì?


Lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ là tin tức nổi bật trong thời gian gần đây khi tăng mạnh so với 6 tháng trước, mức tăng đột biến hiếm thấy trong hai thập kỷ qua. Cùng kỳ năm ngoái, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã giảm do hậu quả của đại dịch COVID-19. Một số ý kiến cho rằng việc lãi suất tăng trở lại là dấu hiệu phục hồi kinh tế, nhưng nhiều nhà phân tích lại nhận định lãi suất tăng đôi khi không mang lại tích cực cho thị trường. Trên thực tế, trái phiếu Chính phủ được coi là tài sản an toàn. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến các biện pháp cất giữ tài sản an toàn như trái phiếu Chính phủ. Do nhu cầu mạnh nên lãi suất trái phiếu sẽ giảm. Ngược lại, khi nền kinh tế có dấu hiệu cải thiện, các nhà đầu tư có xu hướng bán trái phiếu Chính phủ và tìm kiếm các giải pháp đầu tư rủi ro hơn, thì lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ tăng. Do đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng được coi là một dấu hiệu phục hồi kinh tế. Nhưng tại sao thế giới lại chú ý lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ? Nguyên nhân là bởi lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ có thể kích thích tăng lãi suất ở các nước khác và những thay đổi của lãi suất Chính phủ Mỹ phản ánh diễn biến trên thị trường. Giáo sư Kim Gwang-seok từ Viện nghiên cứu Kinh tế và công nghiệp Hàn Quốc phân tích những biến động lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và tác động đối với Seoul. Trước hết là nguyên nhân đằng sau xu hướng tăng lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. 


Nhờ việc Mỹ đẩy mạnh tiêm vắc-xin COVID-19, tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp đã hồi phục như trước đại dịch. Các chỉ số kinh tế chính như xuất khẩu và việc làm trong tháng này đã được cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái do hiệu ứng cơ sở. Ngoài ra, gói kích thích kinh tế khổng lồ của Chính phủ Tổng thống Joe Biden đang làm gia tăng kỳ vọng phục hồi kinh tế. Các yếu tố này đã khiến lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng.


Các nước trăn trở chọn lựa thời điểm tăng lãi suất cơ bản


Kinh tế phục hồi nhìn chung dẫn đến tiêu dùng tăng và giá cả tăng theo. Theo đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng là dấu hiệu báo trước của lạm phát. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang lo ngại về vấn đề này, và cân nhắc tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát bởi giá cả tăng đột ngột sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ. Mọi con mắt đang hướng về Mỹ xem liệu Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có tăng lãi suất cơ bản sớm hơn dự kiến và thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ hay không. Ông Kim Gwang-seok cho biết. 


Chính phủ các nước đã tích cực bơm tiền vào nền kinh tế để giảm bớt cú sốc từ đại dịch, đồng thời cắt giảm lãi suất cơ bản để khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư, kích thích tiêu dùng và tạo thêm việc làm. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn chưa thoát khỏi cú sốc từ dịch COVID-19. Trong khi một số nước may mắn chứng kiến tâm lý người tiêu dùng phục hồi và đầu tư cải thiện sau khi triển khai tiêm vắc-xin thì một số nước vẫn chưa bắt đầu tiêm vắc-xin. Trong tình huống này, việc tăng lãi suất cơ bản là cú sốc lớn đối với các nước chưa đến giai đoạn phục hồi kinh tế. Nói cách khác, các nước này vẫn cần duy trì lãi suất thấp để tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế. Nhưng việc lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng có thể khiến chênh lệch giữa đồng đô-la Mỹ và đơn vị tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi tăng theo, khiến dòng vốn đầu tư chảy khỏi thị trường của các nước này.


Lãi suất cơ bản tăng và những hệ lụy


Lãi suất trái phiếu Chính phủ Hàn Quốc đang tăng theo lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Sự chú ý đang hướng đến Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) xem liệu cơ quan này có tăng lãi suất cơ bản hay không. BOK từng cho biết chưa có kế hoạch thay đổi chính sách tiền tệ hiện hành. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán Seoul cũng khó duy trì đà này trước khả năng lạm phát tại Mỹ do lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng. Giám đốc Kim Gwang-seok giải thích.


Lãi suất tăng sẽ khiến các doanh nghiệp e ngại đầu tư, khám phá các ngành công nghiệp triển vọng. Nhiều người lo ngại về nợ hộ gia đình, nợ doanh nghiệp và nợ Chính phủ của Hàn Quốc đều tăng theo. Nếu các thành phần kinh tế phải trả lãi nhiều hơn, nhiều khoản chi tiêu sẽ bị cắt giảm, trong đó có tiêu dùng. Nói cách khác, việc tăng lãi suất sẽ tạo gánh nặng cho các thành phần kinh tế, giảm đà phục hồi đất nước.


Đối sách khi chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế mới nổi tăng


Một nguyên nhân khác khiến Seoul khó có thể duy trì lãi suất thấp là do vấn đề đảo ngược lãi suất, tức lãi suất của Hàn Quốc thấp hơn của Mỹ khiến dòng tiền đầu tư chảy khỏi thị trường Hàn Quốc. Đó là lý do một số nền kinh tế mới nổi như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tăng lãi suất cơ bản. Trên thực tế, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo dòng vốn đầu tư chảy khỏi thị trường các nền kinh tế mới nổi là do hậu quả từ việc lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng. Mặc dù được xếp vào nhóm các nền kinh tế mới nổi, lạm phát của Hàn Quốc không tăng quá mạnh, đồng tiền không bị mất giá quá nhiều và nguy cơ dòng vốn đầu tư chảy khỏi thị trường không cao. Nhưng các nước châu Á khác, thậm chí cả Nhật Bản, đang chuẩn bị thắt chặt tiền tệ. Ông Kim Gwang-seok nhận định.


Seoul cần cẩn trọng đưa ra các chính sách tiền tệ, theo dõi chặt chẽ chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn. Các cơ quan tài chính cần kiểm tra các chính sách liên quan đến xuất khẩu sang các nền kinh tế mới nổi, đánh giá nguy cơ khủng hoảng kinh tế tại các nước này. Các chỉ số kinh tế vĩ mô có thể biến động mạnh, phản ánh sự thay đổi trên nền kinh tế toàn cầu. Hàn Quốc cần tích cực theo dõi thị trường ngoại hối, thị trường chứng khoán và đưa ra các giải pháp phù hợp, giúp các doanh nghiệp không chịu cú sốc lớn trước sự biến động trên thị trường. 

Lựa chọn của ban biên tập