Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Điện tử LG rút khỏi mảng kinh doanh điện thoại thông minh

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-04-12

ⓒ YONHAP News

LG đóng cửa mảng kinh doanh di động, thua lỗ 5.000 tỷ won


Công ty điện tử LG đã quyết định đóng cửa kinh doanh mảng điện thoại thông minh, 26 năm kể từ khi ra mắt chiếc điện thoại di động đầu tiên của hãng là Hwatong năm 1995. Mặc dù từng thu hút nhiều người dùng với các dòng sản phẩm như Chocolate, Icecream, Secret, song LG đã không thể bắt kịp với những thay đổi của thị trường trong kỷ nguyên smartphone. Mảng kinh doanh đi động của LG đã ghi nhận thâm hụt 23 quý liên tiếp kể từ quý II năm 2015, với khoản lỗ lũy kế 4,4 tỷ USD. Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu Kim Dae-ho phân tích những thay đổi trên thị trường sau quyết định của LG và chiến lược mới của hãng này.


Giới kinh doanh Hàn Quốc phân tích thất bại của hãng điện tử LG trong mảng kinh doanh di động dưới nhiều góc độ. Trên hết là LG đã không thích ứng được với những thay đổi liên tục về công nghệ và điều kiện thị trường. LG là nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu trong kỷ nguyên mạng viễn thông di động thế hệ thứ hai (2G), khi điện thoại là phương tiện nghe, gọi đơn thuần. Khi hãng Apple (Mỹ) mở ra kỷ nguyên di động thế hệ thứ ba, thứ tư, tức 3G và 4G, chiếc smartphone biến thành một chiếc máy tính di động để trao đổi thông tin thay vì chỉ để nghe, gọi thông thường. Tuy nhiên, đáng tiếc là LG lại cho rằng kỷ nguyên điện thoại thông minh còn xa, nên không tập trung phát triển công nghệ liên quan, hài lòng với vị trí dẫn đầu thị trường dòng điện thoại phổ thông 2G, tập trung cải tiến chức năng, mẫu mã dòng điện thoại này.


Giấc mơ ra mắt điện thoại cuộn còn dang dở


LG đã tiếp xúc với tập đoàn Vin (Việt Nam), hãng Volkswagen (Đức) và tập đoàn Google (Mỹ) để bán lại mảng kinh doanh điện thoại đi động của hãng, nhưng không đạt được thỏa thuận với bất kỳ bên nào nên đã quyết định đóng cửa mảng này. Thật đáng tiếc khi LG từ bỏ mảng kinh doanh điện thoại thông minh bởi doanh nghiệp này là người đi tiên phong trong dòng điện thoại “cuộn” (rollable) với màn hình có thể uốn cong, cuộn lại như giấy, được cho là ứng cử viên sáng giá cho dòng điện thoại thông minh thế hệ tiếp theo. 


Thay đổi dự kiến trên thị trường smartphone nội địa


Tại Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng (CES) diễn ra ở Las Vegas (Mỹ) tháng 1 vừa qua, LG đã công bố một đoạn video ngắn 7, 8 giây, “nhá hàng” chiếc điện thoại có thể cuộn được, khiến dư luận xôn xao và đây được chọn lựa là “sản phẩm công nghệ tốt nhất” tại triển lãm. Song phát triển sản phẩm với công nghệ tiên tiến và thương mại hóa sản phẩm là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Tức để đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp cần sản xuất đại trà để giảm giá thành, và LG khó có thể làm được điều này. Quyết định lần này của LG dự kiến sẽ tác động lớn đến thị trường điện thoại thông minh Hàn Quốc và nước ngoài. Mặc dù chỉ là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 9 trên thế giới với thị phần 1,8%, song LG lại đứng thứ ba và thứ tư ở thị trường Bắc Mỹ và Nam Mỹ về thị phần. Với sự ra đi của LG, cơ hội có thể đến tay Motorola và Samsung ở Bắc Mỹ; trong khi các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc như Xiaomi và Oppo có thể tận dụng lợi thế ở Nam Mỹ. Tại thị trường Hàn Quốc, cuộc cạnh tranh giữa Samsung và Apple dự kiến sẽ khốc liệt hơn. Ông Kim Dae-ho cho biết. 


Samsung chiếm khoảng 60% thị trường smartphone Hàn Quốc, theo sau là Apple với 25% và LG với hơn 10%. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ giành 10% thị phần bị bỏ trống, một con số không hề nhỏ, do LG để lại. Tôi cho rằng Samsung đang có nhiều lợi thế hơn Apple vì người dùng điện thoại LG thân thiện với hệ điều hành Android, nên chuyển đổi sang điện thoại của Samsung thuận lợi hơn so với các loại iPhone sử dụng hệ điều hành khác. Hoặc Samsung có thể sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ Trung Quốc cũng sử dụng hệ điều hành Android. 


“Tập trung vào ô tô thay vì điện thoại thông minh”


Việc LG chấm dứt kinh doanh điện thoại di động là tin xấu đối với người tiêu dùng Hàn Quốc, bởi Samsung trở thành nhà sản xuất smartphone nội địa duy nhất. Nhiều người lo ngại tình trạng độc quyền của Samsung sẽ dẫn tới giá điện thoại tăng và chất lượng dịch vụ kém hơn. Trên thực tế, các hãng viễn thông thường đàm phán với nhà cung cấp thiết bị để quyết định gói cước cho người tiêu dùng. Nếu chỉ có ít nhà cung cấp thiết bị, khả năng thương lượng của các nhà mạng sẽ giảm xuống, và hệ quả là người tiêu dùng có thể phải mua các gói cước cao hơn. Việc LG rút khỏi thị trường smartphone cũng không hoàn toàn là tin tốt lành với Samsung. Đứng giữa Apple (Mỹ) và các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc, Samsung sẽ phải vật lộn để giữ vị trí hàng đầu thị trường toàn cầu, nơi điện thoại “made in Korea” có thể giảm sự hiện diện. Tuy nhiên, dù rút khỏi lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động, LG vẫn có tầm nhìn xa. Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo đã quyết định sắp xếp lại các mảng kinh doanh của tập đoàn, tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực là động lực tăng trưởng tương lai. Sáng kiến này đang thu hút nhiều kỳ vọng. Giám đốc Kim Dae-ho giải thích.


Chủ tịch LG Koo Kwang-mo đã và đang tái cơ cấu các lĩnh vực đầu tư của tập đoàn theo chiến lược “lựa chọn và tập trung”. Theo đó, LG sẽ tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực khả thi, mang lại lợi nhuận lớn như linh kiện của xe điện. Một trong những nỗ lực đó là quyết định thành lập liên doanh với một doanh nghiệp phụ tùng ô tô có trụ sở tại Canada. Ngoài ra, không thể phủ nhận việc LG là nhà sản xuất thiết bị gia dụng tiên tiến hàng đầu thế giới. Công ty đang tìm cách cải thiện cơ cấu kinh doanh bằng cách tập trung nguồn lực vào các mảng cốt lõi như các thiết bị gia dụng “giải trí gia đình”, giúp mọi người thưởng thức âm nhạc, phim ảnh và các hoạt động giải trí tại nhà.


Tiếp tục nghiên cứu, phát triển công nghệ di động liên quan


Trên thực tế, LG đã ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nhất trong lịch sử vào quý I năm nay nhờ doanh số bán thiết bị gia dụng như tivi thông minh cao cấp tăng mạnh. Thành tích tổng thể của công ty dự kiến được cải thiện từ quý II vì mảng kinh doanh điện thoại di động vốn thua lỗ sẽ bị loại khỏi đánh giá thành tích kinh doanh chung. Điện tử LG có kế hoạch tập trung vào các ngành công nghiệp mới như linh kiện xe điện, robot, trí tuệ nhân tạo (AI) và pin nhiên liệu. Mặc dù đã quyết định xóa bỏ mảng kinh doanh điện thoại di động, nhưng LG nhấn mạnh sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ di động liên quan. Ông Kim Dae-ho nhận định.


LG được cho là đã lựa chọn đúng đắn khi tập trung phát triển công nghệ để chuẩn bị cho kỷ nguyên của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thứ năm. Trong thời đại mạng internet vạn vật (IoT), smartphone kết nối máy móc với máy móc như vận hành ô tô tự lái. Không có điện thoại thông minh, các thiết bị điện và điện tử hay ô tô của LG sẽ mất khả năng cạnh tranh. Đó là lý do LG nhấn mạnh vẫn tiếp tục phát triển công nghệ smartphone, liên kết với các ngành công nghiệp tương lai như xe tự lái, IoT; dù hãng này ngừng sản xuất smartphone. LG có nhiều bằng sáng chế khác về công nghệ smartphone, đặc biệt là công nghệ điện thoại cuộn. Có vẻ như LG sẽ nỗ lực củng cố vị thế của một công ty công nghệ thông tin toàn cầu thông qua duy trì phát triển công nghệ không ngừng.


Việc đóng cửa mảng kinh doanh di động của LG là bài học lớn cho nhiều công ty khác. Trong thời đại của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vị thế của các doanh nghiệp lớn cũng không được đảm bảo nếu không đổi mới. Blackberry, Nokia và Sony đã thất bại với lý do tương tự. Dư luận kỳ vọng Điện tử Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, không đi vào vết xe đổ; đồng thời hy vọng LG có được những bước chuyển mình, biến khủng hoảng thành cơ hội.

Lựa chọn của ban biên tập