Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

GDP của Hàn Quốc tăng trưởng 1,6% trong quý I

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-05-03

ⓒ Getty Images Bank

Hàn Quốc tăng trưởng 1,6% trong quý I


Nền kinh tế Hàn Quốc đang thoát khỏi vũng lầy tăng trưởng âm, và phục hồi như thời điểm trước đại dịch COVID-19, với mức tăng trưởng cao hơn kỳ vọng trong quý I năm nay. Cụ thể, ngày 27/4, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Hàn Quốc quý I vừa qua đã tăng trưởng 1,6% so với quý trước, được cho là nhờ sự phục hồi của xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tiêu dùng tư nhân đã tăng 1,1%, xuất khẩu và đầu tư cơ sở vật chất cũng tăng lần lượt là 1,9% và 6,6%. Nhà nghiên cứu kinh tế Bae Min-geun từ Viện nghiên cứu kinh tế LG phân tích tác động từ việc GDP Hàn Quốc tăng trưởng trong quý đầu tiên năm nay.


Năm ngoái, xuất khẩu từng giảm mạnh trong nửa đầu năm, nhưng sau đó phục hồi và tăng trưởng 8% trong 6 tháng cuối năm, giúp vực dậy nền kinh tế. Xuất khẩu quý I năm nay tăng 1,9%, tốc độ tăng trưởng có chậm lại, nhưng tôi không cho rằng đó là tin xấu. Đó là bởi xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng sau khi phục hồi ở mức nhất định nhờ sự khởi sắc của chíp bán dẫn, các sản phẩm công nghệ thông tin, pin xe điện và thậm chí ở cả lĩnh vực đóng tàu. Ngoài ra, chi tiêu ngân sách cho ngành dịch vụ và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã giúp ngăn chặn tiêu dùng lao dốc. 


Tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong top 10 các nền kinh tế tiên tiến


Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I của Hàn Quốc đã đi ngược dự đoán của các viện nghiên cứu kinh tế tư nhân, các tổ chức quốc tế và ngân hàng đầu tư toàn cầu. Các cơ quan này đã dự đoán GDP của Hàn Quốc tăng từ 0 đến 1%, và phải đến quý II năm nay mới phục hồi như trước đại dịch. Song Hàn Quốc đã đạt được mục tiêu phục hồi nhanh hơn ba tháng. Tiêu dùng trong nước đóng góp 1,8% cho tăng trưởng GDP trong quý I. Trong khi mức độ đóng góp trong quý III và IV năm ngoái lần lượt chỉ đạt là -1,4% và -0,3%. Đáng chú ý Hàn Quốc là nước phục hồi nhanh nhất trong top 10 các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ông Bae Min-geun lý giải.


Nếu lấy GDP của quý IV năm 2019 là 100, trong quý I vừa qua, GDP của Mỹ đạt 98,9, của Nhật Bản là 97,7 và của Đức là 94,9; song Hàn Quốc đạt 100,4, cho thấy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn các nền kinh tế tiên tiến. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ phục hồi nhanh hơn Hàn Quốc, đạt lần lượt là 106,9 và 102,5. Nhưng tình hình tại Ấn Độ không mấy lạc quan với số lượng lớn ca nhiễm COVID-19 mới gần đây. Có thể nói, Mỹ và châu Âu đã chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ dịch COVID-19 so với Hàn Quốc và Trung Quốc bởi hai nước châu Á đã nỗ lực ngăn chặn virus lây lan nhanh từ giai đoạn đầu. Đặc biệt, trong quá khứ, kinh tế Hàn Quốc có xu hướng phục hồi tương đối nhanh sau các cuộc khủng hoảng kinh tế, nhờ đóng góp đáng kể của xuất khẩu vào GDP. Có vẻ lần này, Seoul cũng đi theo con đường tương tự.


Chênh lệch tiến độ phục hồi kinh tế giữa nền kinh tế phát triển và mới nổi


Ngày 28/4, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard and Poor’s (S&P) đã giữ nguyên mức tín nhiệm quốc gia của Hàn Quốc là AA với triển vọng tín nhiệm ổn định. Trong báo cáo, cơ quan này cho biết năm ngoái, kinh tế Hàn Quốc đã lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ năm 1998, nhưng sau đó phục hồi trở lại; hơn nữa, phạm vi tăng trưởng âm cũng nhỏ nhất trong các nền kinh tế phát triển. Theo đó, GDP của Hàn Quốc được kỳ vọng có thể tăng trưởng hơn 3%, thậm chí 4% trong năm nay. Mặc dù vậy, vẫn còn quá sớm để lạc quan bởi nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố bất lợi như lo ngại về sự bùng phát của các ca nhiễm COVID-19 mới. Ngoài ra, giá tài sản tăng và nợ hộ gia đình khổng lổ có thể làm giảm tiêu dùng nội địa; những biến động trên thị trường tiền ảo, bất động sản, cổ phiếu có thể tác động tiêu cực tới kinh tế. Cùng với đó là rủi ro địa chính trị từ xung đột Mỹ-Trung sẽ tạo gánh nặng cho các thị trường xuất khẩu. 


Trong bối cảnh này, việc phân phối vắc-xin COVID-19 được coi là yếu tố quyết định, ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi kinh tế. Tỷ lệ tiêm chủng ở Hàn Quốc vẫn còn thấp so với các nước phát triển, nên khó đảm bảo để kinh tế phục hồi chính thức. Theo BOK, sự chênh lệch về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước ảnh hưởng đến sự phục hồi của các nền kinh tế tiên tiến và thị trường mới nổi. Do bắt đầu tiêm chủng khá muộn, nên các nền kinh tế mới nổi có thể phục hồi kinh tế từ năm tới. Đây là một tin không mấy tốt lành với Seoul, vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Nhà nghiên cứu Bae Min-geun giải thích.


Kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Xuất khẩu của Hàn Quốc đã bùng nổ trong 20 năm qua nhờ sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, tức các doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất và bán sản phẩm sang các thị trường mới nổi. Thị trường tiêu thụ tập trung ở các nước phát triển; và sự tập trung có thể tăng lên nhờ khả năng ứng phó hiệu quả với đại dịch. Các công ty Hàn Quốc đã sản xuất hàng hóa ở các nước đang phát triển với chi phí nhân công thấp, song tình hình sẽ xấu đi nếu phải di chuyển nhà máy. Chi phí phát sinh do quá trình chuyển đổi có thể ảnh hưởng tới kinh tế Hàn Quốc ở mức độ nhất định. Ngoài ra, Washington và Bắc Kinh đều đang hối thúc Seoul di dời các nhà máy tới nước này, nếu không sẽ bị trả đũa, khiến Hàn Quốc rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Những rủi ro và bất ổn nêu trên chắc chắn còn kéo dài. 


Doanh nghiệp nhỏ, tư nhân vẫn gặp khó khăn


Một phần đáng lo ngại khác là sự phân cực kinh tế trong nước. Khi tâm lý doanh nghiệp được cải thiện, khoảng cách giữa các doanh nghiệp càng bị nới rộng. Theo một số đánh giá về môi trường kinh doanh hiện nay, khoảng cách giữa các nhà xuất khẩu và các doanh nghiệp chỉ tập trung vào thị trường nội địa, hay khoảng cách giữa tập đoàn lớn và doanh nghiệp nhỏ đã trở nên lớn hơn bao giờ hết. Những người dân có thu nhập thấp và người làm việc tự do bị ảnh hưởng do đại dịch cũng không cảm nhận được sự phục hồi kinh tế. Ông Bae Min-geun nhận định.


Phân cực xã hội không phải vấn đề mới xuất hiện gần đây. Song tình hình phân cực dường như trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch. Hàn Quốc không phải nước duy nhất phải đối phó với vấn đề này. Một số nước đã đánh thuế cao hơn đối với cá nhân và doanh nghiệp có thu nhập cao, và hỗ trợ nhiều hơn đối với nhóm thu nhập thấp. Tôi cho rằng Chính phủ Seoul sẽ áp dụng chính sách tương tự.


Tăng trưởng quý I cho thấy Seoul đã thoát khỏi đường hầm tăm tối, sẵn sàng trở lại cuộc sống bình thường, như lời của Tổng thống Moon Jae-in. Thay vì dựa trên hiệu ứng cơ sở, Seoul cần tiếp tục duy trì đà phục hồi ổn định, xem xét các yếu tố rủi ro trong và ngoài nước, đưa ra các chính sách cụ thể, để tất cả mọi người đều cảm nhận được sự phục hồi kinh tế.

Lựa chọn của ban biên tập