Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Kế hoạch xây dựng “Vành đai chíp bán dẫn Hàn Quốc”

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-05-17

ⓒ YONHAP News

Kế hoạch xây dựng “vành đai chíp bán dẫn Hàn Quốc”


Cuộc chạy đua giành vị trí thống trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu ngày càng trở nên khốc liệt khi Mỹ, châu Âu và Trung Quốc công bố các kế hoạch đầu tư quy mô lớn. Ngày 13/5 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã mở Hội nghị báo cáo chiến lược chíp bán dẫn Hàn Quốc tại nhà máy của hãng điện tử Samsung ở thành phố Pyeongtaek (tỉnh Gyeonggi), công bố kế hoạch phối hợp với khối tư nhân xây dựng “Vành đai chíp bán dẫn Hàn Quốc”, chuỗi cung ứng chíp bán dẫn lớn nhất thế giới cho tới năm 2030. Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu Kim Dae-ho phân tích các biện pháp tăng cường khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất chíp bán dẫn Hàn Quốc. 


Đây là kế hoạch kêu gọi mở rộng năng lực sản xuất chíp bán dẫn trong nước, đưa Hàn Quốc trở thành cường quốc bán dẫn hàng đầu thế giới. Đặc biệt, kế hoạch bao gồm các biện pháp hỗ trợ toàn diện giúp các nhà sản xuất Hàn Quốc chủ động trong bối cảnh mạng lưới cung cấp chíp bán dẫn toàn cầu có nhiều thay đổi do đại dịch COVID-19. Cụ thể, Chính phủ cam kết hỗ trợ đa dạng và các nhà sản xuất chíp đã hứa sẽ đầu tư 510.000 tỷ won (452,8 tỷ USD). Một yếu tố khác thu hút nhiều sự chú ý là “Vành đai chíp bán dẫn” kết nối các khu vực lân cận thủ đô như Pangyo (thuộc thành phố Seongnam), thành phố Hwaseong, thành phố Pyeongtaek (tỉnh Gyeonggi), thành phố Cheonan (tỉnh Nam Chungcheong), thành phố Cheongju (tỉnh Bắc Chungcheong), thành một vành đai bán dẫn khổng lồ, nuôi dưỡng, phát triển tất cả các khâu như thiết kế, sản xuất, thiết bị, vật tư thành một hệ sinh thái thống nhất. Đây được đánh giá là một bước đi mạnh mẽ, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, đảm bảo vị trí dẫn đầu trong chuỗi cung ứng chíp bán dẫn toàn cầu.


Hàn Quốc mạnh về chíp nhớ, yếu về chíp bán dẫn hệ thống


Với tốc độ chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra nhanh chóng kể từ khi dịch COVID-19 bùng nổ, chíp bán dẫn đã nổi lên như một vấn đề an ninh toàn cầu, trở thành thước đo đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia. Thậm chí còn xuất hiện nhận định rằng thế giới đang sống trong thời đại chiến tranh bằng chíp thay vì bom mìn khi chứng kiến hoạt động sản xuất ô tô bị gián đoạn chỉ vì không đảm bảo nguồn cung một con chíp trị giá dưới 1 USD. Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài, nhiều người đặt dấu nghi vấn về sự lành mạnh về hệ sinh thái chíp bán dẫn Hàn Quốc. Giám đốc Kim Dae-ho lý giải.


Hàn Quốc có phải quốc gia dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu hay không phụ thuộc vào cách nhìn nhận. Nếu dựa trên doanh số bán hàng và doanh thu, Hàn Quốc là một quốc gia dẫn đầu, khi chiếm vị trí thứ nhất hoặc thứ hai hàng năm. Song xét về lợi nhuận, Hàn Quốc thua xa nhiều nước do chưa thể đa dạng hóa thế mạnh trong ngành. Chíp bán dẫn có thể chia thành hai loại là chíp nhớ và chíp bán dẫn hệ thống (không có đặc tính nhớ). Hàn Quốc giữ vững vị trí dẫn đầu trong mảng chíp nhớ, nhưng đáng tiếc là mảng này không thu được nhiều lợi nhuận và nhạy cảm với biến động của nền kinh tế. Nếu kinh tế khó khăn, kinh doanh chíp nhớ sẽ chậm lại. Vì tập trung chủ yếu vào chíp nhớ, khó có thể cho rằng Seoul đang dẫn đầu thế giới trong toàn ngành. 


Khối tư nhân đầu tư 510.000 tỷ won; Chính phủ hỗ trợ về thuế, tài chính, cơ sở hạ tầng


Kế hoạch “Vành đai chíp bán dẫn Hàn Quốc” nhấn mạnh tới điểm này, cam kết phát triển quốc gia trở thành một cường quốc thực sự về bán dẫn bao gồm tất cả các mảng như chíp nhớ, chíp bán dẫn hệ thống, đóng gói chíp, bao bì và các lĩnh vực liên quan. Mục tiêu của Seoul là xây dựng chuỗi cung ứng chíp bán dẫn hàng đầu thế giới trong lãnh thổ Hàn Quốc. Vành đai chíp bán dẫn nối các khu vực từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây tạo thành hình chữ K. Các doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu, thiết bị công nghệ cao, bao bì và vật liệu không gỉ sẽ tham gia vào vành đai trong khi các nhà sản xuất chíp bán dẫn sẽ tăng cường đầu tư. Cụ thể, công ty điện tử Samsung và SK Hynix đã cam kết đầu tư 510.000 tỷ won (452,8 tỷ USD) trong 10 năm tới. Giám đốc Kim Dae-ho cho biết. 


Các doanh nghiệp tư nhân như hãng điện tử Samsung, SK Hynix và các nhà sản xuất chíp bán dẫn khác trăn trở về việc có nên chuyển ra nước ngoài khi nhiều quốc gia đã đưa ra chính sách ưu đãi đa dạng để các doanh nghiệp này di dời cơ sở sản xuất vào nước mình. Song, dù các doanh nghiệp này di dời nhà máy, cam kết đầu tư 510.000 tỷ won vẫn có giá trị lớn đối với Hàn Quốc bởi đầu tư tăng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới. Trong vành đai, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dễ dàng kết hợp kinh doanh, tạo ra một mạng lưới mạnh mẽ liên kết các nhà sản xuất linh kiện và các lĩnh vực khác. Với việc công bố kế hoạch đầu tư chi tiết về khu vực và lĩnh vực sẽ nhận đầu tư trước, chiến lược mới được kỳ vọng sẽ tạo ra hệ sinh thái nuôi dưỡng các doanh nghiệp bán dẫn vừa và nhỏ Hàn Quốc.


Kế hoạch đào tạo nhân lực bán dẫn trong 10 năm tới


Chính phủ đã quyết định hỗ trợ toàn diện cho đầu tư tư nhân bằng cách giảm thuế, như đưa hạng mục “công nghệ chiến lược cốt lõi” vào bảng đánh giá thuế, giảm 40-50% thuế cho nghiên cứu và phát triển chíp bán dẫn và 10-20% đầu tư cơ sở hạ tầng chíp bán dẫn, cao hơn hẳn mức khấu trừ 3% hiện hành đối với các công ty lớn đầu từ trong lĩnh vực chíp bán dẫn. Về hỗ trợ tài chính, Chính phủ thành lập mới một quỹ đầu tư cơ sở vật chất chíp bán dẫn đặc biệt trị giá hơn 1.000 tỷ won (887,8 triệu USD), hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch nuôi dưỡng và đào tạo nhân lực, điều mà ngành công nghiệp chíp bán dẫn đang khẩn thiết kêu gọi. Ông Kim Dae-ho lý giải.


Hàn Quốc có nhiều cá nhân tài năng về ngành công nghiệp bán dẫn, song không phổ biến rộng rãi trong toàn ngành. Nói cách khác, dù có nhiều cá nhân tài năng đẳng cấp thế giới, nhưng chúng ta cần một đội ngũ mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực khác. Sự thiếu hụt nhân lực có thể được lý giải là do quy mô kinh tế của Hàn Quốc nhỏ hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu; song một lý do khác nữa là việc thiếu hụt các cơ sở đào tạo nhân lực chuyên biệt về bán dẫn. Do đó, các doanh nghiệp đã liên tục yêu cầu Chính phủ nuôi dưỡng nhân lực. Đáp lại, Chính phủ đã công bố kế hoạch đào tạo 36.000 nhân lực về chíp bán dẫn trong 10 năm thông qua hợp tác công nghiệp-học viện tại các trường đại học, làm dấy lên hy vọng giải quyết bài toán kinh niên về thiếu nhân lực một cách triệt để.


Ngoài ra, kế hoạch của Chính phủ kêu gọi hỗ trợ cơ sở hạ tầng bán dẫn như cung cấp nguồn nước trong 10 năm tại các khu vực bán dẫn phức hợp ở thành phố Yongin và Pyeongtaek (tỉnh Gyeonggi), hay hợp tác với Tổng công ty điện lực Hàn Quốc (KEPCO) để chia sẻ xây dựng hạ tầng điện. Nếu kế hoạch diễn ra suôn sẻ, Chính phủ ước tính xuất khẩu chíp bán dẫn hàng năm có thể tăng lên 200 tỷ USD, tăng 100% so với hiện nay, và tạo ra thêm 270.000 việc làm. 


Tuy nhiên trên thực tế, không chỉ Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, các chính quyền tiền nhiệm cũng từng công bố nhiều phương án nuôi dưỡng chíp bán dẫn trở thành ngành công nghiệp chủ chốt của quốc gia, nhưng chúng đã không được tiếp diễn khi một Chính phủ mới lên nắm quyền. Đó là lý do tại sao có nhiều lo ngại liệu động lực có còn được duy trì mạnh mẽ sau khi Chính phủ đương nhiệm kết thúc nhiệm kỳ trong chưa đầy một năm tới. Do đó, Chính phủ và các phe đối lập cần hợp sức, đạt được sự đồng thuận mang tầm quốc gia như xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn diện về chíp bán dẫn để duy trì đà phát triển, đặt nền móng cho để trở thành cường quốc thực sự ở ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập