Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Các kế hoạch đầu tư lớn của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Mỹ

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-05-24

ⓒ YONHAP News

Kế hoạch đầu tư 40 tỷ USD vào Mỹ của 4 tập đoàn Hàn Quốc


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có chuyến thăm Mỹ trong 4 ngày và trở về nước hôm 23/5 (giờ Hàn Quốc). Tháp tùng Tổng thống Moon trong chuyến thăm lần này, lãnh đạo 4 tập toàn kinh tế lớn gồm điện tử Samsung, ô tô Hyundai, SK và LG đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá 40 tỷ USD vào thị trường Mỹ. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã theo đuổi chính sách kinh tế ưu tiên lợi ích quốc gia, gây sức ép với các nước và doanh nghiệp trên thế giới tham gia quá trình tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu theo chiều hướng duy trì vị thế đầu tàu của Washington ở các lĩnh vực công nghệ cao như chíp bán dẫn, kìm hãm Trung Quốc; đồng thời đưa ra các biện pháp mạnh mẽ đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Mỹ-Trung Cho Yong-chan phân tích cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc trước các chính sách của chính quyền Biden, được gọi là “Mua hàng Mỹ” (Buy American).


Bất chấp giá nhân công cao và hiệu suất thấp, nhiều doanh nghiệp toàn cầu đang tích cực đầu tư vào Mỹ trong các lĩnh vực như bán dẫn, pin nhiên liệu và ô tô. Đây được cho là động thái nhằm đối phó với kế hoạch xây dựng lại chuỗi cung ứng toàn cầu về pin và chíp bán dẫn của Washington trong chính sách “Mua hàng Mỹ” (Buy American) và “Chính sách kinh tế mới xanh” (Green New Deal). Về bán dẫn, nếu Trung Quốc đủ khả năng sản xuất chíp bán dẫn hàng đầu, đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngành công nghiệp quốc phòng và công nghệ thông tin của Mỹ có thể thụt lùi ít nhất 5 năm. Đó là lý do Washington gây sức ép với các nhà sản xuất chíp bán dẫn của Hàn Quốc, tham gia vào chuỗi liên minh giá trị trong ngành chống lại Bắc Kinh. Về phần mình, nếu không tham gia vào sáng kiến của Mỹ, các doanh nghiệp Hàn Quốc chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc sản xuất các sản phẩm thế hệ tiếp theo và đảm bảo năng lực công nghệ cao. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng hy vọng mở rộng sự hiện diện tại thị trường Mỹ, và có kế hoạch tăng cường đầu tư vào thị trường này.  


Các hãng pin xe điện như LG, SK tăng cường đầu tư vào Mỹ


Ô tô Hyundai là doanh nghiệp đầu tiên công bố kế hoạch đầu tư trị giá 7,4 tỷ USD trong 5 năm để sản xuất, cung cấp xe điện tại Mỹ. Hãng ô tô Hàn Quốc dự kiến sẽ mở rộng cơ sở sản xuất tại Mỹ vào nửa cuối năm nay và sản xuất mẫu xe điện Ioniq 5 kể từ năm tới. Mẫu xe này dự kiến ra mắt thị trường Mỹ vào mùa thu năm nay. Các nhà sản xuất pin xe điện của Hàn Quốc cũng tăng cường đầu tư tại Mỹ. Giám đốc Cho Yong-chan cho biết thêm.  


Mỹ đặt mục tiêu cắt giảm 50% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, và đạt mức khí thải 0% đến năm 2050, dựa trên các mức đánh giá năm 2005. Để cắt giảm khí CO2, xe điện cần được phân phối nhanh chóng. Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô Mỹ đang đứng trước bước chuyển quan trọng, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tích cực xâm nhập thị trường Mỹ. Tháng trước, hãng LG Energy Solution đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy pin xe ô tô điện thứ hai liên doanh với hãng ô tô GM tại bang Ohio. Ngoài nhà máy trị giá 2,3 tỷ USD, doanh nghiệp này cũng có kế hoạch đầu tư hơn 4,5 tỷ USD đến năm 2025 để xây dựng các nhà máy sản xuất pin riêng tại Mỹ. 


Kế hoạch tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu do Mỹ đứng đầu


Trong khi đó, SK Innovation đã quyết định liên doanh với Ford, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai của Mỹ để sản xuất pin ô tô điện tại Mỹ. Cùng với việc đầu tư 5,3 tỷ USD cho liên minh này, nhà sản xuất pin Hàn Quốc sẽ đầu tư tổng cộng 8,2 tỷ USD trong các kế hoạch trung và dài hạn. Các doanh nghiệp bán dẫn Hàn Quốc cũng đầu tư nhiều hơn vào Mỹ. Nhân Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ lần này, hãng điện tử Samsung công bố kế hoạch đầu tư 17 tỷ USD cho các dây chuyền đóng gói chíp mới tại Mỹ. Kể từ cuối năm ngoái, Samsung đã xem xét xây dựng một xưởng đúc mới khi mảng kinh doanh đóng gói chíp toàn cầu đang phát triển nhanh chóng. SK Hynix, nhà sản xuất chíp nhớ lớn thứ hai thế giới, đã quyết định đầu tư 1 tỷ USD để thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển quy mô lớn tại thung lũng Silicon. Rõ ràng, chính sách “Mua hàng Mỹ” của Washington là nguyên nhân đằng sau các kế hoạch đầu tư quy mô lớn của doanh nghiệp Hàn Quốc vào thị trường này. Ông Cho Yong-chan cho biết. 


Chìa khóa trong chính sách “Mua hàng Mỹ” của chính quyền Biden là tổ chức lại ngành sản xuất, cải thiện chuỗi cung ứng nội địa và đối phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Washington kêu gọi chuyển trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu sang Mỹ để hồi sinh ngành công nghiệp sản xuất nước này, mở rộng cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp thân thiện với môi trường, với mục đích tạo ra việc làm có chất lượng trong những thập niên tiếp theo. Washington cũng kêu gọi các đồng minh, đối tác và doanh nghiệp cùng tham gia chính. Cả các doanh nghiệp Mỹ cũng đang mở rộng đầu tư vào thị trường nội địa, một động thái giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp sẽ triển khai chiến lược Trung Quốc +1, 2, 3, chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Sang giai đoạn hai, chiến lược Mỹ +1 sẽ loại Trung Quốc, “công xưởng của thế giới”, ra khỏi danh sách các cơ sở sản xuất. Cụ thể, Mỹ có kế hoạch đầu tư 2.000 tỷ USD vào các cơ sở hạ tầng với 50 tỷ USD cho mảng chíp bán dẫn.     


4 tập đoàn Hàn Quốc đổ xô đầu tư vào Mỹ


Một số ý kiến cho rằng chính sách của chính quyền Biden thậm chí còn nặng nề hơn với chính sách “ưu tiên nước Mỹ” của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Hãng TSMC của Đài Loan, nhà đóng gói chíp lớn nhất thế giới, đã phải thay đổi kế hoạch xây dựng tại Mỹ, từ một nhà máy lên thành 5 nhà máy. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường đầu tư vào Mỹ. Giám đốc Cho Yong-chan lý giải.


Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Biden đã ra sắc lệnh đánh giá lại chuỗi cung ứng toàn cầu ở 4 mảng là bán dẫn, pin xe điện, dược phẩm và đất hiếm. Đến khi kết quả được công bố trong tháng 6, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ chứng kiến việc xuất khẩu sang Mỹ gặp khó khăn hơn. Washington có thể đánh thuế nhập khẩu cao với pin hoặc chíp bán dẫn được sản xuất bên ngoài Mỹ, và chỉ trợ giá cho xe điện sản xuất tại Mỹ. Nếu Washington tiếp tục theo đuổi chiến lược “Mua hàng Mỹ” với phương châm sản xuất tất cả tại Mỹ, các doanh nghiệp sẽ buộc phải xây dựng cơ sở sản xuất tại nước này. 


Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc


Dù là động thái không thể tránh khỏi, song việc các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ồ ạt vào Mỹ khiến nhiều người lo ngại về việc đầu tư và tình hình việc làm tại Hàn Quốc. Dù mục tiêu chính của chính sách “Mua hàng Mỹ” là ngăn chặn Trung Quốc trở thành cường quốc công nghệ, nhưng các doanh nghiệp Hàn Quốc chịu gánh nặng lớn bởi phụ thuộc vào Washington lẫn Bắc Kinh. 


Một phân tích cho thấy chính sách mới của Mỹ sẽ giúp xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 2,2%, và GDP của Hàn Quốc cũng tăng trưởng thêm 0,4%. Song, các chính sách này sẽ chống lại Bắc Kinh, khiến các cơ sở sản xuất của Seoul tại Trung Quốc có thể phải chịu các biện pháp trả đũa của nước này. Dĩ nhiên, môi trường thương mại toàn cầu cải thiện là thông tin đáng mừng đối với Hàn Quốc, vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Mặc dù được hưởng lợi nhiều, Seoul cũng phải đối mặt với những rủi ro nhất định, và cần đưa ra các đối sách hiệu quả để tối đa hóa lợi ích quốc gia.        

Lựa chọn của ban biên tập