Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Nhìn lại 10 năm FTA Hàn-EU

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-07-05

ⓒ Getty Images Bank

Thành tựu 10 năm từ FTA Hàn-EU


Ngày 1/7/2021 đánh dấu 10 năm kỷ niệm Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Thương mại quốc tế thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), FTA Hàn-EU đã mang lại lợi ích to lớn cho Seoul trong việc xuất khẩu các mặt hàng quan trọng như ô tô, pin và hóa chất do chiếm thế thượng phong trước các đối thủ thương mại như Nhật Bản. Trong năm thứ 10 của FTA Hàn-EU, 98,1% hàng rào thuế quan của Hàn Quốc đã được xóa bỏ; trong khi 99,6% hàng rào thuế quan của EU đã xóa bỏ ngay trong năm thứ 5. FTA Hàn-EU được coi là một trong những FTA toàn diện nhất với mức độ mở cửa thị trường cao, bao gồm các điều khoản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ và phát triển bền vững. Dựa trên nhiều tiêu chí như tiềm năng thị trường và các rào cản khi gia nhập thị trường, giống như Mỹ, EU cũng đã ưu tiên đàm phán ký FTA với Hàn Quốc. Trong khi đó, các nước châu Á khác mới chỉ ký kết FTA với EU trong thời gian gần đây; FTA giữa EU với Nhật Bản mới có hiệu lực từ tháng 2/2019, với Singapore hoặc với Việt Nam cũng chỉ mới có hiệu lực lần lượt vào tháng 11/2019 và tháng 8/2020. Như vậy, Seoul gần như là nước châu Á duy nhất hưởng lợi về thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa sang EU trong 10 năm qua. 


Ngành ô tô, pin và hóa chất hưởng lợi từ miễn thuế vào EU


Các nhà phân tích cho rằng Hiệp định thương mại tự do với EU đã giúp Hàn Quốc giữ được thị phần đáng kể tại thị trường châu Âu. Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, nhập khẩu của EU đối với hàng hóa Hàn Quốc vẫn tăng trung bình 0,1% trong 4 năm kể từ năm 2010. Ngược lại, nhập khẩu từ Nhật Bản lại giảm trung bình 4,9% trong cùng thời điểm. Theo danh mục, ngành ô tô được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ việc xóa bỏ thuế quan vào EU. Ông Hong Jeong-wan, Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc phân tích thành quả từ Hiệp định FTA Hàn-EU 10 năm qua. 


Xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc sang EU đã đạt 8,4 tỷ USD trong năm 2019, tăng hơn gấp đôi so với con số 3,3 tỷ USD năm 2010. Mặc dù xuất khẩu xe chạy nguyên liệu hóa thạch bắt đầu giảm kể từ năm 2017 song đã được thay thế bằng xe điện. Xuất khẩu xe điện của Hàn Quốc sang EU đã tăng từ 100 triệu USD năm 2015 lên 4,6 tỷ USD năm 2020. So với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc là nước duy nhất được miễn thuế xuất khẩu ô tô điện sang EU từ năm 2016. Xuất khẩu pin lithium-ion sang châu Âu cũng tăng trưởng ổn định bởi mức thuế 2,7% đã được xóa bỏ khi FTA song phương có hiệu lực.  


Cơ hội cho doanh nghiệp Hàn Quốc nâng cao năng lực cạnh tranh về công nghệ, chất lượng và thiết kế


Xuất khẩu các sản phẩm hóa chất của Hàn Quốc sang EU đã đạt 7,1 tỷ USD trong năm ngoái, tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm kể từ con số khiêm tốn 1,2 tỷ USD của năm 2010. Xuất khẩu vật liệu điện cực, một trong các sản phẩm quan trọng để sản xuất pin lithium-ion cũng tăng đáng kể. Dù vẫn phải nhập khẩu lượng lớn nông sản từ EU nhưng trong năm ngoái, xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ, nấm, dưa muối kimchi, rong biển lá kim, đồ uống của Hàn Quốc sang thị trường này vẫn đạt tăng trưởng 125% so với thời điểm trước khi FTA Hàn-EU có hiệu lực. Ngoài ra, FTA Hàn-EU đã giúp Seoul đa dạng hóa các điểm nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng và thiết bị, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp Hàn Quốc nâng cao khả năng cạnh tranh. Ông Hong Jeong-wan cho biết. 


Sau khi ký kết FTA với Hàn Quốc, EU đã coi Seoul như một thị trường độc lập, chứ không phải một trong những thị trường châu Á và hàng hóa từ EU đã tích cực thâm nhập thị trường Hàn Quốc. Chẳng hạn, chỉ trong 5 năm, xuất khẩu xe ô tô dung tích xylanh trên 2.000 cc từ EU sang Hàn Quốc đã tăng từ 21,7% trước khi FTA có hiệu lực lên 25,3%. Tất nhiên, tới năm 2020, thị phần xe nhập khẩu tại Hàn Quốc đã giảm xuống mức 13,4% do các mẫu xe mới và thương hiệu ô tô nội địa. Ngược lại, thị phần ô tô “Made in Korea” tại EU đã tăng từ 4,5% thời điểm trước FTA lên 7,1% vào năm 2020. Thị trường các thiết bị gia dụng cũng chứng kiến xu hướng tăng trưởng. Năm 2016, 2017, máy hút bụi Dyson rất phổ biến tại Hàn Quốc, chiếm hơn 80% thị phần nội địa. Song điều này đã khiến các nhà sản xuất máy hút bụi nội địa chuyển sang xu hướng máy hút bụi không dây. Kết quả là LG và Samsung đã giành lại được hai vị trí dẫn đầu tại thị trường Hàn Quốc. Ngược lại, các sản phẩm gia dụng cao cấp của Hàn Quốc đã thâm nhập thị trường EU.


Tây Âu là thị trường tiêu thụ, Đông Âu là cơ sở sản xuất


Về tổng thể, không có thay đổi quá lớn về xuất khẩu của Hàn Quốc sang EU kể từ khi FTA song phương có hiệu lực, trong khi xuất khẩu từ EU sang Hàn Quốc lại tăng đáng kể. Đáng chú ý, đầu tư của Hàn Quốc sang EU đã tăng vọt kể từ năm 2015. Nhà nghiên cứu Hong Jeong-wan lý giải.


Chúng ta cần xem xét đến đặc điểm thương mại giữa Hàn Quốc và EU. Seoul đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các mặt hàng cao cấp nhập khẩu từ EU như ô tô chở khách, túi xách phù hợp với mức tiêu dùng cao hơn và các lợi ích từ việc miễn thuế. Ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ, nhu cầu các linh kiện liên quan nhập khẩu tử EU cũng tăng. Xuất khẩu bán dẫn càng tăng thì nhập khẩu linh kiện từ EU càng tăng theo. Ngoài ra, Hàn Quốc đã chuyển nhiều cơ sở sản xuất các mặt hàng gia dụng, ô tô và thiết bị thông tin liên lạc ra nước ngoài. Vì vậy, có vẻ xuất khẩu trực tiếp từ Hàn Quốc sang EU không tăng nhiều. Song, chúng ta cần lưu ý khu vực Đông Âu, nơi các tập đoàn Hàn Quốc tập trung đặt cơ sở sản xuất. Seoul đã xuất khẩu một lượng lớn hàng hóa trung gian và các linh kiện sang khu vực này để đạt thặng dư thương mại tại đó. Ở khu vực Tây Âu, quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào các doanh nghiệp mới đã tăng gấp đôi so với trước khi FTA có hiệu lực. Có thể nói, xuất khẩu trực tiếp của Hàn Quốc sang các nước châu Âu đã giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc lại tham gia vào hoạt động kinh tế trong khu vực.


Chuẩn bị cho thập kỷ tới “Tổ chức lại chuỗi cung ứng của EU, cơ hội cho doanh nghiệp Hàn Quốc”


Tình hình kinh tế toàn cầu trong 10 năm qua không mấy mặn mà. Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu diễn ra ngay sau khi FTA Hàn-EU có hiệu lực và sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trên toàn cầu đã giáng một đòn mạnh vào xuất khẩu của Hàn Quốc. Trước đó, xuất khẩu thép của Hàn Quốc đã tăng trung bình gần 10% mỗi năm, song sau khi EU đưa ra các biện pháp tự vệ thương mại đối với thép nhập khẩu từ tháng 7 năm 2018, xuất khẩu mặt hàng này đã chững lại với đồ thị đi ngang. Xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu đã tăng vọt từ các biện pháp miễn thuế từ FTA song phương, nhưng cũng bắt đầu giảm do các cuộc điều tra về chống bán phá giá vào năm 2017. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu của Hàn Quốc. Dù vậy, bất chấp những diễn biến tiêu cực, FTA Hàn-EU đã cho thấy nhiều kết quả tích cực trong một thập kỷ qua. Đã đến lúc hướng đến 10 năm tiếp theo. Ông Hong Jeong-wan nhận định.


Hiệp định FTA cho thấy EU là một thị trường đầy thách thức. Là nước châu Á đầu tiên ký kết FTA với EU, Hàn Quốc đã tận dụng được các lợi ích về thuế quan, song thị phần tăng trưởng không nhiều. Trong giai đoạn đầu, các sản phẩm của Hàn Quốc phải cạnh tranh với hàng hóa cao cấp tại EU để thu hút người tiêu dùng của 28 quốc gia, bao gồm cả Anh. Giờ đây, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam đã ký kết FTA với EU nên Seoul sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn tại thị trường này. Tất nhiên, các FTA này mới chỉ ở giai đoạn đầu nên tác động của việc miễn giảm thuế còn hạn chế. EU đang định hình lại chuỗi cung ứng, tăng cường các tiêu chuẩn về môi trường và nhân quyền để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Hàn Quốc nên tận dụng cơ hội này để mở rộng sự hiện diện tại thị trường châu Âu, tận dụng tối đa lợi ích từ FTA song phương, với hàng rào thuế quan gần như được bãi bỏ hoàn toàn trong 10 năm qua.

Lựa chọn của ban biên tập