Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Xuất khẩu của doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc nửa đầu năm tăng trưởng 21,5%

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-07-26

ⓒ Getty Images Bank

Xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 56,5 tỷ USD


Theo kết quả điều tra xu hướng xuất khẩu 6 tháng đầu năm do Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm tiến hành, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đạt 56,5 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng kim ngạch xuất khẩu quý II đạt mức cao kỷ lục tính theo quý, một tin tức cực kỳ đáng hoan nghênh trong bối cảnh đại dịch bùng phát trở lại do biến thể Delta của virus COVID-19. Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Mỹ-Trung Cho Yong-chan phân tích các số liệu và những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. 


Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phục hồi như trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Xuất khẩu đã tăng trưởng trong 8 tháng liên tiếp kể từ tháng 11 năm ngoái. Xuất khẩu 20 mặt hàng chủ lực chiếm một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng 27%. Các mặt hàng liên quan đến dịch COVID-19 như bộ kít chẩn đoán nhanh, xét nghiệm theo phương pháp khuếch đại gen (PCR) đã xuất khẩu tới 180 quốc gia trên thế giới. Xuất khẩu các mặt hàng y tế đạt gần 2 tỷ USD, tăng 225%. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu linh kiện xe điện cũng ghi nhận mức kỷ lục 2,1 tỷ USD, tăng 26%. Xuất khẩu chip bán dẫn tới các nước nói tiếng Trung tăng 45%, đạt con số kỷ lục 1,5 tỷ USD. Xét theo khu vực, xuất khẩu sang 10 quốc gia lớn chiếm 69% kim ngạch xuất khẩu tăng 19,4%, trong đó xuất khẩu sang Mỹ và Đức đạt mức cao nhất lịch sử. 


Bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc phục hồi


Xuất khẩu nhìn chung đều tăng trưởng nhưng xuất khẩu trực tuyến ghi nhận tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc, tăng 101% so với một năm trước, đạt 77% tổng kim ngạch xuất khẩu của năm ngoái chỉ trong vòng 6 tháng qua. Các mặt hàng xuất khẩu trực tuyến chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo, cho thấy làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu đang tác động tích cực đến các doanh nghiệp. Xuất khẩu tăng trưởng đồng đều giữa các ngành do các nền kinh tế lớn chứng kiến sự phục hồi trong nửa đầu năm nay. Ông Cho Yong-chan cho biết thêm.


Xuất khẩu trong nửa đầu năm đã tăng trưởng theo hình chữ V do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) phục hồi nhờ tiêm chủng vắc-xin COVID-19. Ngoài ra, nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ về vật liệu, linh kiện và thiết bị trong hai năm qua đã phát huy hiệu quả. Thế giới đang tiến tới xu hướng số hóa, chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu COVID-19, giúp xuất khẩu thiết bị điện tử, chip bán dẫn và linh kiện “made in Korea” tăng trưởng do có sức cạnh tranh cao so với các đối thủ.


Xây dựng cơ sở pháp lý, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương hồi sinh trong khủng hoảng


Các doanh nghiệp đã căng mình chống đỡ trước đại dịch, khiến các khoản nợ ngày càng tăng. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 20/7 công bố số liệu cho biết tính đến cuối tháng 3, các khoản vay của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm đã tăng 12,8% so với một năm trước, cao hơn hẳn so với con số 7% của các tập đoàn lớn và 9,5% của các hộ gia đình. Hiện vẫn chưa xác định được điểm cuối đường hầm của cuộc khủng hoảng COVID-19, song gánh nặng nợ có thể gia tăng khi mà lãi suất được dự đoán sẽ tăng. Hơn nữa, tình hình kinh tế chắc chắn sẽ xấu đi trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc gần đây nâng giãn cách xã hội lên mức cao nhất là mức 4. 


Trong bối cảnh này, Chính phủ gần đây đã công bố kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm cho biết dự thảo “Luật bồi dưỡng và xúc tiến đổi mới doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương” đã được thông qua trong cuộc họp Nội các ngày 20/7 vừa qua. Nội dung dự luật gồm các kế hoạch nuôi dưỡng, thúc đẩy đổi mới và hỗ trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm ngoài thủ đô Seoul và khu vực lân cận. Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm tuyên bố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh bền vững, ứng phó với môi trường kinh doanh biến động do dịch COVID-19. Ông Cho Yong-chan lý giải.


Mặc dù Hàn Quốc đã bước vào hàng ngũ các nền kinh tế tiên tiến, song vẫn chưa có hành lang pháp lý riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm địa phương. Mặc dù muộn, nhưng luật mới được thông qua lần này sẽ là nền tảng để thành lập các trung tâm nghiên cứu cũng như tổ chức tài chính chuyên hỗ trợ các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ về mặt kinh phí và quản lý. Chính phủ cũng xúc tiến dự án hỗ trợ 100 công ty khởi nghiệp về linh kiện và vật liệu để tìm kiếm và nuôi dưỡng các doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực liên quan. Trên thực tế, việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở cấp địa phương sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối phó kịp thời trong trường hợp xảy ra khủng hoảng như đại dịch COVID-19.


Các đối sách trong nửa cuối năm 


Một báo cáo gần đây cho biết hệ sinh thái khởi nghiệp và mạo hiểm tại Hàn Quốc đã tăng trưởng gấp 2,8 lần trong 10 năm qua. Con số này được lấy từ Chỉ số tổng hợp về hệ sinh thái khởi nghiệp và mạo hiểm do Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm tính toán dựa trên các xu hướng khởi nghiệp và ngành công nghiệp mạo hiểm. Tuy con số này cho thấy sự cải thiện đáng kể, song dù đầu tư và hỗ trợ từ Chính phủ tăng, nhưng hoạt động của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp. Giám đốc Cho Yong-chan nhận định.


Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm đã định lượng xu hướng cho các công ty khởi nghiệp và công bố Chỉ số tổng hợp về hệ sinh thái khởi nghiệp và mạo hiểm. Theo đó, có thể thấy nguồn ngân sách Chính phủ không được cung cấp cho các doanh nghiệp thực sự cần, và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng không được cải thiện. Chỉ số này cũng cho thấy khác với Mỹ hay Trung Quốc, môi trường của Hàn Quốc không thân thiện với các công ty đang nỗ lực đổi mới, khi mà các quy định về cấp phép và quy chế về môi trường đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, dẫn đến các thương vụ mua và sáp nhập. Do đó, tôi cho rằng nếu sử dụng hiệu quả chỉ số này sẽ giúp Chính phủ định hướng đúng chính sách đối với các doanh nghiệp. Xuất khẩu dự kiến vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay. Do đó, hỗ trợ tiếp thị trực tuyến và không tiếp xúc là cần thiết đối với các doanh nghiệp triển vọng. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo lượng tàu thuyền và container để xử lý hàng xuất khẩu ngày càng tăng, cũng như cung ứng đủ nguyên liệu thô và phụ liệu. Chính phủ cũng cần đưa ra các biện pháp để rút ngắn thời gian nghỉ việc cho người thất nghiệp. Và thông qua ngân sách bổ sung lần hai, Chính phủ cần hỗ trợ giải quyết khó khăn về hậu cần, hay hoãn trả nợ gốc lẫn lãi và có chính sách vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm. 


Khoảng 90% các doanh nghiệp Hàn Quốc là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ mạnh sẽ phát triển thành các doanh nghiệp tầm trung mạnh, và là tiền đề hình thành nên các tập đoàn lớn. Chu kỳ này cuối cùng sẽ dẫn đến sự tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm đang được kỳ vọng sẽ kiên trì vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19, tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Lựa chọn của ban biên tập