Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-08-09

ⓒ Getty Images Bank

Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đạt 458,68 tỷ USD


Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 4/8 công bố dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 458,68 tỷ USD trong tháng 7, tăng gần 4,6 tỷ USD so với tháng trước, và gần 2 tỷ USD so với mức cao kỷ lục của tháng 5, phá kỷ lục mới trong 7 tháng liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 12 năm ngoái bất chấp cuộc khủng hoảng COVID-19. Sau biến động trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, dự trữ ngoại hối đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng 7. Cụ thể, chứng khoán có giá là 414,9 tỷ USD, chiếm 90,5%; lượng tiền gửi ngân hàng là 30,8 tỷ USD, vàng là 4,79 tỷ USD; và vị thế ròng tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tức quyền được rút một phần tiền trong khoản đóng góp nghĩa vụ cho IMF, là 4,67 tỷ USD. 


Nguyên nhân dự trữ ngoại hối tăng


Dự trữ ngoại hối được coi là quỹ khẩn cấp quốc gia, có thể sử dụng để nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, trả lãi, hoặc khi thị trường ngoại hối biến động bất thường. Đây là một chiếc van an toàn cho nền kinh tế quốc gia trong lúc cấp bách, góp phần ổn định tỷ giá hối đoái, nâng cao tín nhiệm quốc gia. Hôm nay, nhà nghiên cứu Oh Joon-beom từ Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai giải thích tình hình dự trữ ngoại hối kỷ lục của Hàn Quốc. Trước hết là hai lý do khiến dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục. 


Thứ nhất, lợi nhuận từ các khoản đầu tư tài sản ở nước ngoài tăng lên. Do chứng khoán chiếm phần lớn trong dự trữ ngoại hối, lợi nhuận thu được từ vận hành tài sản sẽ làm tăng dự trữ ngoại hối. Thứ hai, xu hướng đồng đô-la Mỹ suy yếu cũng làm tăng giá trị tài sản bằng các loại tiền tệ khác như đồng euro, đồng yên Nhật và đồng bảng Anh. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã chứng kiến thặng dữ vãng lai trong một thời gian nhờ xuất khẩu mạnh mẽ, bất chấp cuộc khủng hoảng do đại dịch. Mặc dù đây là nguyên nhân gián tiếp, song yếu tố này cũng góp phần làm giảm sử dụng dự trữ ngoại hối. 


Dự trữ ngoại hối dồi dào chứng tỏ nền kinh tế “khỏe mạnh”


Tính đến cuối tháng 6, dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đứng thứ 8 thế giới, giữ vững vị trí này trong ba tháng liên tiếp. Về quy mô, Trung Quốc đứng đầu thế giới với 3.210 tỷ USD, theo sau là Nhật Bản và Thụy Sĩ. Ngoài ra, Nga, Ấn Độ, Đài Loan và Hong Kong cũng có dự trữ ngoại hối cao hơn Hàn Quốc. Trong cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997, Seoul buộc phải đề nghị gói cứu trợ từ IMF khi dự trữ ngoại hối rớt xuống còn 3,9 tỷ USD. Song, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc vẫn duy trì ở mức ổn định, gấp hàng trăm lần so với mức đáy ở cuộc khủng hoảng những năm 1990. Và trong thời đại COVID-19, Seoul vẫn đảm bảo dự trữ ngoại hối. Ông Oh Joon-beom giải thích ý nghĩa.  


Dự trữ ngoại hối dồi dào cho thấy Hàn Quốc có thể bảo vệ nền kinh tế tốt hơn nhờ nguồn lực thanh toán dồi dào ra bên ngoài. Nói cách khác, tính ổn định của nền kinh tế vĩ mô đã được cải thiện. Tuy nhiên, khi đánh giá tính lành mạnh của dự trữ ngoại hối, cần căn cứ vào nhiều yếu tố thay vì chỉ dựa trên số lượng. Ví dụ, lấy mốc thời gian là tháng 3 năm nay, các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn của Hàn Quốc chiếm 29,3% trên tổng các khoản nợ nước ngoài, được cải thiện so với mức bình quân 10 năm (30,8%). Tỷ lệ nợ nước ngoài ngắn hạn so với dự trữ ngoại hối là 37,1%, tăng so với mức trung bình 10 năm (36,4%), song vẫn ở mức an toàn. So với tỷ lệ nợ ngoại hối trên dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ là 148%, Argentina là 100%, Malaysia là 84%, có thể thấy dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc vẫn tương đối ổn định. 


Mỹ bình thường hóa chính sách tiền tệ, tăng rủi ro kinh tế và tài chính cho các nước khác


Trong tình huống khẩn cấp, dự trữ càng dồi dào càng tốt. Tuy nhiên, không nên để dự trữ ngoại hối quá lớn bởi chúng sẽ được đầu tư vào các tài sản an toàn, khó bị mất, nhưng không tạo ra lợi nhuận cao. Chẳng hạn, trái phiếu Chính phủ Mỹ là đầu tư an toàn, song tỷ lệ sinh lời thấp, điều này nghĩa là một quốc gia có thể mất cơ hội kiếm lợi nhuận cao do đầu tư vào khoản rủi ro mà sinh lời cao. Dưới quan điểm chi phí lợi nhuận, cần duy trì dự trữ ngoại hối ở mức thích hợp. Mỹ hiện đang chuẩn bị cho chiến lược thoát khỏi dịch COVID-19, động thái này có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Hàn Quốc nói riêng. Nhà nghiên cứu Oh Joon-beom ý giải.


Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố đã bắt đầu thảo luận về cách thức và thời điểm giảm hoặc chấm dứt chính sách nới lỏng định lượng trong cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC). Các chuyên gia cho rằng cơ quan này sẽ bắt đầu giảm mua tài sản trong năm nay. Nếu điều này trở thành hiện thực, một phần thanh khoản dồi dào quá mức trên thị trường sẽ bị hấp thu, dẫn đến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy khỏi thị trường Hàn Quốc, gây bất ổn cho thị trường tài chính. Sự chuyển hướng chính sách của FED sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của BOK. Trong bối cảnh nợ hộ gia đình của Hàn Quốc đang tăng mạnh, lãi suất cơ bản tăng sẽ tạo ra gánh nặng cho các hộ gia đình mắc nợ.        


Cân bằng giữa chi phí cơ hội và dự trữ ngoại hối dồi dào


Hiện tại, khó lường trước được sự thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế các nước khác tới mức nào. Do đó, Hàn Quốc cần chuẩn bị các phương án ứng phó, và duy trì mức dữ trự ngoại hối thích hợp. Nhà nghiên cứu Oh Joon-beom nhận định.  


Chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước ngày càng tăng đang gây tranh cãi về mức dự trữ ngoại hối thích hợp. Rõ ràng, Hàn Quốc cần duy trì mức dự trữ ngoại hối đáng kể khi nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Song không có tiêu chuẩn cụ thể về mức dự trữ ngoại hối phù hợp để bảo vệ nền kinh tế trước cú sốc từ bên ngoài. Thế nên, Seoul cũng cần thảo luận các biện pháp củng cố nền tảng tài chính và ngoại hối của quốc gia. Ví dụ, Hàn Quốc có thể mở rộng các Hiệp định hoán đổi tiền tệ với các nước lớn, thắt chặt các quy định về vốn đầu tư ngắn hạn, khuyến khích khu vực tư nhân nắm giữ tài sản ngoại tệ thông qua các biện pháp kích thích. Tôi cho rằng Hàn Quốc cần duy trì và cải thiện các điều kiện cơ bản của nền kinh tế như tốc độ tăng trưởng tiềm năng, thặng dư tài khoản vãng lai và giá cả. 

Lựa chọn của ban biên tập