Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Thay đổi chỉ số kinh tế của Hàn Quốc và Nhật Bản 30 năm qua

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-08-23

ⓒ Getty Images Bank

Seoul vượt Tokyo về năng lực cạnh tranh quốc gia


Những thập kỷ trước, người Hàn Quốc thường cho rằng những gì từ Nhật Bản là xuất sắc, là nước giàu có hơn Hàn Quốc. Nhưng quan niệm đó đã thay đổi, giờ đây, nhiều người Hàn Quốc lựa chọn các sản phẩm “made in Korea” thay vì các sản phẩm từ Nhật Bản; tự hào về nền văn hóa đại chúng Hàn Quốc, còn được gọi là làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu. Có nhiều lý do dẫn tới sự thay đổi này. Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) đã so sánh những thay đổi về khoảng cách kinh tế và khả năng cạnh tranh giữa Seoul và Tokyo trong 30 năm qua. Kết quả cho thấy khoảng cách đã được thu hẹp đáng kể và thậm chí bị đảo ngược ở một số lĩnh vực. Ví dụ, theo Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới (WCR) do Viện phát triển quản lý quốc tế (IMD) có trụ sở tại Thụy Sĩ công bố, Nhật Bản đã rơi từ vị trí thứ 4 năm 1995 xuống vị trí thứ 34 năm 2020, trong khi Hàn Quốc tăng từ vị trí thứ 26 lên 23 trong cùng giai đoạn. 30 năm trước, Nhật Bản giống như một bức tường cao mà Hàn Quốc tưởng như không thể vượt qua; song làm thế nào mà Seoul đã vượt mặt nước láng giềng trong nhiều lĩnh vực? Trước hết, ông Lee In-chul, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun đề cập đến một số chỉ số kinh tế khác của hai nước. 


Trong những năm 1990, ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lớn trên thế giới là Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch đã mặc định xếp Nhật Bản ở vị trí cao nhất. Năm 1990, Standard & Poor’s đã xếp Nhật Bản ở mức AAA, cao hơn 4 bậc so với mức A+ của Hàn Quốc. Trong năm nay, xếp hạng tín nhiệm của Seoul đã tăng lên mức AA, cao hơn hai bậc so với mức A+ của Tokyo. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương (PPP) của Hàn Quốc năm 2018 là khoảng 43.001 USD, cao hơn mức 42.725 USD của Nhật Bản.


Khoảng cách về các chỉ số tổng hợp được thu hẹp đáng kể


Về chỉ số năng lực cạnh tranh ngành chế tạo (CIP) của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt đứng thứ 17 và 2 trong năm 1990; nhưng vị trí này bị hoán đổi khi Seoul đã thăng hạng lên vị trí thứ 3 thế giới vào năm 2018, còn Nhật Bản hạ ba bậc xuống thứ 5. Mặc dù Tokyo vẫn dẫn trước Seoul về chỉ số kinh tế vĩ mô, song khoảng cách đã được thu hẹp đáng kể. Ông Lee In-chul phân tích. 


GDP danh nghĩa của Hàn Quốc năm 1990 đạt 283 tỷ USD, chỉ bằng 8,9% của Nhật Bản; song, sau 30 năm, con số này năm 2020 đã tăng lên 1.631 tỷ USD, tương đương 32% của Nhật Bản. GDP danh nghĩa của Seoul và Tokyo trong năm 1990 lần lượt đứng thứ 17 và 2, khoảng cách đã được thu hẹp sau ba thập kỷ với thứ hạng lần lượt là 10 và 3. Về thương mại quốc tế, nếu như năm 1990, kim ngạch xuất nhập khẩu của Hàn Quốc so với Nhật Bản là 24% và 31%; thì đến năm 2020, xuất khẩu và nhập khẩu của Seoul đã đạt 513 tỷ USD và 468 tỷ USD, chiếm lần lượt là 80% và 74% so với của Nhật Bản. 


“Ba thập kỷ mất mát” làm suy yếu nền kinh tế quốc gia Nhật Bản


Trong 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới Fortune Global 500, Nhật Bản có 53 công ty, còn Hàn Quốc có 15 công ty, cao gấp 3,5 lần. Thành tích này đã giảm đáng kể nếu so với con số 18 lần cách đây 25 năm, cho thấy doanh nghiệp Hàn Quốc đang chạy đua mạnh mẽ trước các đối thủ Nhật Bản về khả năng cạnh tranh kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn có lĩnh vực mà Seoul còn giữ khoảng cách lớn với Tokyo, đó là ngành khoa học cơ bản và công nghệ. Năm 2020, trong 1.000 công ty đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn trên thế giới, số doanh nghiệp Nhật Bản nhiều hơn Hàn Quốc gấp 5 lần. Nhập siêu vật liệu và phụ tùng của Seoul tăng gần gấp đôi từ 8,3 tỷ USD trong năm 1994 lên 15,4 tỷ USD trong năm 2020, mặc dù Seoul đã nỗ lực phát triển ngành công nghiệp nguyên liệu và phụ tùng nội địa sau khi Tokyo áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với Hàn Quốc năm 2019. Nhìn chung, các chỉ số kinh tế cho thấy Hàn Quốc đã hoạt động tốt trong ba thập kỷ qua, trong khi Nhật Bản đang chững lại. Tuy nhiên, không thể phủ nhận nguyên nhân đằng sau kết quả này nằm trong nội bộ của Nhật Bản. Ông Lee In-chul giải thích.


Hàn Quốc đã phát triển đáng kể và vượt Nhật Bản trong một số lĩnh vực. Tất nhiên, Seoul đã thể hiện hiệu suất ấn tượng; song cuộc suy thoái kéo dài, hay còn được gọi là “ba thập kỷ mất mát” của Nhật Bản, là một trong các nguyên nhân chính khiến kinh tế của Tokyo rơi vào khó khăn. Sau Hiệp định Plaza được ký vào những năm 1980, xu hướng đồng yên mạnh đã khiến các nhà xuất khẩu Nhật Bản mất đi khả năng cạnh tranh về giá. Tokyo đã chọn phương án an toàn là giảm lãi suất thay vì cải cách cơ cấu, nhưng bong bóng giá tài sản và thị trường bất động sản bùng nổ cùng với kỷ nguyên giảm phát đã bắt đầu. Nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu thoái trào do không thích ứng được với công nghệ mới, dẫn tới sự đổi mới; và nước này nhanh chóng rơi vào tình trạng già hóa dân số, dân số ở độ tuổi lao động giảm mạnh khi đạt đỉnh vào năm 1995. Tokyo bị cuốn vào vòng luẩn quẩn: giá tài sản giảm, kinh tế suy thoái, tiêu dùng, đầu tư thu hẹp.


Quản lý tài chính, chuẩn bị động lực tăng trưởng tương lai từ bài học rút từ Nhật Bản


Mặt bằng chung, Hàn Quốc đang ở hoàn cảnh tương tự Nhật Bản về nhiều mặt. Ví dụ, Seoul cũng đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số, một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng thấp của Nhật Bản. Thực tế, vấn đề này đã xuất hiện từ trước, và dịch COVID-19 có thể đẩy nhanh sự thay đổi cơ cấu dân số của Hàn Quốc. Năm 2020, tỷ suất sinh của Hàn Quốc đạt mức thấp kỷ lục là 0,84, mức thấp nhất trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20). Có nhiều lo ngại Hàn Quốc sẽ rơi vào bẫy tăng trưởng thấp nhanh hơn Nhật Bản. Giám đốc Lee In-chul nhận định.


Vấn đề giảm tỷ lệ sinh và dân số già hóa ở Hàn Quốc thậm chí còn nghiêm trọng hơn của Nhật Bản. Dù Hàn Quốc không tăng trưởng âm như Nhật Bản nhưng lượng tiền khổng lồ được tung ra để hỗ trợ nền kinh tế trong dịch COVID-19 không dành cho mục đích đầu tư và tiêu thụ mà nó được sử dụng như một nguồn tiền tạo ra bong bóng trên thị trường như chứng khoán, tiền kỹ thuật số và bất động sản. Chính sách tài khóa chủ động của Chính phủ có thể làm cạn kiệt ngân sách quốc gia. Giống như các nền kinh tế tiên tiến khác, Seoul cần lập một quy chuẩn tài chính phù hợp, để không ảnh hưởng đến tính lành mạnh tài chính. Các doanh nghiệp nên tiến hành cơ cấu lại, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo động lực tăng trưởng trong tương lai. Chính phủ cần thúc đẩy tiêu thụ nội địa để không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.


Hàn Quốc đã thu hẹp khoảng cách, thậm chí vượt Nhật Bản về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Song, nhìn từ bài học của Tokyo, Seoul cần chuẩn bị cho tương lai với “một cái đầu lạnh” thay vì quá vui mừng vì đã bắt kịp quốc gia láng giềng.

Lựa chọn của ban biên tập