Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Xu hướng đồng won giảm giá mạnh so với đồng USD

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-10-18

ⓒ Getty Images Bank

Đồng won giảm giá mạnh trước một loạt tin xấu 


Tỷ giá hối đoái là một yếu tố đánh giá sức khỏe nền kinh tế. Trong quá khứ, tỷ giá hối đoái won-USD vượt quá mức 1.200 won ăn 1 USD là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Hàn Quốc đang đối mặt với khủng hoảng. Chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khủng hoảng nợ ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), thương chiến Mỹ-Trung leo thang, thời điểm Nhật Bản áp đặt các hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao với Hàn Quốc, hay từ tháng 2 đến tháng 7 năm ngoái khi dịch COVID-19 bùng phát. Gần đây, tỷ giá hối đoái won trên USD một lần nữa chạm mốc 1.200 won/USD. Sau đây, ông Cho Yong-chan, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Mỹ-Trung, phân tích xu hướng đồng won suy yếu và những tác động tiềm ẩn. 


Tỷ giá hối đoái won-USD đang dao động trong khoảng 1.180-1.190 won/USD. Xuất khẩu của Hàn Quốc 8 tháng đầu năm nay đã tăng 27%, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc năm 2021 dự đoán sẽ tăng trưởng khoảng 4%. Tỷ giá hối đoái thường sẽ giảm khi Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) tăng lãi suất cơ bản; song có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy đồng won đang suy yếu khi vượt qua ngưỡng tâm lý 1.200 won/USD vào phiên giao dịch ngày 12/10 vừa qua. Đáng lo ngại là đồng won lao dốc đã khiến giá năng lượng, thực phẩm và nguyên liệu thô tăng vọt, kéo theo áp lực lạm phát.


Nỗi lo lạm phát lan rộng khi giá dầu thô vượt 80 USD/thùng


Theo các nhà phân tích, có ba nguyên nhân chính đằng sau đà giảm giá mạnh của đồng won. Đầu tiên, Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến sẽ sớm cắt giảm mua trái phiếu Chính phủ, thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, thu hồi lượng tiền giao dịch trên thị trường và điều này sẽ làm đồng USD tăng giá. Thứ hai, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại như dự báo trong bối cảnh Tập đoàn bất động sản Evergrande có nguy cơ vỡ nợ và cuộc khủng hoảng thiếu điện tồi tệ chưa từng có. Bắc Kinh là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Seoul, và đồng tiền hai nước thường có cùng xu hướng biến động. Cuối cùng, giá dầu thế giới tăng mạnh đột biến và chưa có dấu hiệu chững lại. Giá dầu Brent và dầu thô Dubai đều vượt mức 80 USD/thùng, tăng hơn 60% so với năm ngoái. Giá dầu thô được dự đoán có thể vượt mốc 100 USD/thùng vào đầu năm sau, và 190 USD/thùng vào năm 2025. Trên thực tế, sản lượng dầu thô hiện nay giảm hơn 2 triệu thùng/ngày so với trước dịch COVID-19. Nếu mùa đông năm nay lạnh hơn so với các năm trước, tình trạng khan khiếm nguồn cung dầu thô có thể trở nên nghiêm trọng hơn. 


Giá khí đốt tự nhiên, giá than đá và dầu mỏ tăng vọt đã khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang các loại tài sản an toàn, kéo theo xu hướng đồng USD tăng giá. Trước tình hình tỷ giá won-USD biến động mạnh, BOK đã đề cập đến một số phương án ổn định thị trường như can thiệp vào thị trường ngoại hối. Chính phủ Seoul và các cơ quan tài chính lo ngại xu hướng đồng won giảm giá mạnh có thể khiến lạm phát tăng. Giám đốc Cho Yong-chan cho biết 


Giá nhập khẩu cao nhất trong vòng 7 năm 7 tháng


Tỷ giá hối đoái đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá xuất nhập khẩu. Cụ thể, giá nguyên liệu đầu vào và hàng hóa tăng mạnh đã khiến giá của nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu như bánh mỳ kẹp thịt, cơm cuộn lá kim kimbap, thịt lợn ba chỉ, trứng, trái cây, các sản phẩm từ sữa và bánh mỳ tăng theo. Giá tiêu dùng tháng 9 đã tăng 2,5%, 6 tháng liên tiếp vượt qua mức lạm phát 2% do Chính phủ đề ra. Trong khi các biện pháp bình ổn giá của Chính phủ chưa mang lại hiệu quả như mong đợi thì sản xuất, tiêu dùng và đầu tư đều giảm trong tháng 8. Có nhiều lo ngại Hàn Quốc có thể lâm vào tình trạng lạm phát kèm suy thoái (stagflation) trong năm tới. 


Đồng USD có thể tiếp tục mạnh lên 


Chính phủ Hàn Quốc vẫn tin rằng nền kinh tế đang trên đà phục hồi nhờ xuất khẩu mạnh mẽ bởi xuất khẩu là động lực chính của nền kinh tế. Tương tự, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã có động thái điều chỉnh triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2021. Song gần đây, bầu không khí không mấy lạc quan khi đại dịch chưa có dấu hiệu suy giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của Seoul. Mặc dù, xuất khẩu trong tháng 9 đạt con số kỷ lục, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tỷ lệ này giảm hơn một nửa so với con số 34,8% của tháng 8, làm dấy lên lo ngại đà tăng trưởng xuất khẩu bắt đầu chậm lại. Thêm vào đó, số ca nhiễm COVID-19 mới tại Hàn Quốc đã liên tục duy trì ở ngưỡng 4 con số trong hơn 100 ngày qua, khiến tiêu dùng nội địa khó cải thiện. Ông Cho Yong-chan lý giải.


Hiện nay, xuất khẩu là chỉ số tích cực duy nhất trong các chỉ số kinh tế vĩ mô. Song chưa chắc là Seoul có thể duy trì đà xuất khẩu mạnh mẽ đến khi nào, trước tình hình Trung Quốc và Ấn Độ đang chứng kiến cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ chưa từng có, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Do giá nguyên vật liệu tăng cao, thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc đã thu hẹp ba tháng liên tiếp, khiến đồng won mất giá. Theo một số chuyên gia, đồng won có thể giảm giá và duy trì ở mức hơn 1.200 won đổi 1 USD. Để ổn định thị trường và bình ổn giá, BOK cần tăng lãi suất cơ bản trong năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ hộ gia đình lên tới 1.800.000 tỷ won (1.500 tỷ USD), kinh tế Hàn Quốc có thể mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn, khi mà lãi suất tăng sẽ làm tăng gánh nặng trả nợ, khiến đầu tư tư nhân và thu nhập cá nhân giảm, kéo theo tiêu dùng giảm.


Cần chuẩn bị cho những tin tức tiêu cực trong nước và quốc tế 


Theo báo cáo tháng về xu hướng kinh tế của Viện phát triển Hàn Quốc (KDI) công bố ngày 7/10 vừa qua, kinh tế Hàn Quốc đang chứng kiến rủi ro đồng won giảm giá. Cho đến tháng trước, KDI vẫn giữ quan điểm kinh tế Hàn Quốc đang trên đà phục hồi, dù ở mức khiêm tốn. Nhưng cơ quan này đã lần đầu tiên thay đổi quan điểm sau 6 tháng. Một số ý kiến khác lại cho rằng những lo ngại đang bị phóng đại, viện dẫn lý do là các nền tảng cơ bản của kinh tế Hàn Quốc đã trở nên mạnh mẽ hơn trước như dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đạt 463,97 tỷ USD vào tháng 9, mức cao kỷ lục trong ba tháng liên tiếp kể từ tháng 7. Tuy nhiên, vấn đề là các nhà đầu tư đã và đang dự trữ ngoại tệ thay vì tung ra thị trường, với tỷ lệ tiết kiệm USD của doanh nghiệp lên tới 63,1 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với tháng trước. Trong khi đó, tầm quan trọng của các đối sách ứng phó với bất ổn bên ngoài lại chưa được nhấn mạnh đúng mức. Ông Cho Yong-chan nhận định.


Giá nguyên liệu, dầu thô tăng khiến giá nông, thủy sản bấp bênh. Năm tới, kinh tế Hàn Quốc dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande, xuất khẩu chậm chạp, rắc rối tài chính của các doanh nghiệp nhỏ lẻ khi lãi suất và lạm phát tăng. Việc chuẩn bị cho một “cơn bão hoàn hảo” là cực kỳ cần thiết, bởi các yếu tố bất lợi có thể diễn ra đồng thời. Nền kinh tế Hàn Quốc đang trong quá trình chuyển dịch sang cơ cấu mới do đại dịch, và sự mất cân bằng cung-cầu diễn ra ở nhiều ngành. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu chuẩn bị kỹ lưỡng, Hàn Quốc có thể phát triển các ngành công nghiệp mới và tạo thêm nhiều việc làm.

Lựa chọn của ban biên tập