Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Ý nghĩa của việc Hàn Quốc phóng tên lửa tự phát triển Nuri

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-10-25

ⓒ YONHAP News

Phóng tên lửa “cây nhà lá vườn” Nuri


Ngày 21/10, Hàn Quốc đã phóng tên lửa đẩy vũ trụ Nuri tự phát triển bằng công nghệ nội địa tại Trung tâm vũ trụ Naro ở huyện Goheung, tỉnh Nam Jeolla. Tên lửa đã bay và tách ba tầng thành công, đạt đến độ cao 700 km trong vòng 16 phút, nhưng thất bại trong việc đưa vệ tinh mô phỏng ổn định lên quỹ đạo mục tiêu. Trên thực tế, với các cường quốc về công nghệ vũ trụ, tỷ lệ phóng thành công tên lửa mới phát triển trong đợt phóng đầu tiên là chưa đến 30%; và hiện chỉ có 6 nước gồm Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản có thể tự phát triển được tên lửa đẩy có khả năng đưa vệ tinh địa tĩnh vào quỹ đạo. Do đó, nói một cách công bằng, vụ phóng đầu tiên của Nuri được coi là đã thành công được 90%, mở ra cơ hội phát triển không gian độc lập của Hàn Quốc. 


Năm 2013, Hàn Quốc đã lần đầu tiên phóng thành công tên lửa đẩy hai tầng Naro, trong đó tầng một sử dụng công nghệ của Nga. Nhưng tên lửa Naro chỉ có thể chở vệ tinh nặng 100 kg, bay cao 300 km so với mặt đất. Trong khi đó, toàn bộ công nghệ của tên lửa Nuri lần này đều được phát triển bởi Hàn Quốc, bao gồm ba tầng tên lửa và bệ phóng. Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu Kim Dae-ho phân tích bối cảnh và ý nghĩa kinh tế của vụ phóng tên lửa Nuri. 


Vụ phóng đầu tiên của một tên lửa hoàn toàn tự phát triển


Các nước đi trước về công nghệ vũ trụ tuyệt đối không chuyển giao công nghệ, hay bán các linh kiện và vật liệu liên quan, do không muốn các đối thủ bắt kịp về công nghệ. Ngoài ra, tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân thay vì vệ tinh, trở thanh tên lửa đạn đạo liên lục địa; nên vì lý do an ninh mà các nước đi trước tỏ ra ngần ngại trong việc giúp đỡ các nước đi sau về công nghệ tên lửa đẩy. Do đó, việc một quốc gia tự phát triển công nghệ tên lửa là cực kỳ khó khăn. Hơn nữa, một vấn đề khác là đảm bảo tên lửa đi đúng quỹ đạo, không đi vào biên giới của nước khác khi phóng. Bất chấp những khó khăn đó, tên lửa “cây nhà lá vườn” Nuri đã cất cánh thành công dù chưa trọn vẹn. Xét về khoảng đầu tư rất khiêm tốn là 1,8 tỷ USD thì có thể nói kết quả này là rất khả quan. 


Đầu tư gần 2.000 tỷ won với 300 doanh nghiệp tham gia 


Khoảng 300 doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham gia vào dự án phát triển tên lửa Nuri. Công ty vũ trụ Hanwha Aerospace đã sản xuất động cơ; Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) và Công ty công nghiệp nặng Doowon phát triển vỏ và thùng chứa thuốc phóng tên lửa; bệ phóng được sản xuất bởi Công ty công nghiệp nặng Hyundai, và Công ty Hyundai Rotem đã tiến hành thử nghiệm đốt cháy nhiên liệu. Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất vật liệu, phụ tùng và thiết bị vừa và nhỏ cũng tham gia vào dự án. Các công ty tư nhân đã dẫn đầu ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc, và nâng cao được năng lực phát triển công nghệ vũ trụ thông qua dự án lần này. Kỳ vọng đang dâng cao, mở ra một kỷ nguyên mới trong chương trình khám phá không gian của Seoul. Ông Kim Dae-ho cho biết 


Nếu động cơ tên lửa có thể cải biến cho máy bay dân dụng, ngành hàng không Hàn Quốc có thể phát triển đáng kể. Công nghệ sản xuất vải chống thấm Gore-Tex, máy lọc nước và lò vi sóng cũng như kỹ thuật ảnh cộng hưởng từ (MRI) đều được phát triển trong quá trình nghiên cứu vũ trụ. Hệ thống định vị trên ô tô hay phương tiện tự hành cũng cần công nghệ vũ trụ. Trong lĩnh vực viễn thông, có thể không cần lắp đặt các hệ thống dây dẫn mới nếu sở hữu công nghệ vũ trụ. Nói tóm lại, hoạt động khám phá không gian có tiềm năng vô hạn. Chiến thắng trong cuộc đua về công nghệ vũ trụ có thể đảm bảo thành công về khoa học kỹ thuật và kinh tế. Vụ phóng tên lửa Nuri vừa qua thực sự là một cột mốc quan trọng trong công nghệ vũ trụ của Seoul, được kỳ vọng sẽ khơi dậy sự đổi mới công nghiệp và khoa học quốc gia. 


Dự án Nuri, từ vệ tinh thế hệ tiếp theo tới khám phá Mặt trăng


Nếu các vụ phóng tiếp theo thành công trọn vẹn sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa to lớn. Trong 10 năm tới, Hàn Quốc có thể phóng khoảng 100 vệ tinh gồm cả vệ tinh liên quan đến Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) riêng mà không cần phụ thuộc vào các quốc gia khác. Ngành viễn thông nội địa có thể tăng khả năng cạnh tranh, trong quá trình chuẩn bị cho mạng viễn thông thế hệ thứ 6 (6G). Dự kiến, vụ phóng thử tên lửa Nuri tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 5 năm sau, và Hàn Quốc có kế hoạch thực hiện thêm 4 lần phóng khác cho đến năm 2027. Tên lửa Nuri đóng vai trò quan trọng trong chương trình khám phá không gian của Hàn Quốc, đưa các vệ tinh thế hệ tiếp theo vào không gian, và cuối cùng là khám phá Mặt trăng. Giám đốc Kim Dae-ho lý giải.


Kế hoạch của Hàn Quốc trong giai đoạn đầu là tên lửa Nuri sẽ mang và đưa vệ tinh vào đúng quỹ đạo. Trong giai đoạn thứ hai, Seoul đặt mục tiêu phóng nhiều vệ tinh trên cùng một tên lửa đẩy. Hiện tại, mỗi tên lửa đẩy chỉ có thể mang một vệ tinh duy nhất. Giai đoạn ba liên quan đến dự án khám phá Mặt trăng và sao Hỏa mà Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ hiện đang tiến hành. Giai đoạn thứ tư là tàu vũ trụ có thể đưa hành khách ra ngoài không gian, xây dựng căn cứ. Hàn Quốc đã phóng thành công tên lửa Nuri lên độ cao 700 km so với mặt đất, một bước tiến đáng kể, rút ngắn khoảng cách công nghệ với các nước đi trước.    


Sự ra mắt công nghệ Nuri, bước tiến lớn về công nghệ không gian 


Mặc dù vậy, Hàn Quốc vẫn còn nhiều thách thức phía trước, khi công nghệ hàng không vũ trụ của Seoul hiện nay chỉ bằng 60-80% so với các cường quốc vũ trụ như Mỹ. Ngân sách cho các chương trình khám phá vũ trụ của Hàn Quốc chỉ có 700 triệu USD, rất khiêm tốn so với con số 48 tỷ USD của Mỹ, 35,8 tỷ USD của Nga, 8,8 tỷ USD của Trung Quốc và 3,3 tỷ USD của Nhật Bản. Vẫn còn một chặng đường dài trước mắt để Seoul có thể trở thành cường quốc về công nghệ hàng không vũ trụ. Ông Kim Dae-ho nhận định.  


Thời điểm nhà thám hiểm Christoper Columbus tìm ra châu Mỹ cách đây 500 năm, những kẻ làm chủ vùng biển thống trị thế giới. Nhưng giờ đây, quốc gia đi đầu ngành công nghiệp vũ trụ sẽ dẫn đầu thế giới. Mặc dù là một cường quốc công nghệ với smartphone “made in Korea” đang đứng đầu thị trường thế giới, song Seoul tụt lại phía sau khá nhiều về khoa học cơ bản và công nghệ vũ trụ. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc cần tăng cường hệ thống giáo dục và luật pháp liên quan đến công nghệ vũ trụ; đặc biệt là đầu tư mạnh mẽ, phối hợp với khối tư nhân tạo ra hiệu ứng cộng hưởng cho mục đích thương mại. Vì mục tiêu đó, Seoul cần hỗ trợ cho ngành công nghiệp vũ trụ, nâng cao nhận thức cộng đồng.


Trong tiếng Hàn, Nuri có nghĩa là “thế giới”, chứa đựng hy vọng vươn ra ngoài không gian, khám phá một thế giới mới. Vụ phóng tên lửa Nuri đã mở ra kỷ nguyên phát triển không gian, khiến người dân quan tâm nhiều hơn đến ngành công nghiệp liên quan. Nếu tiếp tục phát triển công nghệ, cùng với sự “đồng tâm hiệp lực” của người dân, Hàn Quốc có thể thực hiện được giấc mơ khám phá Mặt trăng vào năm 2030.

Lựa chọn của ban biên tập