Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung urê tại Hàn Quốc và biện pháp khắc phục

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-11-15

ⓒ YONHAP News

Lo ngại gián đoạn hậu cầu và các ngành do thiếu nguồn urê


Tình trạng khan hiếm dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel (dung dịch urê) đang làm chao đảo Hàn Quốc thời gian gần đây. Trong khoảng 10 triệu chiếc xe chạy bằng dầu diesel tại Hàn Quốc, 4 triệu chiếc gồm 2 triệu chiếc là xe tải sử dụng dung dịch urê. Do đó, thiếu nguồn cung dung dịch urê có thể khiến nhiều phương tiện phải ngừng hoạt động như vận tải, xe buýt, xe cứu hỏa, xe cứu thương, làm giao thông tê liệt. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt urê còn ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp khác như khí đốt, phân bón, thép và ô tô. Lo ngại càng gia tăng khi Hàn Quốc có thể gặp phải một cuộc khủng hoảng thiếu điện trong mùa đông nếu hoạt động của các nhà máy nhiệt điện bị đình trệ. 

Trên thực tế, urê vốn là một nguồn nguyên liệu dồi dào, dễ kiếm, nhưng lại có tầm quan trọng rất lớn trong các ngành công nghiệp và xã hội. Dung dịch urê là chất xúc tác để giảm các khí thải độc hại do phương tiện chạy bằng dầu diesel thải ra. Urê được trộn với nước theo tỷ lệ gần 1:2, tạo ra dung dịch giúp phân hủy các chất ô nhiễm như ô-xít ni-tơ chảy ra từ xe chạy bằng động cơ diesel thành ni-tơ và không khí. Nếu thiếu dung dịch urê, động cơ diesel sẽ không thể hoạt động, và ô tô chạy diesel không hoạt động bình thường được. Tóm lại, dung dịch urê đóng vai trò cực kỳ quan trọng với xe chạy động cơ diesel. Vấn đề nảy sinh khi 97% nguồn urê nhập vào Hàn Quốc đều từ Trung Quốc nhưng đã bị gián đoạn kể từ ngày 15/10. Bắc Kinh sản xuất urê thông qua quá trình chiết xuất ammoniac từ than đá; và nước này đã siết chặt hoạt động xuất khẩu urê do thiếu hụt than đá sau khi ngừng nhập khẩu loại chất đốt này từ Australia. Sau đây, ông Kim Gwang-seok, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế và công nghiệp Hàn Quốc phân tích tình trạng thiếu urê tại Hàn Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vài năm gần đây. 


Thiếu sự chuẩn bị cho các tình huống không mong muốn


Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài nhiều năm; và kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, Bắc Kinh đã có các động thái trả đũa kinh tế nhắm vào các đồng minh của Mỹ. Chẳng hạn, Trung Quốc đã áp đặt thuế nhập khẩu rượu vang 200% và chấm dứt nhập khẩu than đá từ Australia. Các hạn chế xuất khẩu urê của Bắc Kinh được coi là một động thái trong cuộc chạy đua với Washington để giành ngôi vị bá chủ thế giới. Xu hướng này đã được dự đoán trước đó nhiều năm, nhiều chuyên gia đã liên tục cảnh báo về các biện pháp trả đũa kinh tế của Trung Quốc. Song, Hàn Quốc thiếu sự chuẩn bị, và chỉ ứng phó khi “việc đã rồi”. Kết quả, tình hình đã đến mức Thủ tướng Kim Boo-kyum phải đứng ra xin lỗi về phản ứng muộn màng của Seoul.


30% mặt hàng nhập khẩu phụ thuộc 80% vào một nước nhất định


May mắn là Hàn Quốc đã sớm giải quyết được vấn đề thông quan khoảng 19.000 tấn urê bị mắc kẹt tại Trung Quốc, phần nào hạ nhiệt tình trạng thiếu dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel hiện nay. Cùng với lượng urê tự sản xuất, lượng urê này đủ để sản xuất 57.000 tấn dung dịch urê, đảm bảo nguồn cung cho các phương tiện giao thông trong vài tháng tới. Tuy nhiên, với việc Bắc Kinh chưa dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu urê, và Seoul chưa đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, nạn khan hiếm urê có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không những vậy, sự việc lần này cho thấy Hàn Quốc còn khá yếu kém trước những rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng. Ông Kim Gwang-seok cho biết thêm.


Trong khoảng 3.900 mặt hàng nhập khẩu của Hàn Quốc, hơn 80% mặt hàng phụ thuộc vào một quốc gia cụ thể; và 1.850 mặt hàng nhập từ Trung Quốc bao gồm lithium hydroxide, chất cần thiết để sản xuất pin xe điện. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu nào cũng gây bất lợi cho các ngành công nghiệp Hàn Quốc, động lực tăng trưởng tương lai của Seoul. Điều quan trọng là Chính phủ cần đưa ra các biện pháp ổn định nguồn cung.


Thiếu hụt urê, một vũ khí trong thương chiến Mỹ-Trung 


Theo số liệu phân tích của Hiệp hội thương mại Hàn Quốc công bố vào ngày 9/11, 31,3% các mặt hàng nhập khẩu của Hàn Quốc phụ thuộc hơn 80% vào quốc gia cụ thể. Chẳng hạn, Seoul nhập khẩu gần như toàn bộ magie, một nguyên liệu quan trọng để sản xuất khung xe và linh kiện máy bay, từ Trung Quốc; và 85% magie trên thị trường toàn cầu là do Bắc Kinh cung ứng nên rất khó tìm nguồn cung thay thế. Nguồn cung magie không đảm bảo có thể làm gián đoạn sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc như ô tô, smartphone và pin. Tình trạng thiếu hụt magie đã ập đến châu Âu khiến các nhà sản xuất ô tô của Đức gặp khó khăn. Khi xung đột với Mỹ gia tăng, Trung Quốc đang có dấu hiệu lấy các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng làm vũ khí. Giám đốc Kim Gwang-seok nói.


Trung Quốc đang cắt giảm xuất khẩu các tài nguyên. Truyền thông nước này nhấn mạnh rằng thế giới cần công nhận vị thế của Bắc Kinh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Quan điểm diều hâu này đang làm gia tăng bất ổn, cho thấy Trung Quốc nung nấu ý định sử dụng các nguồn tài nguyên như là vũ khí thương mại hay ngoại giao. Trước động thái của Trung Quốc, Mỹ đang thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng thay thế. Tính đến năm ngoái, xung đột giữa hai nước chủ yếu trên lĩnh vực công nghệ cao; nhưng có thể mở rộng sang lĩnh vực nguyên liệu thô và tài nguyên trong tương lai


Đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, ứng phó gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu 


Vấn đề khan hiếm nguồn cung urê cho thấy kinh tế liên quan mật thiết đến an ninh và ngoại giao. Trên thực tế, Seoul đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi xung đột với quốc gia khác như động thái trả đũa kinh tế của Bắc Kinh nhắm vào Seoul khi Mỹ triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) tại Hàn Quốc năm 2016, hay các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với Hàn Quốc năm 2019. Trên thực tế, đằng sau vấn đề về urê là xung đột ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia, một vấn đề tưởng như không ảnh hưởng đến Seoul, nhưng đã thổi một “hiệu ứng cánh bướm” to lớn đến kinh tế Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia kêu gọi Seoul cần nhận thức rõ ràng rằng dù không trực tiếp tham gia vào thương chiến, nước thứ ba cũng có thể bị ảnh hưởng do gián đoạn chuỗi cung ứng. Ông Kim Gwang-seok nhận định.


Tôi cho rằng cần thực hiện song song các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt, Seoul cần quan tâm đến các vấn đề cấp bách, sử dụng biện pháp ngoại giao để giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung urê, tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng nội địa. Về lâu dài, cần đa dạng hóa con đường nhập khẩu tài nguyên và nội địa hóa sản xuất nguyên liệu. Phải như vậy, Hàn Quốc mới có thể đảm bảo được vị thế ngay cả khi bị một quốc gia cụ thể đe dọa ngừng cung cấp nguyên liệu thô hay linh kiện. 


Hàn Quốc đã thấm nhuần bài học sâu sắc rằng thiếu hụt một linh kiện nhỏ, tưởng như không quan trọng, có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng công nghiệp. Đặc biệt, sự phụ thuộc quá lớn vào một quốc gia cụ thể là con dao hai lưỡi, có thể gây nguy hiểm bất kỳ lúc nào. Hai năm trước, các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với Hàn Quốc là cú sốc đối với các doanh nghiệp nội địa; song Seoul đã biến khủng hoảng thành cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh. Tương tự, Chính phủ cần hoạch định chiến lược tỉ mỉ, biến cuộc khủng hoảng thiếu hụt urê hiện nay thành cơ hội của quốc gia.

Lựa chọn của ban biên tập