Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Nghịch lý của chính sách trung hòa carbon

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-11-22

ⓒ YONHAP News

Hiệp ước khí hậu Glasgow, cắt giảm sử dụng than đá


Cụm từ “trung hòa carbon” đang nổi lên như một chủ đề nóng liên quan đến trật tự kinh tế toàn cầu, song con đường thực hiện dự kiến sẽ không mấy suôn sẻ. Việc các nước trên thế giới giảm phát điện từ than đá, phục hồi kinh tế theo chiến lược trang trải cuộc sống cùng đại dịch COVID-19, cùng xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Australia đang làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Khi nhu cầu sử dụng năng lượng tăng mạnh trong mùa đông, giá nguyên liệu như than, dầu và khí đốt tự nhiên leo thang, gây áp lực lạm phát. 


Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra từ 31/10 đến ngày 13/11 ở Glasgow, Anh, cộng đồng quốc tế đã nhất trí thông qua “Hiệp ước khí hậu Glasgow” về cắt giảm sử dụng than đá. Do xung đột lợi ích, cuộc thảo luận phải kéo dài thêm một ngày so với lịch trình ban đầu. Để thực hiện mục tiêu kìm hãm sự nóng lên của Trái đất trong khoảng 1,5 độ C, các nước tham gia đã đồng ý kiểm tra mức phát thải khí nhà kính để tiếp tục cắt giảm khí thải trong năm tới. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên than đá và các chế phẩm dầu mỏ được đề cập đến trong thỏa thuận của Hội nghị COP26. Tuy nhiên, trước sự phản đối của các nước phát thải nhiều khí CO2 như Ấn Độ, cụm từ “cắt giảm dần điện than” đã được thay thế cụm từ “loại bỏ điện than” như trong dự thảo ban đầu. Mặc dù Hội nghị đã kết thúc mà chưa đạt được một thỏa thuận hoàn hảo do quan điểm trái chiều từ các bên, song kết quả từ Hội nghị lần này chắc chắn sẽ tác động lớn đến các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon của Hàn Quốc. Sau đây, ông Lee In-chul, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun đưa ra nhận định về lộ trình lâu dài và khó khăn để đạt trung hòa carbon có thể ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Hàn Quốc. 


Hiệp ước khí hậu Glasgow ảnh hưởng đến kinh tế như thế nào?


Hiệp ước khí hậu Glasgow kêu gọi các nước tham gia giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tại Hàn Quốc, thỏa thuận này dự kiến sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến ngành thép, hiện đang phát thải lượng CO2 nhiều nhất với 117 triệu tấn mỗi năm, chiếm 30% tổng lượng khí phát thải của toàn ngành công nghiệp. Ngành thép đang phát triển công nghệ mới thay thế than đá bằng nhiên liệu hydro, song phải đến năm 2050 mới có thể áp dụng vào công đoạn sản xuất. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon khác như hóa dầu và xi măng cũng đang phát triển các công nghệ cắt giảm phát thải carbon, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để thương mại hóa. Do đó, nhiều ý kiến lo ngại Hiệp ước khí hậu Glasgow có thể tạo gánh nặng lớn cho ngành công nghiệp nặng của Hàn Quốc vốn phụ thuộc vào than đá nói riêng và nền kinh tế nói chung.    


Nghịch lý carbon hóa “giảm phát xanh”


Trên thực tế, vấn đề trung hòa carbon đã được Chính phủ Hàn Quốc quan tâm từ trước. Cuối năm ngoái, Tổng thống Moon Jae-in đã tuyên bố với cộng đồng quốc tế về cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon cho tới năm 2050. Nửa năm sau, Hàn Quốc đã lập “Ủy ban trung hòa carbon 2050” trực tiếp dưới quyền Tổng thống; và ba tháng sau khi thành lập ủy ban này, Seoul đã công bố kịch bản trung hòa carbon đến năm 2050. Phát biểu tại Hội nghị COP26 vừa qua, Tổng thống Moon Jae-in cho biết Hàn Quốc đặt mục tiêu cắt giảm 40% lượng khí thải nhà kính cho đến năm 2030 so với năm 2018, và loại bỏ toàn bộ sản xuất điện than vào năm 2050. Trên bình diện quốc tế, thảm họa cháy rừng dữ dội của Australia và lũ lụt nghiêm trọng ở châu Âu đã thức tỉnh người dân toàn cầu về nguy cơ của việc Trái đái đất nóng lên. Song, bầu không khí gần đây đã trầm xuống khi các nước phát thải carbon lớn như Mỹ và Trung Quốc đã không cam kết loại bỏ than đá tại các cuộc đàm phán khí hậu. Rõ ràng, tâm lý này là do chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc. Ông Lee In-chul cho biết thêm.


Sử dụng nhiều năng lượng tái tạo, chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch, và chuyển đổi động cơ đốt trong sang pin nhiên liệu không còn là chủ đề tranh cãi mà đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng cần được thực hiện. Tuy nhiên, làm được điều này trên thực tế lại không hề đơn giản. Nhiều nước đã rơi vào tình trạng thiếu nhiên liệu và năng lượng. Ngay cả các nước tiên tiến ủng hộ trung hòa carbon hiện cũng đang sản xuất nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn như một giải pháp tình thế. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất còn tồi tệ hơn ở các nền kinh tế mới nổi. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng xanh tăng, giá nguyên liệu thô tăng cao đã tác động đến nhiều ngành công nghiệp và ảnh hưởng đến sản lượng điện. Giá nông sản và thủy sản cùng các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu đã tăng mạnh, gây ra lạm phát. 


Nghịch lý đối với chính sách trung hòa carbon


Do giá dầu tăng mạnh, giá nhập khẩu của Hàn Quốc trong tháng 10 đã tăng 35,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất trong vòng 13 năm. Giá nhập khẩu tăng 4,8% so với tháng trước, đà tăng 6 tháng liên tiếp. Giá dầu thô Dubai đã chạm mốc 81,61 USD/thùng vào tháng 10, tăng 100% so với một năm trước. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ước tính giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu sẽ ở mức cao, ít nhất là cho đến nửa đầu năm sau. Các quốc gia ở châu Âu và châu Á đang cạnh tranh để đảm bảo khí đốt tự nhiên cho mùa đông tới, đẩy giá cả tăng cao. Giá nguyên liệu đầu vào leo thang khiến ngành công nghiệp hóa dầu Hàn Quốc rơi vào lo lắng. Ngành hóa dầu đã đạt kết quả kinh doanh cao kỷ lục trong quý II, nhưng đang cho thấy doanh số giảm mạnh trong nửa cuối năm. 4 công ty hóa chất lớn ở Hàn Quốc gồm LG, Lotte, Kumho và Hanwha đã đạt lợi nhuận hoạt động kinh doanh trong quý III tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 51% so với quý trước. Giá khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) quốc tế đã tăng hơn 60% so với 5 tháng trước, khiến ngành công nghiệp khí đốt chịu ảnh hượng nặng nề trong nửa cuối năm nay. Trước các vấn đề nảy sinh tại nhiều nước gồm cả Hàn Quốc, nhiều ý kiến phản đối chính sách thân thiện với môi trường và trung hòa carbon. Giám đốc Lee In-chul lý giải.


Đối mặt với nhiều vấn đề như lạm phát, nhiều ý kiến không tán thành các chính sách này và mô hình quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp, còn gọi là ESG. Ngay tại Mỹ, sản xuất điện từ than đá đã tăng 22% so với năm 2020, đánh dấu mức tăng sản lượng điện than đầu tiên kể từ năm 2014. Vốn chú trọng đến trung hòa carbon, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bị chỉ trích vì đi ngược lại chính sách thân thiện với môi trường của mình. Trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao làm tăng biến động kinh tế, ảnh hưởng tới các hoạt động kinh doanh và hộ gia đình, có nhiều lo ngại rằng các chính sách xanh có thể chỉ dừng lại là một khẩu hiệu mà thôi. 


Trung hòa carbon - con đường không bằng phẳng

 

“Khoảnh khắc Minsky” (Minsky Moment) là đề cập đến sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng tài chính sau sự sụp đổ đột ngột với quy mô lớn của giá trị tài sản và hệ thống tài chính. Các chính sách liên quan đến trung hòa carbon được cho là sẽ kích hoạt “khoảnh khắc Minsky”, được xem là một quả bom hẹn giờ khác của nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến khủng hoảng năng lượng, giá nguyên liệu thô tăng đột biến và lạm phát xanh (greenflation). Do đó, cần phải nhanh chóng đưa ra các đối sách thích hợp.  Ông Lee In-chul nhận định.  


Lo lắng về khủng hoảng năng lượng và lạm phát xanh cho thấy sử dụng carbon đã ăn sâu vào cuộc sống như thế nào. Tất cả chúng ta đều đồng tình rằng về lâu dài cần thực hiện các chính sách thân thiện với môi trường. Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực bằng cách nỗ lực nghiên cứu và phát triển chuyên sâu, cải tiến công nghệ. Hàn Quốc cũng cần cải cách cơ cấu công nghiệp, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào ngành công nghiệp nặng, đặc biệt là ngành hóa dầu. Người dân toàn cầu đang đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan” giữa khí hậu và năng lượng. Việc ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhằm ngăn chặn biến đổi là cần thiết, song rất khó để tìm nguồn năng lượng thay thế ngay lập tức. Nhưng suy cho cùng, Hàn Quốc vẫn phải đi trên con đường trung hòa carbon. Do đó, điều cần làm là bù đắp các thiếu sót bộc lộ trong thời gian qua, thúc đẩy phát triển công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. 

Lựa chọn của ban biên tập