Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Samsung quyết định xây dựng nhà máy chíp bán dẫn mới tại Texas

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-11-29

ⓒ Samsung

Chọn thành phố Taylor là điểm mở nhà máy đóng gói chíp mới


Công ty điện tử Samsung đã quyết định đầu tư 17 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất ủy thác và đóng gói chíp bán dẫn (Foundry) mới tại thành phố Taylor, bang Texas, Mỹ. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ diễn ra vào tháng 5 vừa qua, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc từng công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chíp bán dẫn thứ hai tại Mỹ. Sau khi cân nhắc nhiều địa điểm như bang Arizona, New York, cuối cùng Samsung đã quyết định chọn thành phố Taylor, nơi có dân số 17.000 người. Như vậy, Samsung sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng chíp bán dẫn do Mỹ dẫn đầu, đặt nền móng cho việc khám phá thị trường Mỹ với các khách hàng lớn như Google, Tesla, Qualcomm và Nvidia. Sau đây, ông Kim Dae-ho, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu, phân tích mục tiêu trở thành tập đoàn số một thế giới của Samsung, không chỉ về chíp nhớ mà còn về chíp bán dẫn hệ thống (không có đặc tính nhớ). 


Nhà máy mới của Samsung tại Taylor sẽ sản xuất chíp bán dẫn hệ thống tiên tiến cho mạng di động thế hệ thứ 5 (5G), máy tính hiệu suất cao, trí tuệ nhân tạo (AI) và vũ trụ ảo (metaverse). Tiếp nối thung lũng Sillicon, Texas đã trở thành điểm đến của nhiều công ty Mỹ, như gã khổng lồ ô tô điện Tesla đã chuyển trụ sở từ bang California sang Texas. Quyết định của Samsung được cho là ảnh hưởng bởi chính sách miễn giảm thuế lên tới 292 triệu USD của bang Texas. Ngoài ra, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc cũng cân nhắc đến việc tận dụng các hạ tầng cần thiết đảm bảo nguồn cung điện và nước ổn định, bởi địa điểm này chỉ cách nhà máy của hãng ở thành phố Austin 25 km; từ đó tạo ra hiệu quả cộng hưởng nhằm xây dựng một tổ hợp sản xuất chíp bán dẫn khổng lồ. 


Cạnh tranh với nhà chế tạo chíp bán dẫn số một thế giới TSMC


Xưởng đóng gói chíp mới tại Taylor được xây dựng trên khu đất 5 triệu m2, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2024. Mặc dù thống trị thị trường chíp nhớ toàn cầu, song mảng kinh doanh đóng gói chíp của Samsung chỉ chiếm 17,3% thị phần, đứng thứ hai sau TSMC (Đài Loan) chiếm tới 52,9% thị phần. Do đó, khi nhà máy mới của Samsung đi vào hoạt động, thị trường toàn cầu chắc chắn sẽ có nhiều biến động. Khi đó, nhiều công ty toàn cầu sẽ lựa chọn Samsung thay vì TSMC, tạo động lực cho Samsung trở thành nhà sản xuất chíp bán dẫn hệ thống hàng đầu. 


Nhà Trắng hoan nghênh kế hoạch đầu tư của Samsung


Mặt khác, quyết định của Samsung còn giúp tăng cường quan hệ Hàn-Mỹ ở lĩnh vực bán dẫn. Washington đang nỗ lực đảm bảo chuỗi cung ứng nội địa về chíp bán dẫn, ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc trong mảng này. Chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây đã yêu cầu các nhà sản xuất chíp bán dẫn lớn gửi tài liệu nội bộ về chuỗi cung ứng chíp bán dẫn, hỗ trợ nhà sản xuất chíp bán dẫn Intel của Mỹ quay trở lại kinh doanh đóng gói chíp. Động thái của Washington cho thấy các doanh nghiệp bán dẫn có thể gặp nhiều khó khăn nếu từ chối đưa dây chuyền sản xuất tới Mỹ. Theo một báo cáo, SK Hynix đã phải tạm dừng kế hoạch đưa linh kiện tới nhà máy của hãng tại Trung Quốc trước sức ép từ Mỹ. Tương tự, hãng TSMC và Intel đã quyết định xây dựng nhà máy tại Mỹ. Trong bối cảnh đó, Washington đã đánh giá cao kế hoạch đầu tư táo bạo của Samsung. Ông Kim Dae-ho cho biết thêm.


Sau khi Samsung công bố quyết định xây nhà nhà máy ở Taylor, Nhà Trắng đã đưa ra một loạt tuyên bố hoan nghênh kế hoạch này, một điều khá hiếm thấy. Đó là bởi nhà máy mới của Samsung sẽ tạo ra nhiều việc làm tại Mỹ. Hơn nữa, chíp bán dẫn còn liên quan đến an ninh quốc gia, là linh kiện quan trọng đối với nhiều ngành công nghiệp như ô tô, tên lửa và hàng không vũ trụ. Mặc dù đứng đầu thế giới về thiết kế chíp, nhưng Mỹ lại đang chuyển mảng gia công chíp sang châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia. Tệ hơn nữa, tình trạng thiếu chíp bán dẫn đã liên tục diễn ra tại Mỹ. Trong bối cảnh này, quyết định xây dựng nhà máy mới của Samsung là cơ hội để Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng tồi tệ hiện nay. Không có gì quá ngạc nhiên về tâm trạng hân hoan của Washington.


Samsung, SK, LG, Hyundai tiếp tục đầu tư ra nước ngoài


Tuy nhiên, quyết định của Samsung cũng đặt ra vấn đề về việc làm đối với Hàn Quốc. Điện tử Samsung đã đầu tư 27 tỷ USD cho dây chuyền đóng gói chíp bán dẫn ở thành phố Pyeongtaek (tỉnh Gyeonggi), tạo ra thêm 30.000 việc làm. Do đó, nếu Samsung đầu tư 17 tỷ USD vào một dây chuyền tại Hàn Quốc, thì sẽ có thể tạo thêm khoảng 20.000 việc làm. Không chỉ Samsung, Chủ tịch tập đoàn SK Hynix Chey Tae-won cũng để ngỏ kế hoạch đầu tư 52 tỷ USD vào Mỹ, nhà sản xuất pin LG Energy Solution có kế hoạch đầu tư 14 tỷ USD vào Mỹ; và hãng ô tô Hyundai đang xem xét đầu tư 7,4 tỷ USD vào Mỹ để sản xuất xe điện và xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan. Đâu là nguyên nhân các doanh nghiệp Hàn Quốc đổ xô sang thị trường Mỹ? Ông Kim Dae-ho lý giải.


Việc các doanh nghiệp Hàn Quốc đang mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài là điều không thể tránh khỏi. Nhiều khách hàng lớn của Samsung có trụ sở tại Mỹ; còn gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc cũng cần mở nhà máy tại Mỹ để đảm bảo khách hàng và bắt kịp được hãng TSMC. Thêm vào đó, Washington cũng đưa ra nhiều ưu đãi về thuế để giải quyết khủng hoảng chuỗi cung ứng chíp bán dẫn. Và việc Seoul tham gia vào chuỗi cung ứng với Mỹ cũng cực kỳ quan trọng khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của nhiều công ty xe ô tô điện và pin Hàn Quốc. Nói cách khác, các doanh nghiệp này buộc phải cân nhắc đến mạng lưới bán hàng và các khách hàng tại Mỹ. Mặc dù vậy, tôi cho rằng Chính phủ cần giảm thuế cho các doanh nghiệp, và dư luận cần quan tâm nhiều hơn đến các nhà sản xuất trong nước.   


Cuộc tranh giành ngôi vị bá chủ thế giới của Mỹ và Trung Quốc


Seoul đã đưa ra chính sách đầu tư quy mô lớn nhằm thúc đẩy đầu tư nội địa như chiến lược “Vành đai chíp bán dẫn Hàn Quốc”, chiến lược phát triển ngành công nghiệp pin thứ cấp đến năm 2030 và chiến lược hồi sinh ngành đóng tàu. Các doanh nghiệp bán dẫn Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư 460 tỷ USD cho đến năm 2030, và phân bổ 36 tỷ USD cho năm nay. Chính phủ cũng cam kết hỗ trợ 35 tỷ USD cho các nhà sản xuất pin tư nhân cho đến năm 2030. Với ngành đóng tàu, Chính phủ đặt mục tiêu nâng thị phần tàu thân thiện với môi trường và tàu tự hành lần lượt lên 75% và 50% đến năm 2030. Seoul cũng khuyến khích các doanh nghiệp đang kinh doanh ở nước ngoài trở về Hàn Quốc và mở rộng các chính sách hỗ trợ. Do đó, Chính phủ Seoul cần thực hiện các chính sách một cách cân bằng, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp giữa các ngành công nghiệp nội địa và các công ty kinh doanh ở nước ngoài. Giám đốc Kim Dae-ho nhận định.  


Ngoài mở rộng kinh doanh tại Mỹ và châu Âu, doanh nghiệp Hàn Quốc cần đầu tư tại thị trường nội địa, chẳng hạn, sản xuất linh kiện, vật liệu trong nước, đồng thời mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế. Xét về khía cạnh này, việc xây dựng các nhà máy tại Mỹ sẽ không làm suy yếu ngành công nghiệp nội địa. Hơn nữa, Hàn Quốc đang tạo ra mô hình kinh doanh riêng để khám phá thị trường châu Á và châu Âu, tăng cường đầu tư vào nhân lực. Có thể nói, nếu các ngành công nghiệp của Hàn Quốc không đảm bảo vị thế trên sân nhà, thì rất khó bám trụ tại thị trường quốc tế. Tôi cho rằng các doanh nghiệp cần quan tâm, đầu tư lớn hơn cho các ngành công nghiệp như chíp bán dẫn, pin và đóng tàu nội địa.  


Giữa đại dịch COVID-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến thế giới chao đảo, và cuộc cạnh tranh để giành ngôi vị bá chủ thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng khốc liệt hơn. Về phía Hàn Quốc, đổi mới không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành vấn đề sống còn. Doanh nghiệp Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục đương đầu với những thách thức mới, chuyển mình theo xu thế đổi mới.

Lựa chọn của ban biên tập