Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Mỹ “tẩy chay ngoại giao” Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 và hệ lụy

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-12-13

ⓒ YONHAP News

Mỹ tẩy chay ngoại giao vì vấn đề thảm sát ở Tân Cương


Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 đã quy tụ nhiều nhà lãnh đạo cấp cao từ khắp nơi trên thế giới tới Hàn Quốc thời điểm đó như Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, hay bà Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, sẽ khó chứng kiến những gương mặt tương tự tại Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 diễn ra sau hai tháng nữa, khi mà Mỹ đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao sự kiện này. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho biết sẽ tôn trọng quyết định của Washington vì đó là một quyết định tuần túy về mặt chính trị, còn các đồng minh của Mỹ như Anh, Australia đang lần lượt theo bước Washington.


Mỹ đã viện dẫn các hành động bao lực, đàn áp con người của Trung Quốc ở khu tự trị Tân Cương và các hành vi vi phạm nhân quyền khác để giải thích cho lý do tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh. Theo đó, dù không cử phái đoàn ngoại giao đến Bắc Kinh, song đoàn vận động viên của Mỹ vẫn tới tham gia tranh tài và các công ty Mỹ vẫn có thể tài trợ sự kiện thể thao này. Có thể nói, đây là một động thái thỏa hiệp, tránh đụng độ trực tiếp với Trung Quốc. Rõ ràng, Bắc Kinh muốn dùng Thế vận hội để phô trương thành quả khắc phục đại dịch COVID-19, mở đường cho nhiệm kỳ thứ ba của Chủ tịch Tập Cận Bình. Dưới quan điểm của Trung Quốc, Mỹ đã dội một gáo nước lạnh vào sự kiện thể thao quan trọng, giáng một đòn nặng vào nước này và khiến Bắc Kinh mất mặt. Thế nên, phía Trung Quốc cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả cứng rắn. Trước hết, ông Cho Yong-chan, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Mỹ-Trung, sẽ phân tích về phản ứng dự kiến của Trung Quốc và những chính sách gây áp lực của Mỹ những năm gần đây.


Động thái đáp trả của hai cường quốc Mỹ-Trung những năm gần đây


Với các doanh nghiệp từ các nước tẩy chay ngoại giao Olympic mùa đông Bắc Kinh, Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp trả đũa như điều tra thuế, chậm trễ cấp visa, thông quan hoặc từ chối cấp phép hoạt động kinh doanh. Bắc Kinh có thể hoãn nhập khẩu khí đốt thiên nhiên và các sản phẩm thủy sản từ Mỹ hay dừng hợp đồng mua máy bay lớn với hãng Boeing (Mỹ). Về phần mình, Washington cũng tỏ ra không khoan nhượng như tuyên bố tẩy chay ngoại giao lớn mang tên “Chiến lược từ chối”, kêu gọi giáng đòn mạnh mẽ vào Trung Quốc theo ba hướng. Đầu tiên, Mỹ răn đe Bắc Kinh phát động động thái quân sự nhắm vào Đài Loan, vùng biển Đông Việt Nam (tức biển Hoa Nam) và bán đảo Hàn Quốc. Thứ hai, Washington và các đồng minh thành lập các liên minh quân sự như QUAD, AUKUS và Five Eyes, để kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh. Thứ ba, Mỹ “xa lánh” Trung Quốc trên bình diện quốc tế, làm suy yếu quyền lực tuyệt đối của Chủ tịch Tập Cận Bình, chia rẽ mối quan hệ của ông với người dân; và động thái tẩy chay ngoại giao lần này là một ví dụ. Ngoài ra, việc các nước phương Tây đưa ra chiến lược “cổng toàn cầu” và T12 gồm 12 nền kinh tế dân chủ công nghệ hàng đầu để cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai và con đường” của Bắc Kinh cũng là một ví dụ điển hình chống lại Trung Quốc.


Kế hoạch thành lập công ty đất hiếm Nhà nước của Trung Quốc


Trước động thái tẩy chay ngoại giao, Mỹ và Trung Quốc đã sa lầy vào xung đột trên nhiều phương diện, trong đó có việc Bắc Kinh thành lập công ty đất hiếm lớn nhất thế giới. Giám đốc Cho Yong-chan cho biết thêm.


Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng đối với các ngành công nghệ cao từ pin xe điện, màn hình smartphone, đến máy bay quân sự, hệ thống phòng thủ tên lửa. Trước thềm Olympic mùa đông Bắc Kinh, Trung Quốc đã thành lập “Tập đoàn đất hiếm Trung Quốc” nhằm kiểm soát trực tiếp hoạt động sản xuất và xuất khẩu đất hiếm. Động thái này cho thấy Bắc Kinh có thể biến các nguyên liệu kim loại quan trọng thành vũ khí để trả đũa các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu do Mỹ dẫn đầu. Đất hiếm và kim loại nặng được Hàn Quốc sử dụng để chế tạo tên lửa, radar, máy bay không người lái và các sản phẩm công nghệ thông tin. Nhưng vấn đề là Seoul đang phụ thuộc lớn vào đất hiếm từ Bắc Kinh. Do đó, việc Trung Quốc kiểm soát sản xuất, phân phối, lưu trữ và xuất khẩu hoàn toàn có thể khiến con đường nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc bị gặp trở ngại bất cứ lúc nào. 


“Hội nghị thượng đỉnh dân chủ”- kiệt tác của chính quyền Tổng thống Biden


Đất hiếm được coi là “vitamin của các ngành công nghệ cao”, không thể thiếu trong các sản phẩm công nghệ thông tin và ngành công nghiệp vũ khí. Vấn đề ở chỗ, các nguyên liệu quan trọng hầu hết được sản xuất ở Trung Quốc. Tính đến năm 2019, Bắc Kinh chiếm 37% về trữ lượng và 63% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu. Hàn Quốc cũng phụ thuộc 91,2% lượng đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc, do đó, Seoul có thể đối mặt với khủng hoảng cung ứng nếu Bắc Kinh dừng xuất khẩu hoặc đột ngột tăng giá đất hiếm. Hàn Quốc đã chứng kiến thảm họa thiếu hụt nguồn cung urê khi Bắc Kinh, vốn chiếm 97% lượng urê nhập khẩu của Seoul, đã thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu sản phẩm này. Trong bối cảnh này, Mỹ đã tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ” vào ngày 9-10/12 theo hình thức trực tuyến, quy tụ lãnh đạo từ 112 nước, mà không mời Trung Quốc. Ông Cho Yong-chan lý giải.


Tuần trước, Mỹ đã tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ”, với các nghị sự chính như chống chủ nghĩa chuyên chế, chống tham nhũng, tôn trọng và thúc đẩy quyền con người. Bắc Kinh tỏ ra khó chịu khi Washington mời Đài Loan mà không mời nước này. Sự kiện lần này tập hợp các quốc gia chia sẻ các giá trị dân chủ, cô lập các lực lượng độc tài như Trung Quốc và Nga về mặt ngoại giao. Xung đột Mỹ-Trung kéo dài, thế giới đang bị chia thành hai phe. Đặc biệt, Đông Bắc Á trở thành chiến trường cho một cuộc Chiến tranh lạnh giữa hai khối. Cũng không mấy ngạc nhiên khi cuộc chiến tranh giành ngôi vị bá chủ toàn cầu có thể nổ ra bất kỳ lúc nào.


Xung đột Mỹ-Trung trầm trọng, cú sốc lớn với kinh tế Hàn Quốc


Động thái tẩy chay ngoại giao của Mỹ được cho là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên do Hàn Quốc xúc tiến. Khi tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ba bên bao gồm Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Mỹ, hoặc bốn bên với sự tham gia của Trung Quốc, nhằm ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc. Với Hàn Quốc, Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh được coi là cơ hội tuyệt vời để tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ liên Triều, hay quan hệ Mỹ-Triều và tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Song, nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un khó có thể tham dự sự kiện này do Ủy ban Olympic quốc tế cấm Bắc Triều Tiên tham gia sự kiện với tư cách quốc gia; và Mỹ tẩy chay ngoại giao sự kiện này, khiến vai trò ngoại giao của Hàn Quốc tại Bắc Kinh càng đi xuống. Thậm chí, Seoul đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Xung đột Mỹ-Trung ngày càng tồi tệ chắc chắn ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc. Giám đốc Cho Yong-chan nhận định.  


Số ca nhiễm COVID-19 mới tại Hàn Quốc đã vượt qua 7.000 ca/ngày, nên khó trông đợi tiêu dùng nội địa cải thiện trong thời điểm này. Tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ và lao động tự do đang trong tình trạng cực kỳ khó khăn. Dường như Chính phủ sẽ không đặt mục tiêu khôi phục hoàn toàn nền kinh tế và tăng trưởng trong năm tới. Một mặt, Seoul cần duy trì kênh đối thoại cấp cao với Bắc Kinh để ngăn chặn xung đột bùng phát, và xây dựng mạng lưới an ninh cung ứng tài nguyên khoáng sản với các nước phương Tây hoặc thứ ba để tránh động thái trả đũa của Trung Quốc. Mặc khác, Seoul cần thường xuyên đối thoại với Washington để tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin quan trọng. Để mở rộng lãnh thổ kinh tế, Hàn Quốc cần chủ động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương, và nâng cấp các FTA song phương đã ký kết. Tôi cho rằng Hàn Quốc cần nhanh chóng di dời các nhà máy các ngành công nghiệp chủ chốt như chíp bán dẫn từ Trung Quốc sang các nước khác, bao gồm cả Mỹ.  


Seoul đang đứng trước tình thế tiến thoái lương nan để cân bằng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Song, ở khía cạnh khác, Hàn Quốc có thể trở thành vùng đệm giữa hai siêu cường, ngăn chặn xung đột đi quá giới hạn. Seoul cần đưa ra chiến lược bài bản, không bỏ lỡ cơ hội thiết thực cả về ngoại giao, an ninh và kinh tế.

Lựa chọn của ban biên tập