Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Hiện tượng gia đình một thành viên tại Hàn Quốc

2013-11-12

[Sự nở rộ của các hình thức kinh doanh phục vụ người sống độc thân]Gần đây, ở Hàn Quốc đang nở rộ phong trào kinh doanh mới gọi là “quán karaoke một người”. Khi bước chân vào đây, khách hàng sẽ được đeo tai nghe, sử dụng cây mi-crô đứng và thỏa sức cất cao giọng hát trên nhạc nền như một ca sĩ thực thụ. Anh Kim Ho-young, chủ của một quán karaoke như thế ở khu vực trường đại học Hongik, giải thích về loại hình này: “Karaoke một người là loại hình những phòng hát nhỏ chỉ dành cho một khách hàng với đầy đủ thiết bị âm thanh. Do dạo này xu hướng tận hưởng thú vui giải trí một mình ngày càng phổ biến hơn nên nhu cầu đi hát một mình cũng tăng cao. Trước các buổi gặp mặt, liên hoan hay tiệc tùng cùng công ty, nhiều người thường tìm đến đây để tập hát, vì ngại nếu tập hát một mình trong căn phòng rộng. Ngoài ra, khi đi cùng nhiều người, họ khó lòng được hát ca khúc mình yêu thích. Thế nên, khách hàng sẽ thấy vui hơn khi trong suốt một tiếng đồng hồ được thỏa thích ca hát trong những phòng nhỏ như thế này.”

Các phòng hát tại những quán karaoke bình thường dành cho ít nhất từ hai người trở lên. Mọi người vừa cùng nhau ca hát, nhảy múa vui vẻ, vừa đập trống lục lạc rộn ràng. Để bầu không khí luôn náo nhiệt, nhiều người buộc phải hát cùng bạn bè những ca khúc mà mình không hề thích. Nhưng ở quán karaoke một người, bạn sẽ được tự do lựa chọn và thể hiện ca khúc mình yêu thích mà không sợ bị người khác khen chê hay làm phiền. Đặc biệt, dù có đến cùng một người bạn thì cả hai vẫn sẽ được mời vào những phòng khác nhau. Choi Gyeong-seok, hiện đang sống tại thành phố Incheon, là một khách hàng quen thuộc của loại hình karaoke một người. Mỗi khi hát, cậu thường nhìn hình ảnh của mình được phản chiếu trong tấm gương treo ở góc phòng và liên tưởng nơi đây là sân khấu độc diễn của bản thân. Cậu chia sẻ: “Mỗi tháng tôi đi hát một, hai lần, có khi là trên đường đến trường, có khi là trên đường về nhà. Tôi thích hát karaoke một mình. Hồi trước, tôi phải vất vả lắm mới tìm được một nơi thích hợp để luyện hát. Giờ thì tôi rất vui vì tìm được một nơi như thế này.”

Đầu đeo tai nghe, Choi Gyeong-seok say sưa đắm chìm trong từng lời ca, tiếng hát. Bao nhiêu cảm xúc và sự tự tin có trong mình đều được cậu gửi trọn vào ca khúc, cái điều mà bình thường cậu khó lòng bộc lộ khi hát trước nhiều người khác. Đây cũng là một trong những ưu điểm của loại hình karaoke một người này. Anh Kim Ho-young, chủ của một quán karaoke một người, cho biết: “Ngày càng có nhiều người thích đi hát một mình nhưng cũng có không ít người vẫn còn ngần ngại. Một số lo lắng không biết những người ở bên ngoài có nghe thấy giọng hát của họ không. Nhưng họ có thể yên tâm, nhờ có tai nghe nên không âm thanh nào có thể lọt ra ngoài. Mặt khác, thay vì nghe giọng hát của mình qua loa, nghe qua tai nghe sẽ giúp họ dễ dàng thả hồn vào bài hát. Ngoài ra, với thiết bị thu âm có sẵn, họ cũng dễ dàng thu lại và biên tập “thành phẩm” của mình trên máy vi tính.”

Với xu hướng số người độc thân ngày càng gia tăng trong xã hội Hàn Quốc thì các loại hình tiêu dùng cũng dần dần biến đổi. Ví dụ, các cửa hàng tiện ích hay tiệm tạp hóa đang bán ngày càng nhiều hơn những mặt hàng dành cho đối tượng này như thực phẩm ăn liền, canh súp một khẩu phần... Những mặt hàng vốn hay đóng gói với khối lượng lớn như rau củ, hoa quả… cũng được chia nhỏ ra để bán và điều này khiến cho việc mua bán, lưu thông hàng hóa biến đổi ít nhiều.

Một mô hình kinh doanh dành cho người sống độc thân nữa cũng đang nhận được sự quan tâm là quán ăn có những gian ngồi vừa đủ cho một thực khách. Đây là kiểu quán ăn dùng phiếu giống như các căng-tin trong công ty hay trường học nhưng nội thất lại có sự khác biệt. Anh Lee Hyeon-seung, chủ của một quán ăn như thế, giới thiệu:
“Trong quán có những gian nhỏ đủ cho một thực khách. Mỗi người một gian, thoải mái dùng bữa và không ai nhìn thấy ai. Quán của tôi có sáu gian đôi dành cho hai thực khách, cùng 11 gian đơn dành cho thực khách chỉ đến một mình. Sở dĩ chúng tôi đặt nhiều gian đơn như vậy là do ngày càng có nhiều người sống độc thân nhưng lại ít có quán ăn thích hợp cho họ. Nếu đến các quán ăn bình thường, những người này sẽ bị xếp ngồi một mình tại một chiếc bàn rộng. Và điều này hẳn sẽ khiến họ không thoải mái trước ánh mắt của người khác. Với suy nghĩ đó, chúng tôi đã mở quán ăn này.”

Anh Lee Hyeon-seung kinh doanh quán ăn một người đã được năm năm. Ban đầu, thực khách có phần lạ lẫm với loại hình này nhưng giờ thì rất đông người đã trở thành khách hàng thân thiết của anh. Anh Lee Hyeon-seung chia sẻ: “Ưu điểm lớn nhất của quán ăn này là thực khách có thể thoải mái ăn uống, tránh khỏi sự nhòm ngó của mọi người, thậm chí cả nhân viên phục vụ. Trước cửa quán có một máy bán phiếu ăn tự động để khách hàng tự mua. Sau khi vào chỗ ngồi, họ bấm chuông gọi nhân viên rồi đưa phiếu ăn cho họ. Sau đó, họ sẽ không còn phải giao tiếp với bất cứ ai. Phía trước mỗi gian được che một tấm màn và thức ăn được đưa vào, lấy ra cũng qua tấm màn này. Thực khách đến đây có thể yên tâm tận hưởng bữa ăn mà không sợ bị những người ở phía trước và hai bên quấy rầy.”

Tại những quán ăn như thế này thì gian bếp luôn được đặt ở giữa, vây quanh là các gian dành cho thực khách. Các gian được ngăn cách với nhau bằng các bức vách, phía trước có một tấm màn dài che phủ. Với hình thức như vậy, thực khách sẽ không bị ai làm phiền, một mình một cõi ung dung ăn uống. Một thực khách cảm nhận: “Do ngại đi ăn một mình nên tôi không hay đi đến những quán ăn bình thường. Ăn ở đây không bị người khác chú ý, bầu không khí ấm cúng và món ăn cũng ngon. Mỗi tuần tôi đến đây hai, ba lần. Ở đây có bàn đôi, có thể rủ bạn đi cùng, nhưng tôi hầu như chỉ đến một mình. Các gian ngồi ở đây rất giống những khoang riêng ở phòng đọc sách. Phía trước lại có màn che nên có thể yên tĩnh ăn uống mà không sợ bị quấy rầy.”

[Tìm hiểu về gia đình một thành viên tại Hàn Quốc]Theo Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc, nếu như vào năm 1985, chỉ có 6,9% dân số nước này là người sống độc thân thì tỷ lệ này đã tăng lên trên 25% vào tháng 4/2012 và có dấu hiệu vượt ngưỡng 35% vào năm 2035. Có thể nói, bây giờ chính là thời đại của những hộ gia đình một nhân khẩu. Nhà phê bình văn hóa Kim Hun-sik cho biết:“Quá trình tiến triển của xã hội khiến cho số hộ gia đình một thành viên tăng lên và hình thành nên cái gọi là “văn hóa độc thân”. Hồi trước, hễ có ai đó đi ăn một mình, không có bạn bè đi cùng, thì liền bị cho là có vấn đề về đối nhân xử thế. Nhưng bây giờ, mọi người có thể đi ăn một mình, đi xem phim một mình hay đi uống cà phê một mình cũng là chuyện bình thường. Thay vì bị thương hại hay kỳ thị như trước kia, giờ đây những người sống độc thân được mọi người nhìn nhận như những đối tượng có lối sống nghiêm túc khác. Ngày càng có nhiều các quán ăn, quán cà phê bố trí những chỗ ngồi dành cho một khách hàng và cuộc sống đã trở nên thoải mái hơn cho đối tượng này.”

Hộ gia đình một thành viên đang là một hiện tượng xã hội đáng quan tâm. Nó bao gồm nhiều kiểu đối tượng như người sống độc thân không thiết tha với đời sống hôn nhân, người sống một mình sau khi ly hôn hay các ông bà cụ sống đơn độc do không có con cái phụng dưỡng. Quan niệm “người sống độc thân” ngày nay đã không còn giống trước kia. Nếu trước kia, những người sống một mình thường bị coi như là do không thể kết hôn thì ngày nay, phần lớn người sống độc thân có điều kiện tài chính vững vàng và muốn sống như vậy là để được tự do làm những điều mình thích mà không bị ràng buộc.

Theo kết quả thăm dò ý kiến do một trang blog dành cho người sống độc thân tiến hành, lý do hàng đầu khiến nhiều người thích sống một mình là để lập cho mình một kế hoạch sống thật sự vì bản thân. Các lý do tiếp sau là không bị ràng buộc với bạn đời, được tự do yêu đương, không mất tiền cho việc cưới hỏi hay chăm sóc con cái… Nhà phê bình văn hóa Kim Hun-sik cho biết:
“Xã hội Hàn Quốc vốn xem trọng tính cộng đồng nhưng khi số người độc thân tăng lên thì mọi người bắt đầu chú ý hơn đến bản thân và cuộc sống cá nhân. Ví dụ, trước đây, người ta cho rằng đi du lịch một mình rất nguy hiểm nhưng bây giờ thì cho là thú vị. Một điều tất yếu là cuộc sống độc thân sẽ tạo ra nhiều hiện tượng văn hóa. Và nó khiến con người đặt quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích của tập thể. Phong cách sống độc thân đã xuất hiện cùng với sự biến đổi quan niệm sống, kéo theo những hiện tượng văn hóa liên quan.”

Tại Diễn đàn kinh thế giới (WEF) được tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ, vào tháng 1/2008, “nền kinh tế độc thân” đã trở thành chủ đề nóng hổi trong khi số người sống độc thân có học thức cao trên thế giới ngày càng tăng, đặc biệt là phụ nữ độc thân trong độ tuổi 20-30, những người dẫn đầu trong văn hóa và tiêu dùng. Nắm bắt xu thế, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tập trung sản xuất các mặt hàng nhỏ gọn để phục vụ cho nhu cầu của một người như chăn điện một người dùng, quạt tỏa nhiệt mini, nồi cơm điện một khẩu phần, tủ lạnh có thể tích dưới 100 lít… Nhà phê bình Kim Hun-sik cho biết thêm: “Cách sống thay đổi đã dẫn đến sự gia tăng các dịch vụ ăn uống, giải trí dành cho một người. Các doanh nghiệp cũng tập trung sản xuất những mặt hàng gia dụng, điện tử có thể tích, kích thước nhỏ hơn. Thậm chí đồ ăn, nguyên liệu nấu nướng cũng được chế biến sẵn hay đóng gói nhỏ vừa đủ cho một khẩu phần. Vì số người sống độc thân sẽ tăng nhanh trong vòng bảy năm tới nên những dịch vụ, mặt hàng này sẽ còn tăng mạnh, giúp cho cuộc sống của họ càng trở nên thoải mái hơn.”

Khi số người sống độc thân gia tăng thì nhu cầu thông tin đặc thù hướng đến đối tượng này cũng phải tăng theo. Tạp chí dành cho người độc thân chính là một ví dụ. Nhà báo Ahn Ji-na của tạp chí Singles giới thiệu: “Không chỉ ở Hàn Quốc mà trên toàn cầu, số người sống độc thân đang không ngừng tăng lên. Đón đầu xu thế, từ tháng 9 năm 2004chúng tôi đã cho ra đời tạp chí về thời trang và phong cách sống mang tên “Singles” (tạm dịch “Những người độc thân”). Đa số vẫn nghĩ người sống độc thân là thanh niên trong độ tuổi 20. Nhưng thật ra đối tượng này bao gồm cả những người trong độ tuổi 30 tuổi và hơn nữa.”



Gần đây, người sống độc thân rất quan tâm đến bí quyết sống vui, sống tốt cũng như những thông tin về tài chính. Để đáp ứng sự quan tâm ấy, nội dung tạp chí cũng phải bám sát với sinh hoạt thường ngày. Nhà báo Ahn Ji-na chia sẻ: “Một trong các lĩnh vực được chúng tôi chăm chút là kinh nghiệm làm giàu, bí quyết thành công trong công việc và quản lý tài chính. Độc giả thích những bài báo mang tính định hướng. Ví dụ, vào tháng 12 sẽ có các bài báo liên quan đến quyết toán cuối năm, tháng 3 hay tháng 4 là thời điểm tuyển dụng nhân viên nên cần các bài liên quan đến quản lý tài khoản ngân hàng, rồi các bài liên quan đến thời điểm thay đổi cơ cấu phòng ban…”

Người sống độc thân dần biết cách thoát khỏi nỗi cô đơn và sự tuyệt vọng bằng cách tìm đến các câu lạc bộ để được gặp gỡ những người hợp ý và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sống một mình. Đặc biệt, nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội mà cuộc sống của những người này đã trở nên dễ chịu hơn bao giờ hết. Nhà phê bình Kim Hun-sik cho biết: “Lên internet, bạn sẽ thấy có rất nhiều trang blog nói về những người sống độc thân cùng những thông tin mà họ chia sẻ cho nhau, ví dụ như cách trang trí phòng hay cách nấu ăn… Nhiều người thậm chí còn quay lại những khoảnh khắc trong cuộc sống độc thân của mình rồi tải lên mạng xã hội, trong đó tiêu biểu là các video về nấu nướng, về cách nghỉ ngơi, thư giãn, cách vui chơi hay đi du lịch một mình… Ngoài ra, họ còn cho nhau biết kinh nghiệm mua vé xem biểu diễn dành cho một người hay bí quyết quản lý tốt sinh hoạt của mình trên mạng lẫn ngoài đời.”

Tại một số nước phát triển trên thế giới, độc thân đang là một xu hướng phổ biến. Ở Thụy Điển chẳng hạn, có tới 47% dân số là người sống độc thân. Nhà phê bình văn hóa Kim Hun-sik đánh giá: “Lối sống độc thân sẽ còn tạo ra vô số các hiện tượng văn hóa trong tương lai. Xã hội Hàn Quốc không còn quá coi trọng tính tập thể, cộng đồng như xưa mà đề cao lợi ích của bản thân hơn. Sự biến đổi này không những đang tạo ra nhiều hiện tượng văn hóa mà còn gây ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của văn hóa định cư, du lịch, giải trí cũng như giáo dục.”

Hộ gia đình một thành viên đang trở thành một bộ phận quan trọng trong xã hội Hàn Quốc cùng với gia đình tam đại đồng đường, gia đình chỉ gồm bố mẹ con cái. Xã hội mà chúng ta đang sống đang thay đổi từng ngày. Nó chia cắt cộng đồng ngày một nhỏ và đề cao nhu cầu cá nhân của mỗi thành viên. Dù muốn hay không thì hình thái gia đình một nhân khẩu vẫn đang tồn tại và phản ánh một khía cạnh khác của cuộc sống.

Lựa chọn của ban biên tập