Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Vui buồn của người dân Hàn Quốc trong tiết xuân sang

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-03-17

Âm điệu ngàn xưa

ⓒ GUGAKWORLD

Ở Hàn Quốc, đầu tháng 2 sau lập xuân, lòng người khấp khởi mong ngóng xuân về dù thời tiết vẫn lạnh, có khi còn lạnh hơn cả trong những ngày đông giá rét. Tới tiết xuân phân, hoa chuông vàng Gaenari, rồi hoa đỗ quyên Jindallae nở rộ, báo hiệu mùa xuân đã thực sự tràn ngập khắp mọi nơi. Xưa kia ở Hàn Quốc, thường tầm tiết xuân phân, người nông dân bắt đầu cày cuốc ruộng vườn, sửa chữa nhà ở và tường rào bị sụt lún do ảnh hưởng của tiết đông giá rét, và lên núi ra vườn hái rau dại chớm nhú đầu xuân. Thời đó, một vị tăng ni đã lưu lại áng thơ, rằng: 

Xuân về muôn hoa nở, thu tới trăng mỉm cười

Gió hạ trong trẻo, tuyết đông phủ đầy

Lòng người thanh thản không vướng mắc

Thế gian nhân loại tuyệt thế thời


Áng thơ mang hàm ý rằng chỉ cần lòng người thành thản thì bốn mùa trong năm mùa nào cũng đẹp, cũng tốt. Thưa quý vị, thưa các bạn, hơn một năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chúng ta bị hạn chế ra khỏi nhà và gặp gỡ mọi người. Có lẽ ngay sau khi thuốc điều trị và vắc-xin phát huy hiệu quả thì việc đầu tiên mà nhiều người trong chúng ta muốn thực hiện là đi du lịch. Xưa kia ở Hàn Quốc, việc đi du lịch đâu đó lẽ tất nhiên là không thể dễ dàng như ngày nay. Thế nhưng, dân tộc Hàn vẫn luôn bày tỏ sự khát khao và niềm hạnh phúc đối với những chuyến ngao du thiên hạ. Jukjangmanghye (âm Hán là “Trúc trượng mang hài”, có nghĩa là “chiếc gậy trúc và đôi giày bện cỏ”), là khúc đoản ca Danga, mô tả diện mạo của người đi ngao du khắp chốn với hành trang đơn sơ là một chiếc gậy trúc, một đôi giày bện cỏ và một nậm rượu. Đoản ca “Jukjangmanghye” được mở đầu bằng đoạn:

Chống gậy trúc xỏ hài rơm vào núi sâu rừng thẳm

Mê thác nước mà Lư Sơn nay trước mắt

Người xưa đồn thác nước cao tới nghìn thước

Nước xối nhạt nhòa những tưởng sông Ngân Hà


Trong đoạn đầu của ca khúc có xuất hiện hình ảnh ngọn núi Lư Sơn. Đây là ngọn núi nổi tiếng có thác nước đẹp ở Trung Quốc nằm tại tỉnh Giang Tây. Đại thi hào Lý Bạch, người nổi tiếng mê rượu say trăng trong thời nhà Đường (618-907) Trung Quốc đã tức cảnh thành thơ khi ngao du tới thác nước ở Lư Sơn. Câu thơ đó chính là “Người xưa đồn thác nước cao tới nghìn thước. Nước xối nhạt nhòa những tưởng sông Ngân Hà”. Thác nước chảy xối xả ào ào, bụi nước mịt mờ khiến người ta mường tượng rằng con thác cao tới cả nghìn thước. Dù là hơi khoa trương nhưng cũng có thể hiểu đó là một cách mô tả vẻ hùng vĩ của thác nước núi Lư Sơn. 


Nỗi niềm ẩn chứa trong khúc hát Sanyuhwaga(Khúc hát Sơn hữu hoa)

Xuân về, trong khi giới học giả thì khao khát mơ về những chuyến ngao du thiên hạ, thì bách tính lại bận rộn với công việc đồng áng của một năm mới. Ở tỉnh Nam Chungcheong, người dân vùng Buyeo, Gongju và Nonsan có một khúc ca đi cấy được bình chọn là di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Nam Chungcheong có nhan đề là Sanyuhwaga (Khúc hát Sơn hữu hoa). Khúc hát được mở đầu bằng câu: “Hoa Sanyu ơi! Sanyu!” Nhiều người nghĩ Sanyuhwa (Sơn hữu hoa) là tên gọi của một loài hoa, nhưng đây là tên gọi chung cho các loài hoa dại nở trên núi, ám chỉ cả nỗi đau của người Baekje lúc đương thời (năm 18 trước Công nguyên - thế kỷ VII). Sau khi bị diệt vong, thái tử cùng hơn 12.000 bách dân của Baekje bị dẫn giải sang nhà Đường Trung Quốc. Đã hơn một nghìn năm qua, tới giờ người dân nơi đây vẫn cử hành lễ cúng để ghi nhớ ngày đau lòng này. Dường như câu hát dân gian còn lưu lại không ít cổ tích lịch sử mà ngay cả trong sử sách cũng không nhắc tới. 


* Nhạc phẩm “Sarang, Pyeotguna” (Tình yêu đã chớm nở) / nhóm nhạc truyền thống Akdangwangchil 

* Đoản ca Jukjangmanghye (Trúc trượng mang hài) / Park Kwi-hee (vừa hát vừa tấu đàn tranh Gayageum)

* Khúc hát Sanyuhwaga (Khúc ca Sơn hữu hoa) của vùng Buyeo, tỉnh Nam Chungcheong / Park Hong-nam và nhóm phụ họa 

Lựa chọn của ban biên tập