Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Điểm qua vài nét đặc thù trong chính nhạc Gagok của Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-03-24

Âm điệu ngàn xưa

Điểm qua vài nét đặc thù trong chính nhạc Gagok của Hàn Quốc

Dấu ấn và đặc trưng của chính nhạc Gagok ở Hàn Quốc 

Trong số các nhạc phẩm âm nhạc truyền thống Hàn Quốc còn được kế thừa và lưu truyền tới nay, có hai nhạc phẩm Boheoja (Bộ hư tử) và Nakyangchun (Mùa xuân ở Lạc Dương) của thời đại Goryeo (thế kỷ X-XIV) được du nhập từ nhà Tống ở Trung Quốc. Trải qua hơn nghìn năm được lưu truyền và biểu diễn ở Hàn Quốc, hai nhạc phẩm này đã dần mất đi những đặc trưng của âm nhạc Trung Quốc, được thuần hóa thành âm nhạc Hàn Quốc nhưng đến nay, phần lời đã thất truyền, chỉ còn phần âm nhạc được lưu truyền. Gần đây, giới âm nhạc truyền thống đã phục dựng lại phần ca từ của nhạc phẩm và công diễn. Boheoja (Bộ hư tử) vốn là nhạc đệm cho vũ điệu cung đình trong những dịp yến tiệc. Thế nên, nhiều ca từ của khúc hát có nội dung ca ngợi đấng quân vương và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Khúc hát được bắt đầu bằng câu “Thiên môn hải nhật tiên hồng” và có thể tạm dịch là:

Khi cửa trời vừa mở, biển đã vội đỏ au

Cát đỏ, rìu ngọc, khí vận linh thiêng trỗi dậy

Tấu nhạc trời trên nền trời tươi đẹp

Rực rỡ từng hàng phượng hoàng ánh vàng, ngỗng ánh bạc

Hương lan ngây ngất, vũ điệu xoay tròn, sóng nước gợn xanh

Nhành liễu mảnh mai rung rinh theo gió nhẹ


Về bố cục, nhạc phẩm Boheoja và Nakyangchun (Mùa xuân ở Lạc Dương) có hai phần là phần trước và phần sau. Trong phần sau, chỉ câu đầu tiên là có nhịp điệu khác, các câu còn lại đều sử dụng nhịp điệu giống với phần trước. Theo lối hát đối đáp trong dân ca của Hàn Quốc, những người ở bè đối thường hát theo nhịp điệu khác nhau, nhưng những người ở bè đáp thường hát theo cùng một nhịp điệu. Những nhịp điệu được lặp đi lặp lại này, được người Hàn gọi là “Hwanip”, âm Hán là “hoán nhập”, tiếng thuần Hàn là Dodeuri. Đặc biệt, ở phần hoán nhập của nhạc phẩm Boheoja (Bộ hư tử), có nhiều nhạc khúc phát sinh mới và ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc như Mitdodeuri, Utdodeuri, Yangcheongdodeuri, Wujogarakdodeuri. 


Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, khá nhiều người biết về khúc hát Jingukmyeongsan (Trấn quốc danh sơn) trong chính nhạc Gagok Pyeonsudayeop. Chính nhạc Gagok là loại hình thơ phổ nhạc Sijo được hát cùng phần đệm của nhạc cụ dây, nhạc cụ gõ và nhạc khí ống. Số nhịp trong một khuôn nhạc của chính nhạc Gagok vốn dĩ có 16 nhịp, nhưng Pyeonsudaeyeop là chính nhạc Gagok được hát theo nhịp điệu Pyeonjangdan với 10 nhịp, tức có nhịp điệu nhanh hơn lối hát truyền thống vốn có. Thơ cổ Sijo của Hàn Quốc có số từ và cách gieo vần cố định, được gọi là Pyeongsijo. Pyeongsijo thường có trên dưới 46 chữ, còn Saseolsijo là thể thơ cổ có nhiều chữ hơn thể thơ cổ Pyeongsijo. Thế nên, người nghệ sĩ thường sử dụng nhịp điệu Pyeongjangdan để hát Saseolsijo dài dòng. Khúc hát được bắt đầu bằng đoạn:

Trấn quốc danh sơn vạn trượng phong

Thiên tước xuất kim phù dung


Câu hát diễn giải về thế núi bao bọc thủ đô Seoul theo thuyết địa lý phong thủy, nên có nhiều người tài ba xuất chúng, quốc gia thái bình. 


Sejong, vị vua anh minh được người dân Hàn Quốc đời đời ghi nhớ 

Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc có nhiều khúc hát ca ngợi sự thái bình thịnh trị, mang hàm ý cầu mong có được vị quân vương anh minh để dẫn dắt trị vì quốc gia phát triển trong thái bình thịnh trị. Trong số các vị vua anh minh ở Hàn Quốc, người đời luôn nhớ tới và ca tụng vua Sejong (Thế Tông, vị vua thứ IV của vương triều Joseon). Vua Sejong được biết tới là một vị quân vương anh minh, thương dân, vì nước và có tài năng xuất chúng trong lĩnh vực âm nhạc. Ngài đã sáng tạo chữ viết Hangeul cho bách tính, sáng tác nhạc phẩm Yeominrak (Dự dân lạc) để cùng chung vui với bách dân. Cuốn Mạnh Tử ghi chép lại những điều đối đáp của Mạnh Tử với các vua, chư hầu, và học trò có câu “Dự dân đồng lạc”, tức “quân vương cùng chung vui với bách tính”. Trước lo lắng của Tuyên Vương nhà Tề Trung Quốc rằng bản thân chỉ thích âm nhạc rất bình dân, không hoành tráng uy nghi, nên chẳng dám đem khoe thiên hạ, Mạnh Tử đáp lại rằng không có gì thích thú hơn thưởng nhạc cùng nhiều người, cùng bách dân thiên hạ. Nếu bách tính no đủ, đời sống ổn định thì sẽ thích âm nhạc nhà vua thích. Cho dù nhà vua có thích âm nhạc uy nghi hùng tráng đến mấy đi chăng nữa nhưng nếu đời sống của con dân thống khổ thì họ cũng chẳng thích thứ âm nhạc đó.

Người làm vua cần có tâm thế chung vui với bách tính. Khắc ghi lời giáo huấn của Mạnh Tử, vua Sejong (Thế Tông) đã sáng tác âm nhạc Yeominrak (Dự dân lạc) để chung vui cùng bách tính những khi có hỉ sự. 


* Nhạc phẩm Boheoja (Bộ hư tử) / dàn chính nhạc Trung tâm âm nhạc truyền thống Hàn Quốc 

* Khúc hát Jingukmyeongsan (Trấn quốc danh sơn) trong chính nhạc Pyeonsudaeyeop dành cho giọng nam / Lee Dong-gyu

* Chương 1 nhạc phẩm Yeominrak (Dự dân lạc) / Son Han-byeol (sáo trúc lớn Daegeum)

Lựa chọn của ban biên tập