Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Những chuyến tàu đong đầy nước mắt và niềm hạnh phúc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-04-14

Âm điệu ngàn xưa

Những chuyến tàu đong đầy nước mắt và niềm hạnh phúc

Nước mắt trên những “Con tàu rời bến”

Khi nhắc đến từ Baettaragi (Con tàu rời bến), người Hàn sẽ liên tưởng ngay đến truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kim Dong-in (1900-1951) được xuất bản năm 1921. Truyện “Baettaragi” xoay quanh câu chuyện từ một hiểu lầm nhỏ gây bất tín, làm tình cảm của hai anh em rạn nứt, dẫn đến việc vợ của người anh tự vẫn còn người em bỏ làng ra đi. Sau này, khi nhận ra lỗi lầm của mình, người anh đã lần theo dấu của Baettaragi, khúc hát mà người em hay hát để thất thần bôn ba khắp chốn đi tìm em. Baettaragi có nghĩa là “con tàu rời bến”, và cũng là khúc hát miêu tả sinh động về cuộc đời của những người dân chài vùng Pyongan, nay thuộc địa phận của Bắc Triều Tiên. Thời xưa không có hệ thống dự báo thời thiết và mạng cứu hộ cứu nạn trên biển như ngày nay. Nhưng với người miền biển, lên tàu ra khơi đánh cá là hoạt động sinh nhai thường nhật. Dẫu biết rằng giây phút tạm biệt ngắn ngủi rất có thể sẽ trở thành lời chào vĩnh biệt, dù có sợ hãi, run rẩy trước ngàn trùng đại dương nhưng họ vẫn phải dứt ruột ra đi. 


Khúc hát Baettaragi là câu chuyện của một ngư dân bước chân lên thuyền cá với nỗi lòng tràn ngập lo âu sợ hãi, rồi gặp mưa giông bão tố, con tàu bị sóng biển nhấn chìm, khó khăn lắm người này mới giữ lại được mạng sống và quay về làng sau ba năm phiêu bạt. Vượt qua trăm cay nghìn đắng, người dân chài sống sót quay trở về với quê hương những tưởng là mọi sóng gió đã qua, nhưng nhìn gia quyến của những người cùng trên con tàu cá định mệnh đó, thì người sống sót quay về lòng trĩu nặng chẳng khác gì tội nhân. Khi bước chân vào nhà, ông thấy người vợ đang làm cơm cúng mình vì tưởng chồng đã chết. Cha mẹ ông cũng từ bàng hoàng rồi khóc lóc thảm thương mà rằng thôi từ nay có cầm hơi bằng cháo loãng thì cũng cam chứ tuyệt đối không thể để con trai ra khơi đánh cá. 


Tập tục của làng chài và niềm vui trên những chuyến tàu cá

Trong chuyến đi sứ sang Bắc Kinh (Trung Quốc) cùng đoàn sứ giả, khi tạc qua Pyeongyang (Bình Nhưỡng), nay là thủ đô Bắc Triều Tiên, văn hào Park Ji-won (1737-1805), hiệu Yeonam (Yên Nham) đã nghe ca khúc Baettaragi (Con tàu rời bến). Ông đã để lại dòng lưu bút rằng: “Bài hát chia ly đau buồn nhất”. Vì kế sinh nhai, người dân chài lên thuyền ra khơi đánh cá, nhưng không biết liệu có khi nào đường ra khơi lại trở thành đường tới suối vàng, không biết liệu mình còn có thể quay về với người thân và gia đình nữa hay không, hoặc nếu có may mắn bảo toàn được tính mạng thì cũng không chắc sẽ đánh bắt được nhiều tôm cá. Mọi sự đều phó mặc cho sự may rủi. Vậy nên, đối với người làng chài, biển cả vô cùng linh thiêng, có nhiều điều cấm kỵ và họ cũng thường xuyên lập chiếu đồng và bàn thờ để cầu khấn thần thánh trời đất. Bước vào thời cận đại, tục lên đồng Gut bị coi là mê tín dị đoan nên đã bị xóa bỏ khá nhiều. Những tập tục lên đồng còn được kế tục cho tới ngày nay đa phần đều ở các vùng ven biển. Gần đây, giới nghệ sĩ trẻ đã và đang sáng tác mới âm nhạc truyền thống dựa trên cốt cách nghệ thuật múa hát lên đồng Gut. 


Trong dịp năm mới, các làng chài ven biển ở Hàn Quốc thường tổ chức cúng tế lên đồng Gut. Ngoài ra, các chủ tàu đánh cá cũng lập chiếu đồng riêng để cầu khấn các đấng thần linh che chở và phù hộ cho một mùa cá bội thu. Họ sẽ hạnh phúc biết bao khi chứng kiến những con tàu đầy ắp cá nối đuôi nhau về bến đậu. Xưa kia, người dân chài Hàn Quốc thường đánh trống thổi kèn và cắm cờ Bongjuk trên những con tàu cập bến đầy ắp tôm cá. Bongjuk vốn là chiếc gậy tre dùng để chọc vào khoang chứa cá nhằm ước lượng sản lượng cá đánh bắt được. Bongjuk âm Hán là “phượng trúc”, có ý nghĩa là chim phượng hoàng đậu trên ngọn tre. Chiếc gậy tre Bongjuk dài khoảng 2-3m, đầu trên được chẻ thành nhiều nhánh, mỗi nhánh được cắm và trang trí bằng hoa giả. Chim phượng hoàng là biểu tượng của thái bình, thành đại. Người đời truyền nhau rằng chim phượng hoàng chỉ ăn quả tre. Người ta còn gọi Bongjuk là Bonggi. Có lẽ đối với người làng chài, hình ảnh Bongjuk được cắm trên thuyền cá cũng mang ý nghĩa thái bình, thành đại. Tàu cá cắm Bongjuk, người dân chài đánh trống gõ chiêng khi đưa tàu đầy ắp cá về bến chẳng khác nào vị tướng quân thắng trận trở về. Người trong làng cũng đánh trống gõ chiêng nhảy múa vui mừng chào đón con tàu cập bến. Có lẽ chính niềm vui, niềm hạnh phúc bất tận trong khoảnh khắc này đã khiến cho người dân chài quên hết mọi lo âu, sợ hãi và nguy hiểm, thôi thúc họ ngày ngày đưa thuyền ra khơi đánh bắt cá. 


* Khúc tạp ca Baettaragi (Con tàu rời bến) / Oh Bok-nyeo, Shin Jeong-ae và Yoo Ji-suk 

* Nhạc phẩm “Eheori Ssunggeoya” dựa trên âm nhạc lên đồng Gut của vùng duyên hải phía Tây Hàn Quốc / nhóm nhạc truyền thống Chudahye Chagis 

* Trích đoạn “Baechigi Sori” (Khúc hát đón tàu được mùa cá) trong nhạc phẩm “Punggipungeo Sori” (Bài ca được mùa cá) / Kim Yong-wu

Lựa chọn của ban biên tập