Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Ảnh hưởng của Phật giáo trong nghệ thuật múa hát lên đồng ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-05-12

Âm điệu ngàn xưa

ⓒ YONHAP News

Múa hát lên đồng, một lĩnh vực tôn giáo tại Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, đã có thời tín ngưỡng lên đồng bị coi là mê tín dị đoan nên bị nhiều người dị nghị và né tránh. Nhưng gần đây, nó đã được công nhận là tín ngưỡng mang bản sắc truyền thống dân tộc và được gọi là Mugyo (Vu giáo), trong đó “mu” (vu) là chỉ những ông đồng bà đồng, người trung gian đứng ra kết nối con người với thần linh. Vì thế giờ đây, người Hàn coi lên đồng là một trong những nghi thức tôn giáo, giống như việc các nhà sư tụng kinh niệm Phật hay các vị linh mục làm thánh lễ tạ ơn. Sự khác biệt giữa lên đồng với các tôn giáo khác là thần linh được thờ cúng trong tín ngưỡng lên đồng rất nhiều và đa dạng. Ví như thần làng Seongjusin, thần tổ tiên Josangsin, thần trong cúng tế lên đồng Gut Daegamsin hay thần bảo hộ kinh pháp của Đức Phật Jeseoksin. 

Thời Ấn Độ cổ đại có thần Indra (Nhân Đà La), một trong những vị thần quyền lực và linh thiêng nhất ở Ấn Độ, cai trị sấm sét và mưa. Khi Phật giáo xuất hiện, Đức Phật đã tiếp nhận thần Indra làm thần thủ hộ Phật pháp. Trong bản dịch kinh Phật Ấn Độ của Trung Quốc, Nhân Đà La được ghi là “Jeseokcheon” (Đế Thích Thiên). Đế Thích Thiên du nhập vào bán đảo Hàn Quốc được liên kết với tín ngưỡng truyền thống. Trong thần thoại dựng nước Dangun, thần nhà trời Hwanin (Hoàn Nhân) được gọi là Hwanin Jeseok (Hoàn Nhân Đế Thích). Và trong tín ngưỡng lên đồng thì thần Jeseok (Đế Thích) được coi là vị thần cai quản tuổi thọ, vận mệnh, phúc đức, con cháu và sự hưng thịnh của con người. 


Ảnh hưởng của Phật giáo trong các khúc hát lên đồng ở Hàn Quốc

Nghi thức cúng tế lên đồng Jeseokgut là chiếu đồng cầu khấn thần Jeseok phù hộ độ trì cho gia chủ mạnh khỏe, sống lâu và ấm no hạnh phúc. Qua những câu ca tiếng hát và trang phục của ông đồng bà đồng trên chiếu đồng Jeseokgut, chúng ta có thể nhận thấy rằng tín ngưỡng lên đồng ở Hàn Quốc chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Phật giáo. Trong số này có thể kể đến nhạc phẩm “Jajeun Jeseokbanga” (Chày giã gạo Jeseok) được hát trong nghi thức cúng tế lên đồng Jeseokgut ở tỉnh Pyeongan nay thuộc địa phận của Bắc Triều Tiên. “Jajeun Jeseokbanga” là khúc ca Đây là nghi thức mô phỏng việc giã gạo trong cối. Người ta đội mũ Goggal và trang trí cho chiếc chày giống như thần Jeseok, rồi gọi là Jeseokdae. Khúc hát được bắt đầu bằng nhịp điệu chậm rãi rồi nhanh dần lên theo sự hứng khởi của người hát. “Jajeun Jeseokbanga” là khúc hát cầu xin 10 vị đại vương cai quản âm phủ không đày người quá cố xuống chốn địa ngục, khuyên con người  khi còn ở cõi tạm hãy sống lương thiện thì mới không bị đày xuống địa ngục lúc chết. Các khúc hát cầu nguyện trong Phật giáo dù là ở cõi dương hay cõi âm thì cũng đều răn dạy con người rằng nếu sống lương thiện và biết cho đi thì sẽ được hưởng phúc lộc. Theo dòng chảy của thời gian, Phật giáo được lưu truyền trên bán đảo Hàn Quốc từ thời ba vương quốc là Goguryeo - Baekje - Silla đã ảnh hưởng và thấm nhuần tới tư duy và đời sống văn hóa của người dân xứ sở kimchi. Không chỉ vậy, ảnh hưởng của Phật giáo ở Hàn Quốc còn được thể hiện rõ trong những lĩnh vực nghệ thuật như hội họa và âm nhạc. Trong phẩm Seungmu (Tăng vũ), tức “vũ điệu của nhà sư” do nhạc sĩ Yoo Eun-seon sáng tác, dựa trên áng thơ của thi sĩ Cho Ji-hoon.

Mũ chóp mỏng manh trăng trắng sợi

Nếp gấp nuột nà vấn vấn cao…

Nhà thơ Cho Ji-hoon đã ghi lại cảm xúc của mình khi xem một ni cô múa tại chùa Yongju (Long Châu) trong một đêm thu trước ngọn nến lung linh đung đưa trước gió. Cánh tay áo dài mỏng mảnh được ni cô tung lên khoảng không vô tận, cái đẹp mà uy, cái mỏng mảnh tạo khoảng cách vô hình đã dệt nên tâm trạng người thi sĩ.

Khác với các vũ điệu miêu tả hỷ nộ ái lạc trong cuộc sống trần tục, vũ điệu của các nhà sư hòa quyện trong dòng chảy âm nhạc thường truyền tải những điều răn dạy của Đức Phật cho con dân. Vương triều Joseon (thế kỷ XIV đến XIX) đã đàn áp, bài trừ Phật giáo và các nhà sư cũng bị cấm vào trong thành. Việc duy trì tu bổ chùa chiền cũng trở nên khó khăn hơn. Thay thế các nhà sư, các nhóm Phật tử tự tổ chức đi quyên góp từ thiện. Nay đây mai đó chu du khắp nơi, các Phật tử lấy câu hát điệu múa và kỹ nghệ biểu diễn để kêu gọi lòng từ tâm trong thiên hạ mang về xây chùa. Thế nên những người này rất thông thạo câu hát và vũ điệu của các nhà sư. Hoạt động biểu diễn của các Phật tử vừa có tác dụng lan truyền rộng rãi lời dạy của Đức Phật tới đông đảo người dân, vừa làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật truyền thống của dân tộc Hàn. Những gánh diễn nghệ thuật này có tên gọi là Sadangpae mà thành viên là các nữ Phật tử. Sau này còn có cả gánh diễn nghệ thuật Sadangpae mà thành viên đều là nam giới nên có tên gọi là Namsadangpae. Họ thường bắt đầu buổi biểu diễn bằng tiết mục Pungmulnori với các nhạc cụ gõ. Sau đó là đến các tiết mục như trò nhào lộn biểu diễn trên dây Jultagi, trò biểu diễn mặt nạ Talnori và trò diễn kịch bằng con rối. Tới năm 1960, việc duy trì và kế tục nghệ thuật biểu diễn lưu động của các gánh diễn Namsadang rơi vào bế tắc. Vào cuối những năm 1970, hậu duệ của các nghệ sĩ thuộc gánh diễn Namsadang năm xưa đã sưu tầm và phục dựng lối biểu diễn nhạc cụ gõ đặc trưng trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc và đưa sân khấu biểu diễn ngoài trời ngày xưa thành sân khấu biểu diễn trong nhà. Đây chính là nghệ thuật 4 loại nhạc cụ gõ Samulnori ngày nay.


* Nhạc phẩm “Jajeun Jeseokbanga” (Chày giã gạo Jeseok) / Oh Bok-nyeo và nhóm phụ họa 

* Nhạc phẩm Seungmu (Tăng vũ) / Cho Ji-hoon (thơ), Yoo Eun-seon (nhạc), Park Ae-ri (hát)

* Nhạc phẩm “Utdari Nongak” (Nông nhạc Utdari) / nhóm nghệ thuật Samulnori (bao gồm Kim Yong-bae, Kim Deok-su, Lee Gwang-su và Choi Jong-sil)

Lựa chọn của ban biên tập