Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Sự xuất hiện và phát triển của dòng dân ca mới Sinminyo ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-05-26

Âm điệu ngàn xưa

Sự xuất hiện và phát triển của dòng dân ca mới Sinminyo ở Hàn Quốc

Dân ca của Hàn Quốc trong thời kỳ bị Nhật Bản chiếm đóng

Dưới thời thực dân Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc, có một người tên là Shin Bul-chul, kể chuyện trào phúng nổi tiếng giống như các danh hài thời nay. Tiếng tăm của Shin Bul-chul nổi như cồn, ông được nhiều người mến mộ và có cả một gánh diễn nghệ thuật mang tên mình. Vốn dĩ ông là diễn viên kịch nói và là nhà biên kịch. Sau khi bị bắt vì tội phê phán đế quốc Nhật Bản, ông chuyển hẳn sang lĩnh vực kể chuyện trào phúng, phê phán chế giễu thói đời và lấy nghệ danh là Bulchul (âm Hán là “bất xuất”), nghĩa là “Biết trước thế thời thế này thì ta đã không sinh ra trên đời…”. Chuyện kể rằng, một lần cùng nhạc sĩ nổi tiếng đương thời là Mun Ho-wol đi thăm người ốm, trên đường về nhà, khi đi qua bến đò Noryangjin bên sông Hàn, hình ảnh người chèo đò trên sông cùng câu hát Baetnorae (Khúc hát mạn thuyền) thấp thoáng sau những nhành liễu đung đưa trong gió xuân đã lay động tâm hồn người nghệ sĩ. Cảnh đẹp là vậy, thanh bình là thế, nhưng cuộc sống của người dân trên bán đảo Hàn Quốc dưới móng vuốt thực dân Nhật lúc bấy giờ thì lại hết sức ngột ngạt, chua chát. Hai người tạt vào một quán rượu ven sông Hàn, Shin Bul-chul viết lời cho khúc hát Nodeulgangbyeon (Bờ sông Nodeul) còn nhạc sĩ Mun Ho-wol thì sáng tác nhạc. Ít lâu sau, khúc hát Nodeulgangbyeon (Bờ sông Nodeul) đã được ca sĩ Park Bu-yong hát, ghi âm và phát hành đĩa nhạc, sau này người đời biết đến là khúc dân ca tỉnh Gyeonggi. Trên thực tế, phải nói ca khúc Nodeulgangbyeon (Bờ sông Nodeul) thuộc thể loại âm nhạc đại chúng, song do được nhiều người ưa thích và ai cũng có thể dễ dàng hát theo, nên mãi về sau, khúc hát này mới được coi là dân ca Minyo. Trong số các làn điệu dân ca Minyo được biết tới rộng rãi ở Hàn Quốc ngày nay, còn có khá nhiều nhạc phẩm được sáng tác trong thời kỳ bán đảo Hàn Quốc bị thực dân Nhật chiếm đóng hoặc sau đó. Những giai điệu dân ca này được gọi là Sinminyo, tức “dân ca mới”. Ví như giai điệu dân ca Taepyeongga (Thái bình ca) của tỉnh Gyeonggi. Đây vốn là khúc hát do một thành viên thổi sáo flute của đội quân nhạc thời đế quốc Nhật là Jung Sa-in sáng tác dưới tên gọi Taepyeongyeon (Thái bình yến). Năm 1935, khúc hát Taepyeongyeon (Thái bình yến) đã được một ca sĩ nổi tiếng lúc đương thời hát. Cô là Seonwoo Il-seon, người có xuất thân từ một kỹ nữ. Khúc hát được sáng tác dựa theo nhạc làn điệu dân ca Changbutaryeong nhưng lại được đệm bằng nhạc cụ phương Tây, tạo cảm giác như một điệu valse. Trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), khi lánh nạn ở thành phố Daegu, danh ca Lee Eun-ju đã hát ca khúc này trên khuôn nhạc Gutgeori với phần lời được biến tấu phù hợp với tâm trạng của những người phải chạy nạn do chiến tranh cùng nỗi đau mất người thân. Khúc hát có đoạn:

Bực bội làm chi, cáu gắt làm gì

Sự đời đã lắm thê lương

Cứ vui sống cho thỏa nguyện đời


Ca từ của khúc hát như phần nào làm vơi bớt và nguôi ngoai tâm trạng cho người nghe nên rất được mến mộ. Sau này, ca khúc Taepyeongga (Thái bình ca) đã trở thành khúc hát tiêu biểu của danh ca Lee Eun-ju. 

Trong dòng dân ca mới Sinminyo của tỉnh Gyeonggi, có khá nhiều làn điệu được sáng tác từ thời bán đảo Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng. 


Dân ca Sinminyo của Hàn Quốc sau thời kỳ giải phóng khỏi ách đô hộ của Nhật Bản

Dòng dân ca mới Sinminyo của vùng Namdo (tức tỉnh Nam Jeolla) lại là những làn điệu được sáng tác sau khi Hàn Quốc được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật, cùng với sự nổi tiếng của đoàn ca kịch nữ Yeoseonggukgeuk. Tới tận cuối thời bán đảo Hàn Quốc bị Nhật Bản đô hộ, các đoàn ca kịch đa phần đều là diễn viên nam, họ nắm quyền chủ đạo và đi lưu diễn khắp cả nước. Các vai diễn nữ rất hạn hẹp và phải chịu nhiều thiệt thòi. Trước tình cảnh này, sau giải phóng, một số giọng ca nữ đã đứng ra thành lập đoàn ca kịch nữ Yeoseonggukgeuk. Vượt ra ngoài khuôn khổ biểu diễn truyền thống của các đoàn ca kịch là xoay quanh 5 trường ca hát kể chuyện Pansori, đoàn ca kịch nữ Yeoseonggukgeuk đã sáng tác và biểu diễn nhiều tiết mục mới dựa trên các cốt truyện xưa của dân tộc Hàn. Những nỗ lực này của đoàn ca kịch nữ Yeoseonggukgeuk đã thu hút được sự yêu mến của đông đảo khán thính giả và các sáng tác mới của họ cũng mau chóng nổi tiếng trên cả nước. Trong dòng dân ca mới Sinminyo của tỉnh Jeolla, có thể kể tới khúc dân ca “Dongbaek Taryeong” (Bài ca hoa sơn trà) do danh ca Jo Yeong-suk viết lời khi bà ở độ tuổi 20, và được danh nhân Han Il-seop phổ nhạc. Danh nhân Han Il-seop là nghệ nhân đàn tranh Ajaeng và kèn bầu Hojeok, người có đóng góp đáng kể trong hoạt động sáng tác dân ca mới Sinminyo. Còn Jo Yeong-suk được bình chọn là nghệ nhân sở hữu nghệ thuật múa rối chân Baltal ở Hàn Quốc. 


* Khúc dân ca Nodeulgangbyeon (Bờ sông Nodeul) / Jeon Yeong-nang, nhóm nhạc Jazz Prelude

* Khúc hát Taepyeongga (Thái bình ca) / Kim Yong-wu 

* Khúc dân ca “Dongbaek Taryeong” (Bài ca hoa sơn trà) / Kim Su-yeon

Lựa chọn của ban biên tập