Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Những câu chuyện về đàn tranh 6 dây Geomungo và đàn tranh Yanggeum ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-06-02

Âm điệu ngàn xưa

Những câu chuyện về đàn tranh 6 dây Geomungo và đàn tranh Yanggeum ở Hàn Quốc

Câu chuyện về đàn tranh 6 dây Geomungo ở Hàn Quốc

Sejo (Thế Tổ; 1417-1468) là con trai của vua Sejong (Thế Tông) và là vị vua thứ VII của triều đại Joseon (thế kỷ XIV đến XIX). Vua Sejo (Thế Tổ) được biết tới là một vị vua anh minh với những thành tựu lớn lao để lại cho đời sau. Tuy nhiên, ông còn được người đời biết đến là một người chú đã sát hại và cướp ngôi báu của cháu trai là vua Danjong (Đoan Tông), con trai của vua Munjong (Văn Tông), anh trai của mình. Thời đó, 6 trung thần trung thành với vua Danjong cũng bị khép vào tội chết và họ được gọi là “Sayuksin” (Tử lục thần). Trong số này có một người tên là Pak Paeng-nyeon và một người tên là Seong Sam-mun. Truyền rằng, trong khuôn viên nhà ở của hai vị trung thần này đều có cây thông do đích thân hai vị tự trồng. Khi chủ nhân bị khép tội phản nghịch và bị xử trảm, muôn vàn tai bay vạ gió bỗng đổ ập xuống gia thất của hai vị trung thần làm tan cửa nát nhà. Mặc dù vậy, hai cây thông thì vẫn trường tồn và xanh tốt vô cùng. 300 năm sau, khi vua Danjong (Đoan Tông) được phục hồi ngôi vị, các trung thần được minh oan và phục chức thì những cây thông này mới gục chết như đã thực hiện hết bổn phận của mình. Quan văn Seong Dae-jung dưới thời vua Yeongjo (Anh Tổ; vị vua thứ XXI của triều đại Joseon) trong thế kỷ thứ XIX đã chứng kiến thời khắc đó của hai cây thông này. Quan văn Seong Dae-jung đã lấy gỗ từ hai cây thông để chế tác thành cây đàn tranh 6 dây Geomungo và đặt tên là Ssangjeolgeum, âm Hán là “Song tiết cầm” để tưởng nhớ nghĩa khí của hai vị trung thần Pak Paeng-nyeon và Seong Sam-mun. Âm thanh của cây đàn tranh Song tiết cầm trong mà chắc giống như khí khái thanh tao của hai vị trung thần. Từ xa xưa, ở Hàn Quốc, người ta cho rằng cây đàn tranh 6 dây Geomungo là loại nhạc cụ thấm đượm khí phách của các học giả. 

So với các loại đàn huyền cầm khác, dây đàn tranh 6 dây Geomungo khá dày. Người tấu đàn tranh 6 dây Geomungo không gẩy đàn bằng ngón tay mà dùng que gẩy Suldae bằng tre, giáng mạnh xuống dây đàn để tạo âm thanh. Âm sắc thô chính là yếu tố đặc trưng của âm nhạc Geomungo. Cũng vì thế mà đàn tranh Geomungo được coi là nhạc cụ đại diện cho tiết hạnh và khí phách của người học giả. Xưa kia ở Hàn Quốc, cho dù có không giỏi tấu đàn thì các học giả cũng có thể đàm luận về âm nhạc và ảnh hưởng của âm nhạc tới đời sống tinh thần của con người. Và tất nhiên trong số này có các sĩ tử có thể tự chế tác nhạc cụ, sáng tác nhạc và cách diễn tấu âm nhạc. Ví như văn sĩ Yun Seon-do hiệu Gosan (Cô Sơn), tác giả của áng thơ Ouga (Ngũ hữu ca) và tuyển tập thơ Eobusasisa (Ngư phủ tứ thời từ). Truyền rằng, văn sĩ Yun Seon-do vốn là người thích tấu đàn tranh 6 dây Geomungo. Một hôm, ông bất ngờ nhặt được một cây đàn 12 dây Gayageum cũ kỹ ở nơi ẩm thấp, mưa dột và đầy khói bụi. Ngựa đàn cũng mất tới hơn một nửa và tình trạng của cây đàn vô cùng tồi tệ. Nhưng tiếng đàn thì hết sức tuyệt vời, khiến văn sĩ Yun Seon-do ngẫu hứng sáng tác và tấu ngay tại chỗ một nhạc phẩm. Tới giờ phần âm nhạc của nhạc phẩm này không còn được lưu truyền nữa nhưng phần ca từ thì vẫn được lưu bút. 

Đàn Gayageum đây, mà người xưa không thấy

Bụi phủ dày có lẽ đã vài năm

Tấu thử vài ngón đàn âm thanh cao vút

Chắc như đá, đanh như sắt, rung động cỏ cây sông suối

Ý nghĩa này phải gửi tới ai đây

Giờ thì đã biết

Vì sao Đào Uyên Minh để lại đàn thiếu dây và ngựa


Câu chuyện về cây đàn tranh Yanggeum đầu tiên ở Hàn Quốc

Hong Dae-yong, hiệu Damhyeon (Trạm Hiên), là một học giả nổi tiếng sống dưới thời hậu Joseon ở Hàn Quốc. Ông có tài năng thiên phú về âm nhạc. Chuyện kể rằng, khi tới một nhà thờ Công giáo ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và được nghe giới thiệu về cây đàn Đại phong cầm Pipe Organ, Hong Dae-yong đã quan sát rất kỹ cây đàn này rồi so sánh hình thức và nguyên lý của nó với chiếc khèn bầu Saenghwang của Hàn Quốc. Là một nhà khoa học lại có kiến thức uyên thâm về âm nhạc, ông khẳng định nếu được triều đình hỗ trợ tài chính thì ông cũng có thể chế tác được cây đàn này. Đàn tranh Yanggeum có nguồn gốc từ đàn huyền cầm truyền thống Dulcimer của châu Âu, được các học giả dưới thời hậu Joseon mang về nước nhân dịp đi sứ sang Trung Quốc. Yanggeum có dây đàn được làm bằng kim loại nên còn được gọi là Guracheolsageum (Âu la thiết ty cầm). Nhờ có những dòng ghi chép của văn hào Park Ji-won, hiệu Yeonam (Yên Nham), mà ngày nay chúng ta biết được học giả Hong Dae-yong chính là người sáng tác ra lối chơi đàn tranh Yanggeum. Bút ký có đoạn: “Ở nước ta, Hong Dae-yong là người đầu tiên diễn tấu âm nhạc bằng đàn tranh Yanggeum. Đó là ngày 18 tháng 6 năm 1772. Tôi không thể quên được hình ảnh ông ngồi tấu đàn suốt hai tiếng đồng hồ từ 5 giờ đến 7 giờ chiều ở phòng sách cũng mang tên hiệu ông là Trạm Hiên. Cho dù đó chỉ là một màn trình diễn nho nhỏ, nhưng tôi nhớ tới từng chi tiết vì nó đánh dấu giai đoạn sơ khai của nghệ thuật đàn tranh Yanggeum ở Joseon.”

Sau này, trong dòng âm nhạc phong lưu Pungryu, đàn tranh Yanggeum đã trở thành nhạc cụ chuyên để diễn tấu phần âm nhạc có nhịp điệu nhẹ nhàng thanh thoát. Giờ đây, Yanggeum còn thường xuyên được diễn tấu trong âm nhạc sáng tác mới. 


* Trích đoạn Sangryeongsan (Thượng linh sơn) trong nhạc phẩm Yeongsanghoesang (Linh sơn hội tương) / Park Yeong-seung (đàn tranh 6 dây Geomungo), Lee Seung-heon (sáo trúc dọc Piri)

* Giai điệu Jajinmori thuộc thể loại Gayageum Sanjo dòng Choi Ok-sam /  Kim Il-ryun (đàn tranh 12 dây Gayageum)

* Nhạc phẩm “Aeryeon” (Ái luyến) / Jeon Myeong-seon (đàn tranh Yanggeum)

Lựa chọn của ban biên tập