Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Quan niệm về Mặt trời của người Hàn Quốc xưa kia

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-06-16

Âm điệu ngàn xưa

ⓒ NATIONAL GUGAK CENTER

Hình ảnh Mặt trời được khắc họa trong trường ca hát kể chuyện Pansori

Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Sugungga (Thủy cung ca), ba ba Byeoljubu lần đầu tiên ra khỏi thủy cung, lên trần gian để bắt thỏ về làm thuốc cứu Long Vương. Nó ngoi lên mặt nước đúng vào lúc xóm chài ven biển bừng tỉnh giấc đón những tia nắng Mặt trời chói lọi trong buổi sớm tinh mơ. Có lẽ cảm nhận đầu tiên về trần gian của ba ba Byeoljubu chẳng khác nào cảm nhận của con người khi bay vào vũ trụ. Cảm nhận này đã được người xưa ở Hàn Quốc ghi lại qua khúc hát Gogocheonbyeon (Cao cao thiên biên). Khúc hát được mở đầu bằng câu:

Vầng thái dương đang lơ lửng trên ngọn cây Phù Tang

Sương mù bồng bềnh trong đầm Dương Cốc trên đỉnh núi Nguyệt Phong


Ở đây, “Phù Tang” là tên gọi cây thần, nơi Mặt trời mọc ở Đông Hải trong truyền thuyết của Trung Quốc. Người xưa cho rằng, Mặt trời mọc đằng Đông, lặn đằng Tây và có 12 Mặt trời lần lượt mọc trên ngọn cây Phù Tang. Khi lặn, Mặt trời sẽ sà xuống tắm dưới đầm Dương Cốc ở đằng Tây. Có lẽ, từ xa xưa, con người đã nhận thức được tầm quan trọng của Mặt trời nhưng không lý giải được nguyên lý vận hành nên mới có câu chuyện truyền thuyết này. 


Lần đầu tiên trong đời ra khỏi thủy cung lên trần gian, đối với ba ba Byeoljubu, từ đám mây bay lơ lửng trên ngọn núi tới tiếng chó sủa, điều gì cũng mới lạ. Lúc trấn tĩnh lại, trên đường vào rừng tìm thỏ, ba ba Byeoljubu lại ngỡ ngàng với tiến g thác nước đổ ầm ầm và tiếng hót líu lo của muôn loài chim trong bụi cây rừng rậm rạp. Những cảm nhận này của ba ba Byeoljubu đã được khắc họa rõ nét trong nhạc phẩm Gogocheonbyeon (Cao cao thiên biên). Nhạc phẩm này có ca từ mỹ miều và nhịp điệu nhẹ nhàng, êm ả nên còn được hát như một tạp ca, trình bày theo lối vừa hát vừa tấu đàn tranh 12 dây Gayageum “Gayageum Byeongchang”. 

Nếu như cảnh Mặt trời mọc được miêu tả đẹp là vậy trong trường ca hát kể chuyện Pansori Sugungga (Thủy cung ca), thì trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca), lại có người những mong vầng ánh dương chói lọi này sớm lặn. Chuyện kể rằng vào một ngày đẹp trời, khi công tử Lý Mộng Long lên lầu Gwanghan (Quảng Hàn) thì bất chợt nhìn thấy từ xa bóng dáng nàng Xuân Hương đang chơi đánh đu. Phải lòng Xuân Hương ngay từ cái nhìn đầu tiên, công tử Lý Mộng Long đã vô cùng bồi hồi khi được Xuân Hương đồng ý cho tới nhà chơi. Lý Mộng Long đã phải chờ đến khi trời tối mịt mới dám tìm đến nhà Xuân Hương. Buổi hẹn hò đầu tiên khiến công tử Lý Mộng Long sốt ruột đứng ngồi không yên. Từ sáng sớm, thay vì đọc sách, công tử Lý Mộng Long chỉ mong ngóng xem là khi nào Mặt trời mới lặn. Chốc chốc, chàng lại sai người hầu Bangja ra ngoài ngóng xem Mặt trời đã di chuyển tới đâu. Lý Mộng Long than thở rằng “Những hôm đọc sách, uống rượu hay ăn uống linh đình thì ngày thật là ngắn, cớ sao hôm nay ngày lại dài đằng đẵng thế này!”. Có lẽ đây là tâm trạng chung của những chàng thanh niên vừa mới biết yêu ở cái tuổi 16 như công tử Lý Mộng Long. 


Hình ảnh Mặt trời được khắc họa trong âm nhạc cung đình ở Hàn Quốc

Boheoja (Bộ hư tử) là một nhạc phẩm được lưu truyền vào Hàn Quốc dưới thời Goryeo (thế kỷ X-XIV) từ nhà Tống Trung Quốc. Ngay từ lúc đầu, nhạc phẩm này đã có cả phần ca từ và phần âm nhạc. Theo dòng chảy của thời gian, phần âm nhạc của nhạc phẩm vẫn được kế thừa và lưu truyền cho tới nay nhưng phần ca từ đã bị quên lãng. Gần đây, giới chuyên gia âm nhạc truyền thống Hàn Quốc đã tiến hành phục dựng và trình diễn phần ca từ của nhạc phẩm. Tên của nhạc phẩm Boheoja có ý nghĩa là “vén màn hư vô”. Người đời phỏng đoán rằng đây là nhạc phẩm mang tư tưởng Đạo giáo do lời ca được mở đầu với câu “Thiên môn hải nhật tiên hồng”, tức “Khi cửa trời vừa mở, biển đã vội đỏ au”. Đây là nhạc phẩm cầu nguyện cho sự thái bình thịnh vượng của quốc gia trong không khí yến tiệc rượu mừng náo nức chốn cung đình. 


* Nhạc phẩm Gogocheonbyeon (Cao cao thiên biên) / Kim Il-ryun (vừa hát vừa tấu đàn tranh 12 dây Gayageum), nhóm đàn tranh Gayageum Sukmyeong (hòa tấu âm nhạc)

* Trích đoạn Haesosik (Ngóng Mặt trời) trong trường ca hát kể chuyện Pansori “Xuân Hương ca” / Oh Jeong-suk 

* Nhạc phẩm Boheoja (Bộ hư tử) / dàn chính nhạc Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc

Lựa chọn của ban biên tập