Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Vài nét về nghệ thuật hát hài kịch Jaedamsori ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-06-23

Âm điệu ngàn xưa


Danh ca Park Chun-jae và dòng nghệ thuật hát hài kịch Jaedamsori

Dẫn: Thưa quý vị thưa các bạn, danh ca Park Chun-jae sinh ra và lớn lên ở Seoul thời điểm đầu những năm 1880. Tuy được học Hán tự từ khi còn nhỏ, nhưng do đam mê câu ca tiếng hát, ông đã theo học dân ca tỉnh Gyeonggi từ các nghệ sĩ lúc bấy giờ. Năm 15 tuổi, Park Chun-jae đã trở thành ca sĩ cung đình với chức vị Gamubyeolgam (Ca vũ biệt giám). Thời đó, Byeolgam (biệt giám) là chức quan chuyên tổ chức các sự kiện trong cung đình. Gamubyeolgam là người ca múa cho vua và thái tử trong lúc họ nghỉ ngơi, hay người quản lý nhạc công hoặc kỹ nữ. Tương truyền rằng, danh ca Park Chun-jae thường hát để dỗ dành vua Yeongchin (Anh Thân), con trai của vua Gojong (Cao Tông), lúc nhỏ. Không chỉ là danh ca chuyên hát dân ca tỉnh Gyeonggi, Park Chun-jae còn nổi tiếng trong lĩnh vực hài kịch Jaedam. Hài kịch Jaedam thường được biểu diễn trên sân khấu hát kể chuyện Pansori hoặc múa mặt nạ Talchum. Hát hay, giỏi kể chuyện lại có khiếu khôi hài, danh ca Park Chun-jae đã tạo dựng mới dòng nghệ thuật hát hài kịch Jaedamsori và được đông đảo khán thính giả hâm mộ. Gaeneokduri (Chó nhập hồn người) là một trong những khúc hát hài kịch Jaedam mà danh ca Park Chun-jae để lại cho đời. Ở Hàn Quốc, trên chiếu lên đồng, người chết thường nhập hồn vào ông đồng, bà đồng để giãi bày với người thân và gia đình. Trong nhạc phẩm Gaeneokduri của Park Chun-jae, hồn chó nhập vào bà đồng, mượn bà đồng để than phiền về cuộc sống đầy oai oán của mình. 

Thời nay, chó là loài thú cưng được con người yêu chiều, còn xưa kia chúng chỉ loài vật được nuôi ngoài sân để giữ nhà và cũng chỉ được ăn cơm thừa canh cặn. Người Hàn Quốc có phong tục bắt chó nhịn ăn vào ngày Rằm tháng Giêng. Và trớ trêu thay, hồn chó lại nhập vào bà đồng trên chiếu đồng cúng tế thần thánh và tổ tiên của con người để than thở. Chi tiết hóm hỉnh này được đưa vào đã làm tăng thêm tính hài hước cho vở diễn. Báo chí lúc đương thời viết về danh ca Park Chun-jae rằng: “Ông nổi tiếng tới mức chỉ mới đứng trên sân khấu cúi chào thôi đã làm khán thính giả ôm bụng cười nắc nẻ”. Trong dòng dân ca của vùng Seodo (nay thuộc tỉnh Pyeongan và Hwanghae, Bắc Triều Tiên) có khúc hát Gaetaryeong (Lời dặn chó), nhưng đây lại là khúc hát về tình yêu đôi lứa. Ca từ mở đầu cho khúc hát là lời nhắn nhủ chó chớ sủa ban đêm khi nhìn thấy người. Tránh ánh mắt người đời soi mói, người thiếu nữ lén gặp người thương vào ban đêm nhưng lại lo bị chó đuổi. Thấy đàn gà chạy chơi dưới gốc anh đào, người vợ những muốn để dành nấu món tẩm bổ cho chồng thì lại bị lũ diều hâu sà xuống bắt hết chỉ còn sót lại mỗi một con. Nhưng cả con gà cuối cùng cũng bị mẹ chồng lén bắt đem đi kho. 


Nghệ thuật hát hài kịch Jaedamsori trong âm nhạc hát kể chuyện Pansori

Trong thời kỳ Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng, kể chuyện trào phúng Mandam được nhiều khán thính giả mến mộ. Từ Mandam vốn xuất xứ từ Nhật Bản, nhưng dòng nghệ thuật này trên bán đảo Hàn Quốc phát triển theo hướng chịu ảnh hưởng sâu sắc của hài kịch Jaedam truyền thống, và được kế tục thành nền tảng cơ bản của hình thức nghệ thuật hài kịch ngày nay. Nói về cội nguồn của dòng nghệ thuật hài kịch Jaedam, chúng ta không thể không nhắc tới dòng nghệ thuật hát kể chuyện Pansori. Trong số này có thể kể đến danh ca Park Dong-jin, một nhân vật nổi tiếng ở thể loại hát hài kịch Jaedamsori trong Pansori. Trích đoạn Hwachojang (Tủ chạm khắc hoa cỏ) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) tả cảnh người anh tham lam Nolbo tìm đến nhà người em Heungbo khi người em đã trở nên giàu có và cố xin về chiếc tủ chạm khắc hoa cỏ nhưng cuối cùng lại không nhớ nổi tên gọi của chiếc tủ. Còn “Jebihurireo Ganeun Daemok” (Đi đuổi bắt chim én) là trích đoạn Nolbo đi đuổi bắt chim én giữa mùa đông sau khi nghe được tin người em Heungbo trở nên giàu có nhờ chữa lành chân cho chim én. 


* Nhạc phẩm Gaeneokduri (Chó nhập hồn người) của danh ca Park Chun-jae / Jeon Byeong-hun

* Giai điệu dân ca Gaetaryeong (Lời dặn chó) của vùng Seodo / Oh Bok-nyeo, Shin Jeong-ae và Yoo Ji-suk 

* Trích đoạn Hwachojang (Tủ chạm khắc hoa cỏ) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) / Park Dong-jin 

Lựa chọn của ban biên tập