Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Thưởng trà - nét văn hóa truyền thống tao nhã của người Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-06-30

Âm điệu ngàn xưa

Thưởng trà - nét văn hóa truyền thống tao nhã của người Hàn Quốc

Tình bằng hữu và câu chuyện chén trà

Dưới thời Joseon (thế kỷ XIV đến XIX) ở Hàn Quốc, có một nhà thư pháp nổi tiếng tên là Kim Jeong-hee, hiệu Chusa (Thu Sử). Ông còn nổi tiếng là người đam mê thú vui thưởng trà. Vào thời hậu Joseon, văn hóa trà đạo phát triển khá phổ biến trên bán đảo Hàn Quốc. Khi đó, nhà thư pháp Kim Jeong-hee thường thư từ giao lưu với người bạn đồng trang lứa là thiện sư Choeui. Trong đó có một bức thư với nội dung rằng: “Ở đây tiết trời giá lạnh đến mức có thể đóng băng mực trong nghiên và rượu. Đã có lần thiền sư hứa gửi trà cớ sao tới giờ vẫn biệt vô âm tín. Rất mong nỗi niềm này được gửi tới thiền sư, mùa xuân tới này, dù bất cứ giá nào cũng phải nhớ nhờ người mang trà cho tôi nhé. Trà mới hái sao nỡ một mình nhâm nhi ở nơi nước khe cùng gió thổi vần cây thông, thiền sư không thấy nhớ người bằng hữu phương xa này sao? Chắc đáng đòn 30 roi quá đi đấy.”


Có vẻ bức thư được viết trong mùa đông giá rét. Lúc Kim Jeong-hee viết thư pháp, tay lạnh cóng nên thèm một hớp trà nóng mà bình trà thì đã vơi cạn nên sốt ruột viết thư cho bạn đòi gửi trà. Thư gửi bạn thân của Kim Jeong-hee nếu theo giọng văn thời nay thì chắc sẽ là “Trà mới ngon mà uống một mình à? Cậu có muốn ăn đòn không đấy”. Khi gửi trà cho bạn hiền, chắc thiện sư Choeui cũng không kìm nén được nụ cười. 


Trà trong thi ca, sử sách và đời sống thường nhật của người dân Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, vốn dĩ nhạc phẩm Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương) có thể được hòa tấu bằng các nhạc cụ như đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn nhị Haegeum, sáo trúc dọc Piri và sáo trúc ngang lớn Daegeum. Nhưng nhạc cụ chính vẫn là đàn tranh 6 dây Geomungo, nên nhạc phẩm này còn được gọi là Geomungohoesang (Geomungo hội tương). “Linh sơn hội tương” là tập hợp của 9 bản nhạc, trong số này Hahyeondodeuri là bản nhạc thể hiện được rõ nhất những nét ưu việt của đàn tranh 6 dây Geomungo. Trong thời kỳ đầu của triều đại Joseon ở Hàn Quốc, quan văn Seong Hyeon là người nổi tiếng đam mê tấu đàn tranh 6 dây và thưởng trà. Vào một ngày xuân, quan văn Seong Hyeon đã sáng tác một áng thơ rằng:

Bỏ nhúm trà vào bình nước đun sôi reo tí tách

Tay chống cằm quên bẵng ngủ thiu thiu

Tiếng chim ríu rít giật mình bừng tỉnh giấc

Bóng hoa mận ngập tràn ngay trước mắt


Những tưởng nhâm nhi tách trà cho tỉnh táo khi đọc sách, nhưng dưới vạt nắng xuân ấm áp và hương xuân ngào ngạt, người làm thơ chìm vào giấc ngủ, để rồi ngàn hoa ùa vào ngập tràn trong ánh mắt khi bừng tỉnh. 


“Barameui Jeongwon” (Khu vườn của gió) phối lại Sangryeongsan(Thượng linh sơn) là bản nhạc đầu tiên trong nhạc phẩm Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương) được ghi âm cùng tiếng nước chảy và tiếng chuông gió trong chùa. Thi thoảng âm thanh của thiên nhiên đan xen vào bản nhạc làm cho người nghe có cảm giác như đang ngồi ở một ngôi chùa trên núi. 


Người Hàn Quốc ngày nay nói câu “uống trà” thì đồng nghĩa với uống cà phê, trà quýt Yuja, trà gừng, trà lúa mạch. Nhưng xưa kia, ý nghĩa của từ “trà” trong văn hóa Hàn Quốc là “trà xanh”, tức trà làm từ búp cây trà xanh được đem sao lên. Tương truyền, trà ngon là trà được sao 9 lượt. Pha trà xanh bằng nước đủ nóng, nước trà sẽ có màu xanh vàng. Ngoài ra còn có các loại trà lên men như hồng trà hay trà phổ nhĩ. Trà thuốc là trà được phối lá chè với các loại dược thảo khác. Thiền sư Choeui đã đề cập tới trà và văn hóa trà của Hàn Quốc trong cuốn sách Dongdasong (Đông trà tụng). Cuốn sách có đoạn: 

Uống một mình thấy kỳ ảo

Thêm một hai vị khách quả là vui

Ba bốn người cùng say hương trà với phong cảnh tao nhã

Năm sáu người thì nhạt nhẽo

Bảy tám người cùng chia chén trà thơm thưởng thức


Theo đó, ngồi thưởng trà một mình là hơn cả, và sẽ tuyệt biết bao nếu như có thêm vài khúc nhạc du dương nữa. 


* Nhạc phẩm Hahyeondodeuri và Yeombuldodeuri / Lee Se-hwan (đàn tranh 6 dây Geomungo)

* Nhạc phẩm “Barameui Jeongwon” (Khu vườn của gió) / Kim Gyeong-ah (sáo trúc dọc Piri)

* Nhạc phẩm Gyeongpungnyeon (Mừng năm bội thu) / Shin Joo-hee (sáo trúc ngang lớn Daegeum)

Lựa chọn của ban biên tập