Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nhạc cụ gõ trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-07-28

Âm điệu ngàn xưa

Nhạc cụ gõ trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

hạc cụ gõ trong Jongmyojeryeak

Có lẽ nhạc cụ gõ là nhạc cụ đầu tiên của nhân loại. Giờ đây, nhạc cụ của các bộ tộc nguyên thủy sống tách biệt với thế giới hiện đại đa phần đều là nhạc cụ gõ. Nhạc cụ gõ có thể làm bằng đá hoặc cây hay các vật dụng có thể tạo âm thanh khi gõ vào. Thuở sơ khai, chúng được sử dụng để báo hiệu khi săn bắn hoặc ngăn ngừa, xua đuổi thú dữ. Dần dà, nhạc cụ gõ được sử dụng trong các lễ tế thần linh nhằm truyền đạt nguyện ước của con người lên tới tận trời xanh. 

Jongmyojeryeak (Nhạc tế lễ Tông Miếu) là âm nhạc được tấu trong những dịp cúng tế các bậc Tiên Đế và Hoàng Hậu. Nhạc tế lễ Tông Miếu gồm 11 bản “Botaepyeong” (Bảo thái bình) ca ngợi văn đức, 11 bản “Jeongdaeeop” (Định đại nghiệp) ca ngợi võ đức của các vị tiên vương. Jongmyojerye (Nghi lễ cúng tế tại Tông Miếu) là một sự kiện quan trọng của quốc gia nên hình thức âm nhạc được diễn tấu cũng uy nghiêm và khắt khe hơn, các loại nhạc cụ được sử dụng cũng vô cùng độc đáo, đặc biệt là các loại nhạc cụ gõ. Xưa kia, ở Hàn Quốc, trên trận mạc, tiếng trống Buk là tín hiệu tiến quân và tiếng chiêng Jing là tín hiệu lui quân. Khi diễn tấu âm nhạc Jeongdaeeop (Định đại nghiệp) để ca ngợi chiến công điều binh khiển tướng của các vị Tiên Đế, sau tín hiệu của tiếng gõ vào quả bầu khô Bak, 10 tiếng trống cái Jingo sẽ được gióng vang lên, rồi đến các nhạc cụ khác sẽ bắt đầu diễn tấu, và kết thúc là 10 tiếng chiêng Jing. Giữa phần diễn tấu, người nghe sẽ thấy tiếng kèn bầu Taepyeongso, đây là âm thanh có tác dụng làm tăng cao nhuệ khí chiến đấu của binh sĩ. 


Hàn Quốc là quốc gia trọng “Văn đức” hơn “Võ nghiệp” nên khi diễn tấu Jongmyojeryeak (Nhạc tế lễ Tông Miếu), nhạc phẩm “Botaepyeong” (Bảo thái bình) được tấu trước nhạc phẩm “Jeongdaeeop” (Định đại nghiệp). “Bảo thái bình” được khởi tấu bằng Chuk, một loại nhạc cụ gõ hình hộp vuông có chày gõ Bangagong; và được kết thúc bằng Eo, một loại nhạc cụ gõ hình hổ, có gai sống lưng và que gõ Chae bằng tre phía đầu được chẻ thành nhiều nan nhỏ. Khi chơi nhạc cụ gõ hình hổ Eo, nhạc công dùng que gõ Chae gõ vào đầu hổ rồi cọ vào lớp gai trên sống lưng hổ để tạo âm thanh. Chuk là nhạc cụ tượng trưng cho “Mặt trời mọc đằng Đông” nên được sơn màu xanh và đặt ở phía Đông, còn Eo tượng trưng cho “Mặt trời lặn đằng Tây” nên được sơn màu trắng và đặt ở phía Tây. Qua đây, phần nào chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa, vị trí bài bố và chức năng của một số loại nhạc cụ gõ độc đáo của Hàn Quốc. 


Nhạc cụ gõ trong âm nhạc hát kể chuyện Pansori và múa hát lên đồng Gut

Trong nghệ thuật hát kể chuyện Pansori của Hàn Quốc, người nghệ sĩ một mình kể một câu chuyện dài theo lối hát dựa trên khuôn nhịp của tiếng trống Buk cũng do duy nhất một nghệ sĩ gõ. Thế nên giới nghệ thuật hát kể chuyện Pansori thường gọi cặp nghệ sĩ này là “Ilgosu Imyeongchang”, tức là “nhất trống, nhì danh ca”. Điều này cũng mang hàm ý rằng người nghệ sĩ đánh trống Buk có giỏi thì người ca sĩ mới thể hiện được tốt khúc hát của mình. Không chỉ đánh trống giữ nhịp cho người hát, nghệ sĩ trống Buk còn truyền hứng khởi và động lực cho người hát bằng những câu cảm thán Chuimsae như “Đúng rồi!”, “Hay lắm!”, “Tuyệt vời!” giữa các nhịp phách của khúc hát, cũng như tạo dựng bầu không khí cho buổi diễn hát kể chuyện Pansori. 


Ở các làng duyên hải phía Đông dãy núi Taebaek (Thái Bạch) từ vùng Goseong (tỉnh Gangwon) đến tận thành phố Busan của Hàn Quốc có nghi thức cúng tế lên đồng vùng duyên hải biển Đông Hàn Quốc Donghaean Byeolsingut. Họ mời các vị thánh thần tới, dâng lên các vị thánh thần đủ loại sơn hào hải vị và những câu hát điệu múa để khẩn cầu các vị thần linh giúp cho mọi ý nguyện của họ trở thành hiện thực. Thế nên các ông đồng bà đồng ngoài lòng thành khẩn, họ còn phải có tài múa hát. Trên chiếu đồng không thể thiếu các nhạc công phụ họa âm nhạc cho các khúc hát và điệu múa lên đồng. Đa phần các nhạc gia chơi nhạc cho chiếu đồng là những người xuất thân trong các gia đình có nghề lên đồng truyền thống. Âm nhạc lên đồng ở Hàn Quốc đã có từ xa xưa và tính nghệ thuật của dòng âm nhạc này được hoàn thiện dần trong suốt thời gian kế tục và phát triển. Đặc biệt là trong dòng âm nhạc lên đồng ở vùng duyên hải biển Đông Hàn Quốc, nhạc cụ gõ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. 

Trong thể loại âm nhạc múa hát lên đồng vùng duyên hải biển Đông Hàn Quốc Donghaean Byeolsingut, có khúc hát Cheongbo (Thỉnh báo) được đổi tên từ từ Cheongbae (Thỉnh bồi), mang ý nghĩa mời gọi các vị thánh thần. Nhạc phẩm Cheongbo (Thỉnh báo) có nhịp ba phách và nhịp hai phách xem kẽ nhau khá phức tạp, bên cạnh đó còn có tiếng chiêng Jing với nhịp điệu và âm sắc khác nhau, hòa cùng với tiếng trống phong yêu Janggu, tạo cho người nghe có cảm giác như thực sự được gặp các vị thần linh. 


* Trích đoạn Somu (Chiêu vũ), Dokgyeong (Đốc khánh) và Yeonggwan (Linh quan) trong nhạc phẩm Jeongdaeeop (Định đại nghiệp) của âm nhạc Jongmyojeryeak (Nhạc tế lễ Tông Miếu) / dàn chính nhạc Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc 

* Trích đoạn “Nàng Xuân Hương tự than thân trách phận sau khi tiễn công tử Lý Mộng Long lên kinh thành” trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca) / Choi Seung-hee (hát), Kim Myeong-hwan (trống Buk)

* Khúc hát Cheongbo (Thỉnh báo) trong thể loại âm nhạc múa hát lên đồng vùng duyên hải biển Đông Hàn Quốc Donghaean Byeolsingut / Seo Han-na (hát), Jo Jong-hun và nhóm nhạc công phụ họa âm nhạc

Lựa chọn của ban biên tập