Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Âm nhạc truyền thống đồng hành với hỷ nộ ái lạc của người dân Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-08-25

Âm điệu ngàn xưa


Âm nhạc truyền thống kể chuyện dã sử

“Hán triều” hay còn gọi là “nhà Hán” là một quốc gia cổ đại ở Trung Quốc lục địa. Triều đại nhà Hán kéo dài khoảng 400 năm, từ năm 206 trước Công nguyên tới năm 220 sau Công nguyên, và là quốc gia đã tạo nên nền tảng văn hóa của Trung Quốc ngày nay. Một triều đại hùng mạnh như vậy không thể bị hủy diệt được trong sớm một chiều. Tình trạng tham nhũng trong triều đình nhà Hán ngày càng trầm trọng, cuộc sống của bách tính rơi vào vực thẳm khốn cùng đã dẫn tới bùng nổ các cuộc khởi nghĩa nông dân. Khắp mọi nơi trên cả nước chiêu mộ anh hùng để trấn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân nhưng các anh hùng này chỉ lo tranh giành quyền lực chứ hoàn toàn không màng tới việc trấn áp sự nổi dậy của người dân, khiến đất nước bị phân tranh, triều đình bị suy vong. Bộ tiểu thuyết lịch sử Tam quốc diễn nghĩa (Tam quốc chí) do nhà văn La Quán Trung viết đã mô tả sinh động những cuộc đấu trí tranh tài đọ sức của những anh hùng hào kiệt sống dưới thời hậu Hán như Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, Tào Tháo, Tôn Quyền, Khổng Minh Gia Cát Lượng. Tới nay, tác phẩm này vẫn thu hút được sự mến mộ của đông đảo độc giả. Tiểu thuyết lịch sử “Tam quốc diễn nghĩa” của Trung Quốc có đoạn Khổng Minh Gia Cát Lượng định tấn công Tào Tháo bằng lửa, nhưng thời điểm diễn ra cuộc chiến lại là mùa đông thường có gió Tây Bắc, luồng gió lạnh tràn từ phía Bắc xuống phía Nam. Khi đó, Tào Tháo ở phía Bắc của con sông, còn Gia Cát Lượng, Tôn Quyền, Chu Du và quân lính lại ở phía Nam của con sông. Nếu lúc đó phía quân Khổng Minh Gia Cát Lượng bắn mũi tên có mồi lửa về phía quân Tào Tháo thì không những không đánh dẹp được Tào Tháo mà còn rất có thể làm thương vong chính đội quân của mình. Giữa lúc tình thế rối ren, Khổng Minh Gia Cát Lượng đã cho lập thất linh đàn trên núi Nam Bình để cầu gió Đông Nam. Khi bài khấn vừa chấm dứt thì quả nhiên, hướng gió thực sự đã xoay chuyển từ Tây Bắc sang Đông Nam. Chu Du, một danh tướng của Tôn Quyền, từ lâu đã biết Khổng Minh là bậc "thiên hạ kỳ tài", nếu để người như vậy sống về sau sẽ là họa cho nước, nên Chu Du đã sai người ra tay sát hại Khổng Minh. 

Đoán biết được lòng dạ hiểm ác của Chu Du, Khổng Minh đã cho gọi Triệu Tử Long để phòng bị từ trước. Khi Triệu Tử Long dùng thuyền đưa Khổng Minh đến chỗ Lưu Bị, thuyền của quân sĩ Tôn Quyền vội vã đuổi theo sau nhưng đã bị Triệu Tử Long giương cung bắn gãy đôi cột buồm, giúp con thuyền chở Khổng Minh Gia Cát Lượng an toàn thoát khỏi địa phận của Tôn Quyền.

Khi gió chuyển hướng Đông Nam, công thần Hoàng Cái của nhà Ngô đã vờ trộm quân lương của Tôn Quyền mang tới đầu hàng Tào Tháo. Lúc gần tới doanh trại của quân lính Tào Tháo, Hoàng Cái đã cho quân khai trận bằng loạt tên bắn có mồi lửa. Quân lính của Tào Tháo hoảng hốt vì không kịp đối phó với tình huống bị tấn công bằng lửa nên đã đại bại. 


Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc thấu hiểu tâm tình người dân

Mặc dù lấy tiểu thuyết lịch sử “Tam quốc diễn nghĩa” làm cốt chuyện nhưng trong trường ca hát kể chuyện Pansori Jeokbyeokga (Xích Bích ca) của Hàn Quốc, nhân vật chính không phải là những anh hùng hảo hán điều binh khiển tướng mà lại là những người lính không tên tuổi bị xung trận và chết như ngả rạ. Câu chuyện tâm tình ai oán bi thương của họ được hóa giải trong những câu hát kể chuyện Pansori theo nhịp điệu nhanh và bằng lối diễn giải khá hài hước. 

Trong âm nhạc hát kể chuyện Pansori của Hàn Quốc, Tào Tháo không phải là nhân vật anh hùng hảo hán mà được mô tả như một kẻ nhát gan bỉ ổi. Đặc biệt, trong Đại chiến Xích Bích, trong khi quân lính người bị trúng tên, kẻ bị thiêu cháy, người bị ngã xuống sông thì Tào Tháo chỉ mải tháo chạy bởi ham sống sợ chết, hắn cưỡi ngược ngựa và than phiền rằng sao ngựa lại cứ phi giật lùi. Hát kể chuyện Pansori vốn là dòng âm nhạc dành cho bách tính và người nghe cũng là người dân thường nên dễ đồng cảm với tâm tư và mảnh đời của những người lính hơn là các anh hùng hảo hán trong lịch sử. Chính vì vậy, trong trường ca hát kể chuyện Pansori Jeokbyeokga (Xích Bích ca) có khá nhiều đoạn miêu tả tâm tư tình cảm và nỗi niềm ai oán của những người lính bạc phận.

Sau khi đại bại trong trận chiến trên sông Xích Bích, đại đa phần quân lính của Tào Tháo đều bị tử trận hoặc trọng thương, khó khăn lắm Tào Tháo mới thoát chết và chạy trốn vào khu rừng Ô Lâm. Khi hoàn hồn, Tào Tháo cảm thấy vô cùng day dứt vì những người lính đã phải bỏ mạng vì mình. Lúc này tiếng hót của muôn chim trong rừng nghe chẳng khác nào tiếng kêu ai oán của những vong hồn tử trận. 


* Nhạc phẩm Gongmyeong (Khổng Minh) / nhóm nhạc truyền thống Akdangwangchil

* Trích đoạn Jeokbyeokhwajeon (Hỏa trận Xích Bích) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Jeokbyeokga (Xích Bích ca) / Yoon Jin-cheol 

* Trích đoạn Saetaryeong (Lời than của các loài chim) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Jeokbyeokga (Xích Bích ca) / Shin Kwoe-dong (sáng tác), Kim Yeong-jae (vừa hát vừa tấu đàn tranh 6 dây Geomungo)

Lựa chọn của ban biên tập