Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Thiên nhiên trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-09-29

Âm điệu ngàn xưa

Thiên nhiên trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Tứ thời và đời người trong nhân gian

Ngoảnh đi ngoảnh lại đã qua Tết Trung thu. Tiết trời giờ đây đã thấm đẫm hương vị thu và một năm nữa lại sắp trôi đi. Cứ tới dịp này mọi người thường sẽ tổng kết lại những việc mình đã làm hoặc trải qua trong một năm. Đoản ca Sacheolga (Tứ tiết ca) của Hàn Quốc so sánh đời người với 4 mùa trong năm và cảm nhận về sự vô thường của thời gian. Khúc ca đã khéo léo giãi bày nỗi niềm này của con người rằng tuổi thanh xuân như hoa xuân rực nở mới hôm nào mà nay mái đầu đã bạc trắng như tuyết phủ dày ngày đông. Khúc đoản ca được mở đầu bằng đoạn: 

Hoa đua nở khắp núi non trùng điệp

Xuân đã về thực sự xuân đã về

Xuân về cớ sao thế gian đìu hiu vậy

Mới hôm nào thanh xuân mà nay đã bạc đầu…


Sacheolga (Tứ tiết ca) luận rằng đời người thật vô thường và ngắn ngủi, xuân hạ thu đông lặng lẽ đến rồi đi, thế nên sống ở đời, con người hãy gặp gỡ sum vầy với người tốt, sống khỏe sống trẻ và luôn hạnh phúc yêu đời. Cớ chi mà gặp người xấu bụng để mà phải âu lo suy nghĩ và buồn rầu.


Ánh trăng trong những nhạc phẩm truyền thống bất hủ của Hàn Quốc

Nói tới mùa thu, chúng ta sẽ liên tưởng ngay tới những ngày trăng thanh gió mát và bầu trời xanh thẳm cao vời vợi không một gợn mây. Giờ thì chẳng mấy nữa thôi mà người Hàn Quốc sẽ được ngắm cảnh những đàn ngỗng trời nối đuôi nhau bay lượn trên bầu trời đêm vằng vặc ánh trăng khuya. Xưa kia ở Hàn Quốc, dịp này người ta thường thưởng ngoạn thú vui du thuyền Baetnori. Baetnori (Chơi du thuyền) là cuộc vui thưởng ngoạn phong lưu khoe khoang sự xa hoa của những người giàu có và quyền lực. Chơi du thuyền không chỉ là thú buông thuyền trên sông nước, thưởng phong lưu giữa cảnh quan thiên nhiên kỳ thú cùng các kỹ nữ xinh đẹp và đoàn nhạc công. Đối với giới học giả thời xưa ở Hàn Quốc thì đây chính là lúc đôi ba người cùng uống rượu, thưởng trà, ngâm thơ và đàm đạo trên con thuyền chòng chành giữa bốn bề nước non thiên cảnh. Quang cảnh này được phác họa khá rõ nét trong khúc hát Woljeongmyeong (Nguyệt chính minh). Khúc hát có đoạn:

Đêm trăng sáng neo thuyền trên mặt nước

Thấy trời đêm nằm trọn dưới đáy sông

Vầng trăng khuya phủ trắng khắp bầu trời

Tiên Đông ơi! Vớt trăng ta chơi nhé!


Quý thính giả hãy thử hình dung cảnh người học giả buông thuyền trên sông trong một đêm trăng thu sáng tỏ, không khí trong lành, gió nhè nhẹ thổi, con thuyền lướt nhẹ trên sóng nước êm đềm, đâu đó tiếng chim hót vọng lại làm người học giả chợt bừng tỉnh. Trước mắt người học giả, mặt sông như một tấm gương khổng lồ phản chiếu cả bầu trời đêm thu cùng vầng trăng sáng tỏ. Bất giác, người học giả sai cậu bé tiểu đồng vớt vầng trăng lên để được nhìn thấy ở gần hơn. Có lẽ cậu bé sẽ mỉm cười vì thấu hiểu tâm tư người học giả trong phút giây này. Thơ cổ phổ nhạc Sijo thường được hát theo lối hát Gyemyeonjo mang sắc thái nhẹ nhàng, êm ái, da diết, pha trộn cảm giác thoáng buồn. Song Woljeongmyeong (Nguyệt chính minh) được hát theo lối hát Wujo mang sắc thái hùng tráng tạo cảm giác choáng ngợp, chậm rãi. 


Jeongeupsa (Tỉnh ấp từ) là một khúc hát có liên quan đến ánh trăng được sáng tác trong triều đại Baekje (từ năm 18 trước Công Nguyên đến thế kỷ VII) ở Hàn Quốc. Người đời truyền nhau rằng đây là khúc hát về một người phụ nữ chờ chồng từ phương xa trở về. Trong đêm lạnh, nàng thổn thức với trăng, cầu mong vầng trăng bạc mọc cao hơn nữa để soi tỏ đường trường, dẫn lối cho chồng nàng. Khúc hát có đoạn:

Ánh trăng ơi! Lên cao, cao hơn nữa!

Trải bóng dài, dài nữa hỡi ánh trăng!

Chàng nơi đâu? Phải chăng nơi phiên chợ?

Chàng đặt chân nơi u tối biết sao đây?

Hay đã để quên lòng nơi nào đó

Trăng hỡi trăng! Lặn chốn gót liễu này


Ca khúc Jeongeupsa (Tỉnh ấp từ) này thậm chí được lưu truyền đến triều đại Goryeo (918-1392), và được biểu diễn trong cung đình. Tới triều đại Joseon (thế kỷ XIV đến XIX) thì chỉ còn lại phần âm nhạc, phần ca từ đã bị lãng quên. Phần âm nhạc này được gọi là Sujecheon (Thọ tề thiên), là âm nhạc cung đình được đánh gia cao nhất và được trình diễn trong những nghi lễ trọng đại có sự tham gia của đức Thái tử, như làm nhạc đệm cho vũ điệu cung đình Cheoyongmu.


* Khúc đoản ca Sacheolga (Tứ tiết ca) / nhóm nhạc truyền thống cải biên Soriggot Gagaek 

* Khúc hát Woljeongmyeong (Nguyệt chính minh) / Lee Yun-jin

* Chương 1 Giwon(Cầu nguyện) của nhạc phẩm Dalha (dưới ánh trăng) / Kang Kwon-sun (hát), nhóm nhạc Ensemble Geomeun 

Lựa chọn của ban biên tập