Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Thơ phổ nhạc Sijosi và tâm tình của người phụ nữ trong xã hội phong kiến Hàn Quốc thời Joseon

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-11-17

Âm điệu ngàn xưa

Thơ phổ nhạc Sijosi và tâm tình của người phụ nữ trong xã hội phong kiến Hàn Quốc thời Joseon

Vài nét về thơ phổ nhạc Sijosi

Trong âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc, Gagok là dòng thơ phổ nhạc Sijosi, được hát cùng phần đệm nhạc của dàn nhạc truyền thống. Gagok vốn được hát chậm tới mức khó có thể đoán biết được ý nghĩa của ca từ. Đặc biệt, trong dòng nhạc dành cho phái nữ Yeochanggagok, âm giọng mượt mà của ca khách giao thoa cùng âm thanh của các loại nhạc cụ, làm thỏa mãn mọi cung bậc tâm hồn khán thính giả. Trong các nhạc phẩm ở dòng chính nhạc Gagok có những nhạc phẩm mà trong tên gọi có từ “Pyeon”, ví như “Pyeonsudaeyeop” hay “Pyeonrak”. So với các khúc Gagok khác, những khúc Gagok này được hát theo nhịp điệu nhanh hơn và nhộn nhịp, hứng khởi hơn rất nhiều. Ví như khúc Yeochanggagok dành cho giọng nữ dòng Gyemyeon có tên gọi là “Pyeonsudaeyeop Daeinnan”. Khúc hát được bắt đầu bằng câu có thể tạm dịch là:

Đau đáu chờ người trong khắc khoải

Gà gáy ba canh đêm thẳm sâu

Núi non trùng điệp nước quanh co

Ngoảnh đầu hướng theo tiếng chó sủa

Người cưỡi bạch mã dần hiện về…

Đêm nay cùng người vui bất tận…


Tâm tình người phụ nữ thời Joseon được phản ánh trong thơ ca

Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, nỗi niềm mong ngóng, chờ đợi người thương còn được mô tả trong trích đoạn nàng Xuân Hương chờ đợi và oán trách công tử Lý Mộng Long trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca). Lúc đầu, khi được biết công tử Lý Mộng Long lên kinh thành Hanyang, nàng Xuân Hương cũng rất muốn đi theo chàng. Nhưng một công tử con quan không thể đưa con gái của một kỹ nữ đi theo khi chưa cưới hỏi. Thế nên hai người tạm phải chia tay nhau, nàng Xuân Hương ở lại Namwon chờ đợi ngày công tử Lý Mộng Long quay trở lại. Trong những ngày day dứt nhớ người thương, có lẽ nhiều lúc nàng Xuân Hương nghĩ quẩn rằng “lẽ nào mình sẽ mãi mãi không được gặp lại chàng sao”, và rằng “lẽ ra lúc đó mình phải đi theo chàng”. Tâm trạng đau đáu chờ đợi người thương của nàng Xuân Hương đã được khắc họa rõ nét trong trích đoạn “Galggabuda” (Lẽ ra là mình phải đi). Trích đoạn có nội dung rằng:

Lẽ ra là mình phải đi, phải đi, phải đi theo chàng

Nghìn dặm theo chàng, vạn dặm theo chàng

Dù gió rú mây ngàn cách trở

Dù băng giá núi non trùng điệp

Lẽ ra mình đã phải đi theo chàng


Trong thời kỳ hậu Joseon, ở Hàn Quốc có một nữ thi sĩ tên là Yi Ok-bong. Thời đó, hôn lễ được tiến hành theo lối cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Ngay từ nhỏ, Yi Ok-bong đã hay chữ và giỏi làm thơ, cô mạnh dạn chọn người chồng cho mình và trở thành vợ lẽ của Cho Won, một quan văn có học vấn uyên bác và phẩm hạnh cao quý trong triều đại Joseon. Nhưng thời gian hạnh phúc chẳng tày gang, Yi Ok-bong bị liên đới trong một vụ kiện tụng do bà viết sớ hộ người dân nghèo bị oan ức. Cho Won đã rất tức giận vì Ok-bong là phận gái mà dám lấy chữ viết gây ồn ào trong thiên hạ. Ông đã đuổi bà ra khỏi nhà và không tìm gặp bà nữa. Trong tâm trạng mong ngóng, nhớ nhung người chồng bạc tình Cho Won, Yi Ok-bong đã chấp bút nên những vần thơ: “Nếu có thể để lại dấu tích trong giấc mơ, thì nửa đường đá trước nhà đã hóa cát”. Áng thơ bày tỏ nỗi nhớ mong người thương đến mòn mỏi này của nữ thi sĩ Yi Ok-bong đã được đưa vào ca từ giai điệu dân ca Susimga “Sầu tâm ca” vùng Seodo (tỉnh Hwanghae và Pyeongan nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên). Khúc ca có đoạn:

Nếu có thể để lại dấu tích trong giấc mơ

Thì nửa đường đá trước nhà đã hóa cát

Gương mặt chàng ẩn hiện trong lòng thiếp

Nhớ chàng vầy thiếp biết làm sao đây


* Khúc ca “Pyeonsudaeyeop Daeinnan” thuộc Yeochanggagok dành cho giọng nữ dòng Gyemyeon / Park Min-hee

* Nhạc phẩm Ibyeolga (Khúc ca ly biệt) / Kim Jun-su và nhóm nhạc truyền thống Mặt Trăng thứ hai

* Giai điệu dân ca Susimga (Sầu tâm ca) của vùng Seodo / Kim Mu-bin

Lựa chọn của ban biên tập