Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Âm nhạc phổ thơ thời hiện đại

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-12-01

Âm điệu ngàn xưa

Âm nhạc phổ thơ thời hiện đại

Đặc trưng của thơ phổ nhạc truyền thống

Người Hàn Quốc xưa có câu “Thi ngôn chí, ca vĩnh ngôn”, nghĩa là thơ bộc bạch nghĩa bằng lời nói, lời nói kéo dài là khúc hát. Ca khúc hay là khúc hát truyền tải những lời ca đầy ý nghĩa. Ở Hàn Quốc từ xa xưa, thơ đã được chuyển thể trong nhiều dòng âm nhạc, ví như dòng thơ cổ Sijo được hát theo lối chính nhạc Gagok, thơ phổ nhạc Sijochang hay Gasa là dòng có phần hát và ca từ dài hơn hai dòng Gagok và Sijo. Còn thơ chữ Hán phổ nhạc được gọi là Sichang (Thi xướng). Khúc Sichang Gwansanyungma (Quan Sơn nhung mã) được phổ nhạc trên áng thơ cùng tên của văn sĩ Shin Kwang-su (1712-1775) sống vào thời vua Yeongjo (Anh Tổ) của triều đại Joseon thế kỷ XVIII. Đây là bài thơ chữ Hán giúp văn sĩ Shin Kwang-su đoạt giải nhì trong cửa ải thứ nhất của kỳ khoa cử. Bài thơ mở đầu bằng câu: 

Sông thu phẳng lặng, cá lạnh băng

Người hóng gió Tây trên lầu gác Jungseon


Văn sĩ Shin Kwang-su đã sáng tác áng thơ “Quan Sơn nhung mã” thể hiện lòng trung thành với đất nước, lấy cảm hứng từ bài thơ “Đăng Nhạc Dương lâu” (Lên lầu Nhạc Dương) của thi sĩ Đỗ Phủ (712-770) thời nhà Đường ở Trung Quốc. Thi sĩ Đỗ Phủ đã sáng tác áng thơ này ở lầu Nhạc Dương khi ông nhìn xuống hồ Đông Đình mênh mang thơ mộng mà lo lắng về cuộc chiến đau thương nơi quê nhà không biết hồi nào mới chấm dứt. Truyền rằng, ngay sau khi ra đời, bài thơ “Quan Sơn nhung mã” của Shin Kwang-su ngay lập tức đã được chuyển thể thành bài hát và được lan truyền rộng rãi. Đặc biệt là các kỹ nữ Bình Nhưỡng (Pyeongyang, nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên) thời đó rất hâm mộ và say sưa ngâm áng thơ này. 

“Quan Sơn nhung mã” được hát theo nhịp điệu chậm, kéo dài ca từ, nên đối với người đã quen với âm nhạc truyền thống thì sẽ cảm thấy đây là một khúc hát thấm đượm tâm tình con người trong tiết thu. Còn đối với những người quen với âm nhạc hiện đại có tiết tấu nhanh lại không am hiểu về âm nhạc truyền thống Hàn Quốc chắc hẳn sẽ thấy khá xa lạ với cảm xúc này. Hơn nữa, ca từ cũng khó thấu hiểu được vì đều là thơ chữ Hán. 


Nỗ lực đưa âm nhạc truyền thống tới đông đảo khán thính giả thời hiện đại

Gần đây, với mục tiêu đưa âm nhạc truyền thống đến gần với giới trẻ, các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống đã có nhiều nỗ lực đổi mới như khai thác trên thơ hiện đại và đệm nhạc bằng đàn piano nhưng giữ nguyên cách hát theo lối truyền thống. Khúc hát Seonunsaeseo (Trên chùa Thiền Vân) được phổ nhạc theo thơ của nhà thơ Choi Yeong-mi và trình diễn trên phần hòa tấu đàn piano có đoạn:

Hoa!

Chắt chiu mọi sinh lực để bung nở

Nhưng tàn chỉ thoáng trong chốc lát

Không có thời gian để thỏa mãn ngắm nhìn

Không có thời gian để nghĩ tới người dù chỉ một lần

Chỉ là chốc lát…


Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, chính nhạc Jeongak là một trong những dòng nhạc khó lưu truyền và kế tục nhất. Do có nhịp điệu tiết tấu chậm nên chính nhạc Gagok, thơ phổ nhạc Sijo hay thi xướng Sichang rất khó tiếp cận với những người đã quen với âm nhạc hiện đại có tiết tấu nhanh. Thêm vào đó, dù có cố gắng tìm hiểu đi chăng nữa thì cũng vấp phải khó khăn về chữ Hán và kiến thức về bối cảnh văn hóa xã hội khi tác phẩm ra đời. Chính vì vậy, nhiều người từng theo đuổi chuyên ngành chính ca Jeongga khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng sau khi tốt nghiệp thì đa phần họ đều từ bỏ vì không có sân khấu hoạt động. Gần đây, một số ca khách cố gắng vượt qua những khó khăn này bằng cách tiếp cận với khán thính giả thông qua thơ hiện đại cùng lối công diễn quen thuộc và diễn giải thơ chữ Hán bằng ngôn ngữ thời đại. Ví như khúc hát Tamchun (Thám xuân) được phổ nhạc theo thơ của thi sĩ Đới Ích thời nhà Tống Trung Quốc có câu “Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân”, được hát theo nghĩa thoáng là “Suốt ngày tìm xuân chẳng thấy xuân”.


* Khúc thi xướng “Gwansanyungma” (Quan Sơn nhung mã) / Kim Kwang-suk 

* Khúc hát Seonunsaeseo (Trên chùa Thiền Vân) / Gang Kwon-sun 

* Khúc hát Tamchun (Thám xuân) / nhóm nhạc truyền thống nữ Souljigi 

Lựa chọn của ban biên tập