Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Chim vàng anh và dương liễu trong thơ ca truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-02-24

Âm điệu ngàn xưa

Chim vàng anh và dương liễu trong thơ ca truyền thống Hàn Quốc

Hình ảnh chim vàng anh trong nghệ thuật truyền thống

Kim Hong-do hiệu Danwon (Đàn Viên) là một danh họa kỳ tài trong triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX). Ông để lại cho hậu thế rất nhiều tác phẩm vô giá, trong đó có bức tranh “Masangcheongaengdo” (Mã thượng thính oanh đồ), có nghĩa là “đang cưỡi ngựa đi qua thì nghe thấy tiếng chim vàng anh hót”. Trong tranh, người học giả cưỡi ngựa đi ngang qua đang mê mẩn nhìn ngắm chú chim vàng anh đậu trên cành liễu mới đâm trồi nảy lộc. Ở một góc của bức tranh có dòng chữ:

Nhành liễu như chỉ tơ, vàng anh như con suốt

Dệt xương mù mưa lạnh thành sông xuân


Trong thơ, hình ảnh những chú chim vàng anh thánh thót mải miết chuyền từ cành này sang cành khác trên khóm liễu chẳng khác nào chiếc thoi lướt đi lướt lại trên khung cửi. Xưa kia ở Hàn Quốc, người ta thường lấy hình ảnh dương liễu và chim vàng anh để miêu tả cảnh trí trong tiết xuân. Dưới thời hậu Joseon, thế tử Hyomyeong (Hiếu Minh), con trai của vua Sunjo (Thuần Tổ: đời vua thứ 23 của triều đại Joseon), đã đích thân sáng tác vũ điệu Chunaengjeon (Xuân oanh chuyển) nhân dịp sinh nhật của mẫu thân. Đây là điệu múa mà người vũ công trong tà áo vàng óng yêu kiều uyển chuyển như chú chim vàng anh bay nhảy giữa khóm liễu trong ngày xuân ấm áp. Nhạc đệm cho vũ điệu này có tên là Yuchosinjigok (Khúc nhạc chồi liễu non), trong đó “Yuchosin” (liễu sơ tân), chỉ màu của những lộc non chồi biếc vừa mới nhú trên nhành liễu. 

Yangryuga (Dương liễu ca) là một trong những ca khúc về cây liễu mùa xuân. Ca khúc có câu: “Vàng anh đậu nhành liễu ngỡ chim én nên đuổi bắt”. Câu hát này cũng xuất hiện trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo). Trong truyện, nghe nói người em Heungbo trở nên giàu có nhờ chữa lành chân cho chim én nên người anh tham lam Nolbo thuê người đi khắp nơi lùa bắt én, định bụng sẽ làm giàu như em trai. Quá nóng vội, hắn bắt cả vàng anh vì ngỡ đó là chim én.


Ý nghĩa của nhành liễu trong quan niệm của người Hàn Quốc xưa

Nói đến nhành liễu ngày xuân, người Hàn Quốc thường liên tưởng tới khúc dân ca Nodeulgangbyeon (Bờ sông Nodeul). Khúc hát có đoạn:

Liễu rủ ven sông Nodeul

Tháng ngày qua như thắt đáy lưng ong


Bờ sông Nodeul xưa kia chính là khu vực Noryangjin (Seoul) thời nay. Truyền rằng thời xưa, bên bờ sông Nodeul, đoạn từ Noryangjin đến Yanghwajin, có rất nhiều cây dương liễu. Trong một ngày đầu xuân vào thời kỳ đầu những năm 1930, Shin Bul-chul, một người kể chuyện trào phúng nổi tiếng ở Hàn Quốc, đã cùng nhạc sĩ Mun Ho-wol đi thăm người ốm, trên đường về nhà, khi đi qua bến đò Noryangjin bên sông Hàn, những nhành liễu trong gió xuân như đung đưa nhịp nhàng theo giai điệu câu hát của người chèo đò trên sông. Hai người đã tạt vào một quán rượu ven sông Hàn, Shin Bul-chul viết lời còn nhạc sĩ Mun Ho-wol thì sáng tác nhạc cho khúc hát Nodeulgangbyeon (Bờ sông Nodeul). Khúc hát có đoạn:

Dấu chân trên cát ven sông Nodeul

Phong ba cơ cực lướt lướt qua

Đến cát trắng giờ cũng không tin nổi

Dòng sông xanh cứ chảy chảy dài


Lúc đương thời, khúc hát này được nhiều người đồng cảm và mến mộ vì nó lột tả một cách khá sinh động nỗi đau và cuộc sống ngột ngạt, chua chát của người dân trên bán đảo Hàn Quốc dưới móng vuốt thực dân Nhật. 


*Trích đoạn Seryeongsan (Tế linh sơn) trong nhạc phẩm Yuchosinjigok / Kim Chi-ja (đàn tranh 6 dây Geomungo), Cho Yoo-hoe (đàn tranh Yanggeum) và Lee Yeong (sáo trúc dọc Piri)

* Khúc dân ca Nodeulgangbyeon (Bờ sông Nodeul) / Kim Yong-wu

* Nhạc phẩm Yangryuga (Dương liễu ca) / nhóm nhạc Namu

Lựa chọn của ban biên tập