Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tâm nguyện dựng nước của vương triều Joseon ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-03-10

Âm điệu ngàn xưa

Tâm nguyện dựng nước của vương triều Joseon ở Hàn Quốc

Mục đích sáng tạo ra chữ viết Hangeul của vua Sejong

Chuyện kể rằng, một lần Mạnh Tử hỏi vua nhà Tề (Trung Quốc) là có phải Hoàng thượng yêu thích âm nhạc hay không. Vua nhà Tề đỏ mặt rồi ngập ngừng trả lời rằng: “Đúng là… ta thích âm nhạc… nhưng là âm nhạc đang được thịnh hành trong bách tính … chứ không phải là lễ nhạc trang trọng thời xưa… nên…”. Thấy vậy, Mạnh Tử liền nói: “Khi nhà vua yêu thích loại âm nhạc mà bách tính đánh giá là thứ âm nhạc phong lưu trong khi người dân sống đời lầm than thì có nghĩa là nhà vua không đồng cảm với dân. Còn nếu khi nghe nhạc nhà vua thích mà bách tính nghĩ là “Chắc vua của chúng ta mạnh khỏe” thì có nghĩa là nhà vua đang đồng cảm với người dân.” Khi trị vì xã tắc, nhà vua yêu thích thể loại âm nhạc có đẳng cấp nào không quan trọng. Chỉ cần nhà vua luôn quan tâm chăm sóc đời sống của bách tính thì ắt bách tính sẽ một lòng một dạ với nhà vua. Điều này được gọi là “Dự dân đồng lạc” (Yeomindongnak), có nghĩa là “cùng vui với bách dân”. Với ý nghĩa này, vua Sejong (Thế Tông), vị vua thứ IV của vương triều Joseon (thế kỷ XIV-XIX), đã sáng tác nhạc phẩm Yeominrak (Dự dân lạc).


Lúc đương thời, vua Sejong luôn cảm thấy đáng tiếc vì bách dân không thể bày tỏ những gì đang suy nghĩ chỉ vì không thông thạo chữ Hán. Để giải quyết nỗi bức bối cho bách dân, vua Sejong đã đích thân sáng tạo ra chữ cái tiếng Hàn Hangeul, rồi dùng chữ viết Hangeul để sáng tác áng thơ Yongbieocheonga (Long phi ngự thiên ca), ghi lại quá trình dựng nước của vương triều Joseon, và sáng tác nhạc, đưa áng thơ Yongbieocheonga thành khúc hát Yeominrak (Dự dân lạc). Vua Sejong đã gửi gắm nguyện ước của mình vào thơ ca để nhắn nhủ tới các vị vua đời sau và bách tính rằng vương triều Joseon dựng nước chính là để vui cùng người dân và việc sáng tác ra chữ viết Hangeul cũng là vì mục đích này.


Tâm nguyện của quân vương và bách tính

Tâm nguyện của nhà vua hay người dân hướng tới “Thái bình thành đại” đều như nhau. Trong số các khúc chính ca được giới học giả, quý tộc Hàn Quốc thời xưa ưa thích có khúc Jingukmyeongsan (Trấn quốc danh sơn), mô tả thế núi bao bọc thủ đô Seoul theo thuyết địa lý phong thủy nên có nhiều người tài ba xuất chúng, quốc gia thái bình, được mùa quanh năm, bách dân an thịnh.

Khúc hát có câu: 

Trấn quốc danh sơn vạn trượng phong

Thiên tước xuất kim phù dung


Xưa kia ở Hàn Quốc, vào dịp lễ tết hay những khi ở làng có sự kiện quan trọng, các gánh diễn Pungmulpae hay Noripae giống như gánh diễn nghệ thuật Namsadangpae thường lui tới các nhà trong xóm hát khúc Chukwondeokdam (Cầu nguyện chúc phúc) để cầu nguyện phước lành cho gia chủ. Khúc hát có đoạn:

Đêm đến sáng đèn, ngày tới nước trong

Như ngọc trai lăn tròn trên khay vàng ròng

Như linh vật phượng hoàng đậu trên cây ngô đồng

Con trai con gái ngàn vàng nhà này như vầng trăng tỏ

Xin hãy yêu thương và phù hộ độ trì…


Một cuộc đời xán lạn, đầm ấm cùng những đứa con xinh đẹp như lá ngọc cành vàng là ước mong của người người nhà nhà trong xã hội. Giờ thì người dân Hàn Quốc đã bầu chọn được vị Tổng thống mới. Hy vọng người được lựa chọn sẽ tận lực tận tâm để có thể mang tới cho mọi người mọi nhà một cuộc sống tươi sáng, cao quý và tốt đẹp hơn.


* Nhạc phẩm Yeominrak (Dự dân lạc) / dàn chính nhạc trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc

* Khúc hát Jingukmyeongsan (Trấn quốc danh sơn) dành cho giọng nam lối Pyeonsudaeyeop  / Lee Dong-gyu 

* Khúc hát Chukwndeokdam (Cầu nguyện chúc phúc) / Lee Kwang-su

Lựa chọn của ban biên tập