Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Khát khao hoạt động nghệ thuật của giới nghệ sĩ âm nhạc truyền thống trẻ tuổi ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-03-17

Âm điệu ngàn xưa

Khát khao hoạt động nghệ thuật của giới nghệ sĩ âm nhạc truyền thống trẻ tuổi ở Hàn Quốc

Câu chuyện về nghệ sĩ đàn tranh 12 dây Gayageum Jeong Min-ah

Khi nói tới một nghệ sĩ nhạc cụ nổi tiếng tại Hàn Quốc thì nhiều người sẽ liên tưởng tới đó là người có điều kiện kinh tế dư giả, được sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu có danh giá. Nhưng nghệ sĩ Jeong Min-ah lại có lý lịch khác hẳn với những gì mà người đời hay nghĩ. Nghệ sĩ Jeong Min-ah tốt nghiệp khoa âm nhạc truyền thống trường trung học phổ thông âm nhạc truyền thống quốc gia và trường Đại học Hanyang. Sau vài lần trượt kỳ thi tuyển vào dàn biểu diễn, Jeong Min-ah nghĩ rằng khó có thể kiếm kế sinh nhai bằng nghề nhạc công. Từ đó, cô xin làm việc bán thời gian vào cuối tuần ở một câu lạc bộ gần nhà vì được hỗ trợ sử dụng phòng tập trong ngày thường. Đó chính là cơ duyên giúp Jeong Min-ah được tấu đàn tranh Gayageum trên sân khấu câu lạc bộ mỗi tối, còn ban ngày thì kiếm tiền bằng nghề tiếp thị bán hàng qua điện thoại. Mặc dù cuộc sống bận rộn, nhưng cô vẫn dành thời gian để sáng tác âm nhạc theo phong cách của riêng mình. Dù ngày càng có nhiều người biết tới âm nhạc của Jeong Min-ah nhưng âm nhạc vẫn chưa thể trở thành kế sinh nhai cho cô. Thế nên, Jeong Min-ah đã làm rất nhiều nghề để duy trì hoạt động âm nhạc, trong đó có cả việc bán cơm nắm ở trước bến tàu điện ngầm


Có người cho rằng có lẽ vì trẻ tuổi nên nghệ sĩ Jeong Min-ah dễ dàng vô tư và hóm hỉnh đưa vào câu hát những ngôn từ như “Sợ bị đuổi việc, bị phạt tiền”, hay “Hỏng việc rồi!”, “Vị dở òm” hoặc “Cái này phải giải quyết sao nhỉ”… Trong hoàn cảnh khó khăn là thế nhưng cho tới nay, cô vẫn liên tục duy trì hoạt động nghệ thuật của mình. Bên cạnh khó khăn về kinh tế, khi đó nghệ sĩ Jeong Min-ah còn vấp phải không ít trở ngại trong quá trình hoạt động nghệ thuật. Cô phát hành đĩa nhạc đầu tay vào năm 2005, thời điểm mà nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc còn mang tính bảo thủ cao. Vì vậy, người ta chú trọng tới khía cạnh Jeong Min-ah làm tiếp thị qua điện thoại và chơi đàn tranh Gayageum ở hộp đêm hơn là để tâm tới âm nhạc của cô. Giờ đây, việc các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống biểu diễn ở các hộp đêm không còn là chuyện để bàn tán nữa nhưng thời đó, việc một nghệ sĩ đàn tranh Gayageum tấu đàn ở hộp đêm là một việc vô cùng hiếm thấy, là việc khiến người nghệ sĩ phải nín nhịn trước sự bán tín bán nghi của người đời rằng “chắc chỉ là âm nhạc nửa vời”. Không riêng gì Jeong Min-ah, những ánh mắt soi mói mỉa mai này luôn hướng tới những người có chí hướng cải cách và tìm ra con đường mới cho một lĩnh vực nào đó. Trên thực tế, nền văn minh và văn hóa ngày nay chúng ta được hưởng thụ cũng là nhờ những người đã từng nín nhịn sự soi mói mỉa mai này. Trong khúc hát Cheongchunga (Thanh xuân ca) được cải biên dựa trên khúc dân ca cùng tên của tỉnh Gyeongi có đoạn:

Tiền không có, việc không xin được, làm gì cũng hỏng

Cứ làm khắc được lời xưa chó vẫy đuôi cười

Thanh xuân, thanh xuân hai chữ thanh xuân rạo rực sao

Thanh xuân là khổ đau câu này cũng ngán rồi


Tiếp nối những lời nhạo báng là đoạn:

Đừng lo xin việc, đừng ngại sự soi mói của người đời

Muốn làm gì thì cứ làm đúng với nghĩa thanh xuân

Chỉ nghe thôi cũng thấy lòng xao xuyến

Thanh xuân, thanh xuân, là thanh xuân sao, đúng là thanh xuân


Hồi chuông cảnh tỉnh xã hội về đời sống của giới trẻ

Đầu năm 2011, cái chết của nữ nhà văn trẻ Choi Go-eun đã làm rúng động xã hội Hàn Quốc. Một người hàng xóm đã tìm thấy mẩu giấy, trong đó cô viết rằng: “Đã mấy ngày rồi tôi chưa được ăn gì. Hãy gõ cửa gọi tôi nếu còn thừa cơm và dưa muối kimchi”. Vì thế mà người ta cho rằng nhà văn Choi Go-eun bị chết đói. Nhưng không phải vậy, lúc đương thời Choi Go-eun là một nhà văn có tài và rất năng động. Nguyên nhân tử vong của cô là do bệnh tật chứ không phải do thiếu dinh dưỡng. Sự ra đi của nhà văn Choi Go-eun đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh, khiến xã hội để mắt quan tâm tới đời sống của giới nghệ sĩ trẻ. Thế nhưng cho tới giờ, nghệ thuật vẫn chưa thể trở thành kế sinh nhai ổn định cho đa phần các nghệ sĩ. Và nó đã trở thành mối lo ngại gần như là của toàn giới trẻ trong xã hội Hàn Quốc thời gian gần đây. Dù có chăm chỉ học hành tới đâu, có bao nhiêu chứng chỉ nghề đi chăng nữa thì cũng khó có thể kiếm được một việc làm tử tế. Những ai may mắn tìm được việc làm thì lại chật vật với vấn đề nơi ăn chốn ở. Có lẽ giới trẻ nên bước theo con đường mình tự chọn chứ không phải ngoan ngoãn tuân theo sự sắp đặt hay mong muốn người lớn. Cho dù hiện tại có khó khăn nhưng tương lai của xã hội chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào sự vững vàng và niềm hạnh phúc của giới trẻ. 


* Nhạc phẩm Jumeokbap (Cơm nắm) / Jeong Min-ah (hát và tấu đàn tranh Gayageum)

* Khúc hát Cheongchunga (Thanh xuân ca) được cải biên dựa trên khúc dân ca cùng tên của tỉnh Gyeongi / Kim Yong-wu

* Nhạc phẩm Beom (Hổ) / Bang Su-mi, Ravi 

Lựa chọn của ban biên tập