Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Chuyện nàng Xuân Hương trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-04-14

Âm điệu ngàn xưa

Chuyện nàng Xuân Hương trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga

Thân phận nàng Xuân Hương trong xã hội phong kiến Hàn Quốc xưa

Khi làn gió xuân mơn man, muôn hoa đua nở thì không chỉ thanh niên nam nữ mà đến cả những người có tuổi cũng thấy lòng xao xuyến. Người đơn chiếc thì mơ mộng tới một tình yêu mới, người đã có nửa kia của mình thì vun vén tận hưởng hương vị ngọt ngào của tình yêu trong hương xuân nồng nàn. Ở trích đoạn Sarangga (Khúc hát tình yêu) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca) có đoạn công tử Lý Mộng Long liên tục giục nàng Xuân Hương thưởng thức nào là dưa hấu rưới đẫm mật ong quý của vùng Gangneung, nào là trái anh đào, rồi cả nho nữa. Thời đó, đây toàn là những loại hoa quả quý hiếm và rất khó mua. Ngẫm lại thấy dưa hấu, anh đào và nho đều là những trái cây có vị ngọt. Có lẽ là tình cảm của công tử Lý Mộng Long hướng tới nàng Xuân Hương khi đó cũng ngọt ngào như vị ngọt của trái cây. 

Khi nam nữ lựa chọn người yêu hoặc quyết định đi đến hôn nhân, thường thì hai bên sẽ suy xét khá nhiều về học lực, khả năng kinh tế, môi trường và hoàn cảnh đời sống. Nhiều khi mâu thuẫn phát sinh do hai người sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khác nhau nên không hiểu được đối phương, khiến chuyện nhỏ hóa lớn. Trên thực tế, khi công tử Lý Mộng Long phải lòng Xuân Hương và mong muốn được qua lại cùng nàng, Xuân Hương đã đắn đo rất nhiều, bởi công tử Lý Mộng Long là con trai của một quan viên có chức tước khá cao trong vùng, là người thuộc tầng lớp quý tộc và có lẽ cũng là nơi cô mong được gửi gắm thân phận nữ nhi. Xuân Hương đã nói với anh hầu Bangja là hãy chuyển lời của cô tới công tử Lý Mộng Long, rằng “Hoa sao tìm bướm? Bướm phải tìm tới hoa chứ!” với ẩn ý rằng công tử Lý Mộng Long hãy tới tìm gặp mình. Mẹ của Xuân Hương, bà Wolmae (Nguyệt Mai), đã rất lo lắng khi một chàng công tử con quan đem lòng sủng ái con gái mình. Thời trẻ, bà Wolmae là một kỹ nữ, mặc dù cha đẻ của nàng Xuân Hương thuộc dòng dõi quý tộc và bà cũng nuôi nấng Xuân Hương như con gái của gia đình quý tộc, nhưng theo luật lệ của xã hội phong kiến Hàn Quốc lúc đương thời thì vì bà là kỹ nữ nên con gái bà, nàng Xuân Hương cũng sẽ trở thành kỹ nữ. Hơn ai hết, bà Wolmae biết rằng con trai của các quan viên sẽ đối xử với Xuân Hương như thế nào. Thế nên trước khi cho Xuân Hương gặp công tử Lý Mộng Long, bà đã yêu cầu chàng hứa sẽ không bỏ rơi Xuân Hương. Nhưng cuối cùng, điều bà Wolmae lo lắng đã trở thành hiện thực, công tử Lý Mộng Long đã nói lời chia tay với nàng Xuân Hương để lên kinh thành học thi khoa cử. 


Hình ảnh nhân vật Xuân Hương xưa và nay

Chuyện tình của nàng Xuân Hương và công tử Lý Mộng Long giờ đây vẫn được cải biên và trình diễn ở nhiều thể loại văn hóa khác nhau. Nếu trước kia, cốt truyện chủ yếu xoay quanh tình yêu chung thủy của nàng Xuân Hương dành cho Lý Mộng Long, thì giờ đây, các tác phẩm cải biên đã phản ánh lập trường và suy nghĩ đương đại của người con gái. Đôi khi có cả nội dung oán thán, trách móc sự vô trách nhiệm của công tử Lý Mộng Long. Cũng có những tác phẩm phác họa một nàng Xuân Hương tự tìm lối đi cho riêng mình mà không liên quan gì đến công tử Lý Mộng Long. Trong giai đoạn Hàn Quốc bị thực dân Nhật Bản chiếm đóng, danh ca Im Bang-ul đã nổi tiếng nhờ khúc hát Ssukdaemeori, miêu tả bộ dạng đầu tóc rối bời của nàng Xuân Hương khắc khoải chờ đợi công tử Lý Mộng Long trong ngục tối. Nàng Xuân Hương xinh đẹp bị quan huyện Saddo tống vào ngục vì một mực chung thủy với Lý Mộng Long và từ chối phục vụ hắn. Được nuôi dạy từ nhỏ như lá ngọc cành vàng, nên những cực hình mà Xuân Hương phải chịu đựng trong ngục tối có lẽ không thể tả hết bằng lời. Với âm giọng da diết, truyền cảm xuất chúng, danh ca Im Bang-ul đã chiếm được sự mến mộ của đông đảo khán thính giả lúc bấy giờ vì tâm trạng mất nước của người dân Hàn Quốc dưới móng vuốt thực dân Nhật khi đó dường như đồng điệu với nỗi thống khổ của nàng Xuân Hương trong câu hát Ssukdaemeori. 


* Khúc hát Sarangga (Khúc hát tình yêu) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca) / Lee Bong-geun, nhóm nhạc truyền thống Mặt trăng thứ hai 

* Khúc hát Chunhyangga (Xuân Hương ca) / Seo Jin-sil và DJ Miso 

* Khúc hát Ssukdaemeori / Park Ae-ri 

Lựa chọn của ban biên tập