Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Câu chuyện về đàn tranh Yanggeum của Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-04-21

Âm điệu ngàn xưa

Câu chuyện về đàn tranh Yanggeum của Hàn Quốc

Nguồn gốc cây đàn tranh Yanggeum ở Hàn Quốc

Các loại đàn huyền cầm truyền thống của Hàn Quốc như đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn tranh 6 dây Geomungo, đàn tranh Ajaeng, đàn nhị Haegeum đều sử dụng sợi tơ tằm bện làm dây đàn. Âm thanh của các nhạc cụ này nghe có vẻ hơi thô nhưng mộc mạc ấm áp. Còn tiếng đàn tranh Yanggeum lại trong trẻo du dương vì sử dụng dây đàn bằng sắt, và tạo âm thanh bằng cách gõ que Chae làm từ tre vót mỏng lên dây đàn. Người Hàn Quốc thường dùng chữ “Yang” (âm Hán là “Dương”) để gọi những thứ đồ được du nhập từ châu Âu như “tất” là Yangmal, “xô” là Yangdongi, tức cái dongi từ Tây Dương. Do đó, có thể hiểu đàn tranh Yanggeum có nguồn gốc châu Âu. Đàn này được các sứ thần của vua Yeongjo (Anh Tổ, 1694-1776) đưa về Hàn Quốc từ Trung Quốc trong thời hậu Joseon. Yanggeum còn được gọi là Guracheolsageum. Ở đây, Gura là Gurapa, âm Hán là “Âu la ba”, tức châu Âu. Còn Cheolsageum có nghĩa là đàn huyền cầm dây sắt. Âm nhạc Hàn Quốc và châu Âu khác nhau cả về âm trường, thang âm và cách tạo âm thanh, nên khó có thể dùng nhạc cụ châu Âu để diễn tấu âm nhạc Hàn Quốc. Truyền rằng, đàn tranh Yanggeum ra đời ở vùng Trung Á với tên gọi là Dulcimer hay Santur. Yanggeum được lưu truyền tới châu Âu trong cuộc Thập tự chinh, và đàn piano cũng được chế tác dựa trên Dulcimer và Santur. Nhà truyền giáo người Ý Matteo Ricci đã mang Yanggeum sang Trung Quốc và từ đó nó được các sứ giả thời hậu Joseon đưa về Hàn Quốc. Đàn tranh Yanggeum có bầu đàn được làm bằng gỗ hình thang cân, trên mặt đàn có hai hàng ngựa đàn, dây đàn là loại dây kim loại mảnh được mắc ngang ngựa đàn theo một bộ 4 dây, có tổng cộng 14 bộ dây như vậy. Khi diễn tấu, người nhạc công dùng que gõ Chae bằng tre gõ lên dây đàn tạo âm thanh. Dây của đàn tranh Yanggeum là kim loại nên rất nhạy bén khiến âm trường dễ bị sai lạc. Mỗi lần chỉnh dây đàn là phải kiểm tra tới 56 sợi dây. Hơn nữa là không thể rung ngân, còn được gọi là Nonghyeon bằng đàn tranh Yanggeum. Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, lối chơi nhạc Nonghyeon là sau khi giáng que gẩy Suldae hoặc dùng ngón tay gẩy dây đàn tạo âm thanh, người nghệ sĩ tấu đàn huyền cầm sẽ rung dây đàn bằng tay trái để tạo nên âm thanh rung của nhạc cụ. Do nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc có độ rung của âm lớn nên một âm có thể đưa đẩy qua lại, tạo cảm giác du dương sâu lắng. Chính vì nhược điểm này mà đàn tranh Yanggeum đã không được sử dụng nhiều trong diễn tấu âm nhạc truyền thống. Gần đây, nó đã được đưa vào diễn tấu trong các nhạc phẩm sáng tác mới với nhiều kỹ thuật diễn tấu đa dạng hơn.


Người đầu tiên sáng tạo ra lối chơi đàn tranh Yanggeum ở Hàn Quốc

Người đầu tiên sáng tạo ra lối chơi đàn tranh Yanggeum tại Hàn Quốc là Hong Dae-yong, hiệu Damheon (Trạm Hiên, 1731-1783), một học giả nổi tiếng theo đuổi chủ nghĩa thực dụng kiểu Hàn Quốc gọi là Silhak (Thực học) sống dưới thời hậu Joseon. Trước khi kể về câu chuyện này, qua ngón đàn tranh Yanggeum của nghệ sĩ Jo Il-ha và đàn tranh 6 dây Geomungo của nghệ sĩ Gang Yoo-gyeong, chúng ta cùng thưởng thức trích đoạn Hahyeondodeuri nhé.


Nhờ có những dòng ghi chép của văn hào Park Ji-won, hiệu Yeonam (Yên Nham, 1737 - 1805) mà ngày nay chúng ta biết được học giả Hong Dae-yong, người sáng tác ra lối chơi đàn tranh Yanggeum. Bút ký có đoạn: “Ở nước ta, Hong Dae-yong là người đầu tiên diễn tấu âm nhạc bằng đàn tranh Yanggeum. Đó là ngày 18 tháng 6 năm 1772. Tôi không thể quên được hình ảnh ông ngồi tấu đàn vào khoảng 6 giờ chiều ở phòng sách cũng mang tên hiệu ông là Trạm Hiên. Tôi đã chứng kiến ông vô cùng nhạy với từng nốt nhạc. Cho dù đó chỉ là một màn trình diễn nho nhỏ, nhưng tôi nhớ tới từng chi tiết vì nó đánh dấu giai đoạn sơ khai của nghệ thuật đàn tranh Yanggeum ở Joseon. Cũng từ đó, trong 9 năm nay, cách tấu đàn tranh Yanggeum được phổ biến rộng rãi và đa phần các nghệ sĩ tấu đàn tranh 6 dây Geomungo và đàn tranh 12 dây Gayageum đều có thể tấu đàn tranh Yanggeum.” Một buổi chiều tà, hai người học giả trong thư phòng, người thì chìm đắm trong những khuôn nhạc hòng tìm kiếm lối chơi cho nhạc cụ, người lại hiếu kỳ cất bút phác họa lại khoảnh khắc đầy ý nghĩa đó. Sau khi được học giả Hong Dae-yong sáng tạo lối chơi, do có âm thanh cao trong trẻo nhưng tiếng phát ra lại nhỏ nên đàn tranh Yanggeum chỉ được diễn tấu trong nhà ở các nhạc phẩm như Yeongsanhoesang hay Cheonnyeonmanse (Nghìn năm vạn năm). Gần đây, nó đã được đưa vào diễn tấu trong các nhạc phẩm sáng tác mới với nhiều kỹ thuật diễn tấu đa dạng hơn.


* Trích đoạn Hahyeondodeuri thuộc dòng chính nhạc Yeongsanhoesang (Lính sơn hội tương) / Cho Il-ha (đàn tranh Yanggeum), Kang Yoo-gyeong (đàn tranh 6 dây Geomungo)

* Nhạc phẩm “Geudaega Jinagan Jari” (Nơi em đã qua) / nhóm nhạc truyền thống nữ Murr 

* Nhạc phẩm Arcade / nhóm nhạc Dongyang Gozupa 

Lựa chọn của ban biên tập