Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Những tài năng âm nhạc truyền thống trong ghi chép “Chujaegii”

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-04-28

Âm điệu ngàn xưa

Những tài năng âm nhạc truyền thống trong ghi chép “Chujaegii”

Câu chuyện về người tấu đàn nhị Haegeum

Dưới thời hậu Joseon ở Hàn Quốc có một người học giả tên là Cho Su-sam (1762-1849). Ông đã có một trải nghiệm vô cùng ấn tượng về cây đàn nhị Haegeum. Chuyện kể rằng, hồi lên 5-6 tuổi, cậu bé Cho Su-sam đã gặp một người chơi đàn nhị Haegeum khá đặc biệt. Nói đúng hơn thì đó là một người ăn mày đi lang thang kiếm miếng ăn bằng ngón đàn nhị Haegeum. Xưa kia ở Hàn Quốc, đến kẻ ăn mày cũng giữ liêm sỉ, dù phận đời sống bằng đồ bố thí nhưng họ không nhận không của ai bao giờ, chí ít thì họ cũng múa hát hay tấu đàn mua vui cho người hảo tâm. Thuở đó, người ăn mày tấu đàn nhị Haegeum gây ấn tượng sâu đậm cho cậu bé Cho Su-sam trông đã luống tuổi với mái tóc hoa râm. Điều kỳ lạ là khi tấu đàn, người này nhẹ nhàng thủ thỉ với cây đàn rằng: “Đàn nhị Haegeum ơi! Hãy chơi một bài đi nào!” Và cây đàn nhị như hiểu ý bèn say sưa tấu lên những khúc nhạc. Cứ thế, đàn nhị Haegeum đã kể về câu chuyện hai ông bà lão ăn cháo đỗ xong lăn lộn vì đau bụng, hay chú sóc giật mình chạy quanh chiếc vại đất nung trước nhà mấy vòng rồi chui tọt xuống dưới đáy vại. Trong con mắt của đứa trẻ 5-6 tuổi thì những âm thanh đó thật thú vị làm sao. Nhưng điều đáng nói ở đây là 50 năm sau, khi đã trở thành một học giả ở tuổi 55, Cho Su-sam đã được gặp lại lão già ăn mày tấu đàn nhị Haegeum thuở trước, vẫn cái diện mạo ngày ấy, vẫn tấu những khúc nhạc đó để xin ăn. Thật kỳ lạ, bởi ông lão đó có lẽ đã hơn cả trăm tuổi. Bút tích của học giả Cho Su-sam về người ăn mày tấu đàn nhị Haegeum có câu kết như vậy. 


Những nghệ sĩ khuyết tật tài ba trong thời hậu Joseon

Chujaegii (Thu trai kỷ di) của học giả Cho Su-sam ở thời hậu Joseon là cuốn sách kể về các bậc kỳ tài trong thiên hạ lúc đương thời ở Hàn Quốc trên mọi lĩnh vực kể cả kỹ nữ, kẻ trộm hay những người chuyên kể chuyện, và câu chuyện về người ăn mày tấu đàn nhị Haegeum cũng là một trong những bút tích của cuốn sách này. 

Bây giờ, chúng ta sẽ cùng đến với câu chuyện cũng trong thư sách này về nhân vật khiếm thị họ Son sống dưới thời hậu Joseon. Thời đó, người khiếm thị thường lấy nghề thầy bói và đọc kinh làm kế sinh nhai. Nhưng gã khiếm thị họ Son thì không thạo nghề xem bói nhưng lại rất thích ca hát. Ông thường hát những khúc chính ca thơ phổ nhạc Gagok có cốt cách đẳng cấp cao chứ không phải những bài hát dân ca mà người dân thường nào cũng có thể hát. Cứ mỗi khi ông Son cất tiếng ca là người dân lại lũ lượt kéo tới vây vòng trong vòng ngoài để nghe và ném tiền vào như mưa. Nhưng ông Son chỉ mò mẫm đếm đủ 100 quan tiền là dừng lại không hát nữa vì chắc mẩm số tiền đó đã đủ để làm một chầu rượu. Trong các khúc hát chính ca Gagok mà ông Son hát thuở đó có khúc Soyongi (Ích lợi) dành cho giọng nam có đoạn:

Nồi không nhóm lửa cũng chín

Ngựa không cho ăn cũng chạy giỏi, chóng lớn, béo tròn

Nữ nhi khéo kéo tơ dệt vải

Ấm đầy rượu xối xả chảy hoài

Bò cái đen cho món bao tử xào

Sống ở đời có năm thứ này thì chẳng cần ganh tỵ ai


Những nghệ sĩ âm nhạc có phong cách độc đáo được điểm mặt trong cuốn “Thu trai kỷ di“ của học giả Cho Su-sam có nhân vật Tongyeongdong (có nghĩa là đứa trẻ đến từ vùng Tongyeong). Chuyện kể rằng, từ nhỏ Tongyeong đã bị liệt một chân. Năm lên 10 tuổi, đứa bé này bị lạc mất em. Trớ trêu thay cha mẹ Tongyeong lại sớm qua đời, để lại nó mù lòa tật nguyền trơ trọi một mình. Để tìm lại đứa em bị thất lạc, đứa trẻ đã đi lang thang khắp làng trên xóm dưới, vừa đi vừa nghêu ngao hát khúc ca mà người đời chưa nghe thấy. Khúc hát có đoạn: 

Vàng anh hót hay cho làm vợ lẽ

Chim én nói giỏi cho làm hầu gái

Chim sẻ đóng bộ chỉnh tề cho làm cấm quân

Cò cổ dài cho đi truyền đạo


Đây được cho là cội nguồn của Saetaryeong (Khúc hát các loài chim) của ngày nay, lấy đặc trưng của các loài chim để ám chỉ về nghề nghiệp của con người. Saetaryeong có điệp khúc “Donggeurangddaeng” nên còn được biết tới với tên gọi là Donggeurangddaeng. 


  • Nhạc phẩm “Aenggeumi Taryeong” của vùng Gyeongsang / bô lão Park Byeong-gi (vừa hát vừa tấu đàn nhị Haegeum)
  • Trích đoạn “Bul Ani” (Không nhóm lửa) trong nhạc phẩm Soyong dòng Wujo dành cho giọng nam / Lee Dong-gyu 
  • Khúc hát Saetaryeong / nhóm nhạc AUX 

Lựa chọn của ban biên tập