Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Các em nhỏ - tương lai phát triển của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-05-05

Âm điệu ngàn xưa

Các em nhỏ - tương lai phát triển của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Các em nhỏ và tương lai dòng chính nhạc Gagok

Chính nhạc Gagok ở Hàn Quốc là loại hình thơ phổ nhạc Sijo vốn được hát cùng phần đệm của các loại nhạc cụ như đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn tranh 6 dây Geomungo, đàn nhị Haegeum, sáo trúc ngang lớn Daegeum, sáo trúc dọc Piri và trống phong yêu Janggu. Nếu như dân ca Minyo là thể loại âm nhạc mà ai cũng có thể hát theo, thì chính ca Gagok lại chỉ có những người được đào tạo chuyên nghiệp mới có thể hát được. Chính nhạc Gagok dành cho ca khách nam được gọi là “Namchang Gagok”, dành cho ca khách nữ là “Yeochang Gagok”. Để mời được các nhạc công tới đệm đàn sáo cho ca khách là khá tốn kém nên xưa kia, chính ca Gagok là thể loại âm nhạc được giới quý tộc và những gia đình giàu có ưa thích. Đặc trưng của Yeochang Gagok là âm giọng trong trẻo của ca khách nữ. Khúc chính nhạc Gagok lối Pyeonsudaeyeop dành cho giọng nữ có nhan đề Moraneun (Hoa mẫu đơn) do dàn chính nhạc thiếu niên Ari trình diễn. Khúc hát có đoạn:

Mẫu đơn là chúa tể của các loài hoa,

Hướng dương là loài hoa trung hiếu

Sen thì quân tử, Hạnh đào tiểu nhân

Cúc là ẩn dật sĩ, còn Mai là hàn sĩ

Hoa Bầu là người già, hoa Thạch trúc là trẻ thơ

Hoa Quỳ như thầy đồng, Hải đường như kỹ nữ

Hoa Lê là khách thơ, Hồng đào và Mai trắng là khách phong lưu


Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi vẻ. Cho dù con người có dùng lời lẽ nào để diễn tả về hoa đi chăng nữa thì mỗi loài hoa đều là một tuyệt tác của tự nhiên.


Ari là dàn chính nhạc có các thành viên đều ở lứa tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường. Người đời thường có định kiến rằng chính nhạc Gagok có nhịp điệu chậm hơn âm nhạc đại chúng hiện nay nên không thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Thế nên màn trình diễn của các bạn nhỏ vừa rồi đã làm không ít khán thính giả cảm động và kỳ vọng vào tương lai phát triển của dòng âm nhạc này. Năm 1923, trong cuốn tạp chí thiếu nhi, nhà văn Bang Jeong-hwan đã viết: “Bài hát được các em nhỏ ngây thơ trong sáng, như chim, như hoa, miệng chúm chím như trái anh đào hát. Đó là âm thanh của tự nhiên, âm thanh của đất trời. Như chim câu và như thỏ trắng. Bước chạy tung tăng tóc mềm bay theo gió. Đó là dáng vóc của tự nhiên, là bức tranh của bầu trời. Ở đó không có lòng tham của người lớn. Không có cả những toan tính tham vọng.”


Người Hàn Quốc đã quen gọi các em nhỏ là Eorini nên chẳng mấy ai nghĩ tới ý nghĩa vốn có của tên gọi này. Ở đây, chữ “i” ở cuối có ý chỉ người ở địa vị cao, thế nên Eorini là kính ngữ chỉ người nhỏ tuổi. Điều này muốn nói lên rằng cho dù có là trẻ em đi chăng nữa thì cũng phải được tôn trọng như một con người có cốt cách nhân phẩm. 


Vài nét về ngày thiếu nhi ở Hàn Quốc

Năm 1923, Hàn Quốc lần đầu chỉ định Ngày thiếu nhi mùng 1 tháng 5. Và tờ rơi thông báo về ngày này có tiêu đề là “Thông báo cho người lớn” cùng các nội dung yêu cầu thực hiện:

- Xin hãy đừng lừa dối trẻ em bằng những lời hứa hão

- Xin hãy dùng kính ngữ với trẻ em nhưng luôn ân cần êm ái

- Xin hãy cho trẻ ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên

- Xin hãy cắt tóc và tắm táp cho trẻ đúng lúc

- Không cho trẻ chứng kiến những điều không hay, hãy thường xuyên cho các em tới vườn bách thú

- Đừng nghĩ tới dựng vợ gả chồng cho con em mà hãy trân trọng chúng


Những lời khuyến cáo này đã phần nào phản ánh được thực trạng mà các em nhỏ phải đối mặt lúc đó khác xa với thời nay. So với thời đó thì giờ đây trẻ em chẳng khác gì các công chúa, hoàng tử nhưng các em lại không được chạy nhảy vui chơi thỏa thích, tối ngày bị gò ép trong chuyện học hành. Liệu rằng trẻ em thời nay đang được tôn trọng đúng cách? Hạnh phúc của con trẻ là hạnh phúc trong tương lai của chúng ta. 


  • Khúc chính nhạc Gagok Moraneun (Hoa mẫu đơn) lối Pyeonsudaeyeop dành cho giọng nữ / dàn chính nhạc thiếu niên Ari 
  • Khúc đồng dao “Modu Da Ggotchiya” (Tất cả đều là hoa) / em Seong Da-gyeong 
  • Khúc hát Gogocheonbyeon (Cao cao thiên biên) / Jang Seo-yoon (vừa hát vừa tấu đàn tranh Gayageum lúc nhỏ)

Lựa chọn của ban biên tập