Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Quan niệm “ngao du thiên hạ” và “ở hiền gặp lành” của người Hàn Quốc xưa

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-05-26

Âm điệu ngàn xưa

Quan niệm “ngao du thiên hạ” và “ở hiền gặp lành” của người Hàn Quốc xưa

Quan niệm về “Ngao du thiên hạ”

Người Hàn Quốc có câu “wayu”, âm Hán là “ngọa du”, hiểu nôm na là “ nằm ngửa du ngoạn”. Xưa kia, đi du ngoạn là một việc không dễ thực hiện đối với người Hàn Quốc vì phải đi bộ, tốn kém thời gian, mà đường rừng núi lại nhiều. Lên núi thì dễ gặp thú dữ, băng qua rừng thì khó tránh đạo tặc. Mỗi chặng đường là một chặng gian nan khôn tả. Vả lại ba mặt giáp biển, Hàn Quốc chỉ có một con đường duy nhất kết nối với lục địa là thông qua Trung Quốc. Nhưng chỉ có những người được cấp phép thì mới có thể qua lại nơi đây. Thế nên xưa kia ở Hàn Quốc, có mấy ai dám mơ tưởng tới việc đi ngao du nước ngoài. Thời đó, ngồi nhà xem tranh vẽ hoặc lưu bút về những danh lam thắng cảnh nổi tiếng là cách người Hàn Quốc xoa dịu nỗi niềm khát khao được đi du ngoạn đó đây. Và chính khái niệm “ngọa du” xuất phát từ đó, tức được hiểu là “chẳng cần phải đi đâu mà vẫn được ngắm danh lam thắng cảnh”.

Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) có trích đoạn Jebinojeonggi (Lộ trình ký của chim én), kể về câu chuyện chú chim én được người em Heungbo cứu mạng, sau mùa tránh rét ở Giang Nam (Trung Quốc) thì chim én đã tha những hạt bầu mầu nhiệm về để báo ân người em. Giang Nam được nhắc tới ở đây chính là phía Nam con sông Dương Tử (Trường Giang) ở Trung Quốc ngày nay. Nếu bay qua biển thì chặng đường bay sẽ ngắn hơn rất nhiều, nhưng trong truyện “Anh em nhà Heungbo”, lộ trình bay của chim én báo ân cho người em Heungbo là chặng đường mà sứ giả của hai nước Trung Quốc và Joseon trước đây thường hay qua lại, để giới thiệu cho người nghe hàng loạt những địa danh nổi tiếng mà họ khó có cơ hội đặt chân tới trong đời.


Quan niệm về “Ở hiền gặp lành”

Người đời vẫn tin ở chân lý “Ở hiền gặp lành. Ác giả ác báo”. Nhưng trên thực tế, không ít người hiền lành phải cực nhọc bươn chải cuộc sống, trong khi những kẻ xấu lại được sống cuộc đời nhung lụa. Trong truyện, người em Heungbo chữa lành chân cho chim én vào một ngày xuân và tới mùa thu năm sau thì được chim én báo ân cứu mạng. Trong khoảng thời gian đó, gia đình người em Heungbo túng thiếu đến cực độ, lũ con nheo nhóc khóc lả đi vì đói. Không có gạo, vợ chồng người em đã phải nạo lấy ruột bầu, nấu cháo cầm hơi cho các con. Qua đây, độc giả có thể ngầm hiểu được rằng, cho dù có làm việc thiện thì cho đến khi được hái quả phúc, con người vẫn cần nhẫn nại chờ đợi. Và có lẽ cũng vì nhẫn nại chờ đợi nên phúc lộc được hưởng càng có ý nghĩa hơn. Nên lúc nào nghe trích đoạn gia đình người em Heungbo cưa bầu người nghe cũng đều thấy hứng khởi. Câu “cưa trái bầu, thóc gạo tiền bạc tuôn ra như nước” như thể hàm ý về tình người và lòng tốt của người em Heungbo. 

Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói là nhờ người anh tham lam Nolbo mà người em Heungbo mới chữa lành chân cho chim én, được báo ân và trở nên giàu có. Vốn dĩ gia đình người em Heungbo ở nhờ nhà người anh Nolbo nhưng Nolbo tiếc rẻ cơm gạo với gia đình Heungbo nên đã cam tâm đuổi cả gia đình người em Heungbo ra khỏi nhà giữa mùa đông giá rét, khiến Heungbo bỗng dưng rơi vào cảnh nghèo khó tới cùng quẫn. Nếu như Nolbo không đuổi Heungbo ra khỏi nhà thì có lẽ chim én bị gãy chân cũng sẽ do người hầu trong nhà cứu chữa chứ chưa chắc đã đến tay Heungbo. Khi thấy Heungbo trở nên giàu có, người anh tham lam Nolbo liền tìm tới nhà người em Heungbo để kể công rằng “nhờ anh mà chú thành người giàu có”, rồi xin người em cái tủ chạm khắc hoa Hwachojang. Heungbo nói với người anh Nolbo là sẽ chất đầy tủ tiền vàng rồi sai người ở vác tới nhà anh, nhưng Nolbo lại lo người ta rút lõi tiền vàng trong tủ trên đường vận chuyển tới nhà hắn nên hắn đích thân cõng chiếc tủ mang về. Trên đường về nhà, Nolbol vừa đi vừa lẩm bẩm để nhớ tên gọi của chiếc tủ chạm khắc hoa cỏ Hwachojang, Hwachojang. Nhưng lúc băng qua suối, hắn quên bẵng mất tên gọi của chiếc tủ, khiến khán thính giả có một phen cười sảng khoái. 


  •  Trích đoạn Jebinojeonggi (Lộ trình ký của chim én) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) / Kim Seon-ok 
  •  Trích đoạn “Heungboga Joarago” (Người em Heungbo thích thú cưa quả bầu) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) / Ahn Suk-seon 
  •  Trích đoạn Hwachojang (Tủ chạm khắc hoa cỏ) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) / nhóm nhạc truyền thống Toris 


Lựa chọn của ban biên tập