Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tìm hiểu về lối biểu diễn khẩu âm Gueum trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-07-07

Âm điệu ngàn xưa

Tìm hiểu về lối biểu diễn khẩu âm Gueum trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Khẩu âm Gueum trong phương pháp dạy và học âm nhạc truyền thống ở Hàn Quốc

Upanisad (Áo nghĩa thư), một nền tảng quan trọng trong triết học Ấn Độ, vốn có nghĩa là “ngồi dưới chân thầy, trực tiếp học từ thầy những kiến thức bí mật”. Tức đây không phải là những tri thức được ghi chép trong sách mà là những điều học trò được nghe từ chính miệng thầy. Lối dạy và học này được người Hàn nói là Gujeonsimsu, âm Hán là “Khẩu truyền tâm thụ”. Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc cũng được truyền thụ theo phương thức này. Các nốt nhạc không phải được ghi chép trên khuông nhạc hay sách vở, mà người thầy trực tiếp hát và diễn tấu để học trò tiếp nhận một cách linh hoạt theo cảm xúc của bản thân, không ngừng luyện tập và mài dũa nhằm tạo ra phong cách âm nhạc của riêng mình. Trong giai đoạn này, các học trò thường bắt chước tiếng nhạc cụ bằng miệng được gọi là Gueum (khẩu âm), tức tiếng mô tả âm thanh và âm vực của nhạc cụ. Thế nên, mỗi loại nhạc khí lại có các Gueum khác nhau. Ví dụ, khẩu âm của các nhạc cụ đàn dây như đàn tranh 12 dây Gayageum hay đàn tranh 6 dây Geomungo là Dangdongjing, Seulgidung, Ddeul, Ssaraeng ...; khẩu âm của các nhạc khí hơi như sáo trúc lớn Daegeum, sáo trúc dọc Piri là Nanuneononeu, Nanire, Nansiru ... 

Có lẽ vì khó có thể ghi được mọi âm thanh và kỹ xảo âm nhạc truyền thống trên khuông nhạc của châu Âu nên tới giờ, giới nghệ sĩ âm nhạc truyền thống Hàn Quốc vẫn dùng hình thức khẩu âm để truyền đạt và tiếp thụ âm nhạc. Ưu điểm của lối truyền miệng này là người học trò có thể trực tiếp lĩnh hội từ người thầy những kỹ xảo biểu cảm không thể hiện được trên khuông nhạc. Gueum (khẩu âm) bao hàm cả cao độ của âm thanh và phương pháp diễn tấu nhạc cụ. Ví dụ như khẩu âm Dang của đàn tranh 6 dây Geomungo sẽ được tạo ra bằng cách dùng ngón đeo nhẫn hay còn gọi là ngón áp út của tay trái nhấn nhá dây đàn Yuhyeon là dây thứ 5 tính từ bên trái bầu đàn. Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc có các âm như “Hwang”, “Tae”, “Jung”, “Im”, “Nam”… Nhấn lên ngựa đàn số 4 sẽ tạo được âm “Hwang”, nhấn lên ngựa đàn số 7 sẽ tạo được âm “Jung” …, và nếu được trực tiếp nhìn thấy thao tác của thầy thì các học trò sẽ tiếp thu ngay được. 


Danh ca Jo Sun-ae và dòng nhạc khẩu âm Gueum

Sanjo là dòng âm nhạc được hình thành trên nền tảng âm nhạc vùng Namdo (tức các tỉnh Jeolla). Danh ca khẩu âm Jo Sun-ae vốn từng hoạt động trong dòng hát kể chuyện Pansori và dân ca Minyo vùng Namdo. Chồng bà, nghệ nhân Kim Dong-jun, người được bình chọn là nghệ nhân sở hữu nghệ thuật đánh trống Buk, và trước đây thường xuyên chơi nhạc đệm cho danh nhân Kim Juk-pa. Hơn ai hết, ông thấu hiểu được cái tình cái ý sâu xa của khúc hát, nên có thể giúp vợ mình biểu đạt bằng âm thanh khẩu âm.  

Gueum vốn là từ chỉ hình thức dùng âm thanh bằng miệng bắt chước âm thanh của các loại nhạc cụ. Nhiều khi người nghệ sĩ dùng khẩu âm “a! ơ! ư! i!” thay thế một cách hiệu quả cho những tình huống không thể biểu hiện bằng câu hát hay âm thanh, nên âm sắc của nhạc phẩm như vang vọng và trầm lắng hơn. Có câu “âm nhạc không có biên giới”, và có lẽ Gueum là thể loại âm nhạc mà người dân trên toàn thế giới có thể cùng cảm nhận được. 


  • Giai điệu Gutgeori, Jajingutgeori và Dangak thuộc thể loại âm nhạc phong lưu Pungryu / Choi Gyeong-man biểu diễn Gueum (khẩu âm) âm thanh sáo trúc Piri.
  • Nhạc phẩm Jungjungmori trong dòng nhạc Sanjo lối Kim Juk-pa / Jo Sun-ae trình bày khẩu âm Gueum, Lee Yeon-hee (đàn tranh 12 dây Gayageum), Kim Sang-hun (trống phong yêu Janggu)
  • Khúc Gueum(Khẩu âm) / Kim So-hee (hát), nhóm nhạc 4 bộ gõ Samulnori Kim Deok-su, Kim Mu-gil (đàn tranh 6 dây Geomungo), Park Jong-seon (đàn tranh Ajaeng), Lee Saeng-gang (sáo trúc ngang lớn Daegeum)


Lựa chọn của ban biên tập