Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Đặc trưng vùng miền rõ nét trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-07-28

Âm điệu ngàn xưa

Đặc trưng vùng miền rõ nét trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Vài nét về đặc trưng vùng miền trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Dân ca Minyo của mỗi vùng miền ở Hàn Quốc đều có ca từ và phong cách độc đáo mang đặc trưng riêng, được gọi là Tori. Ví như dân ca vùng Seoul và Gyeonggi có tên gọi là Gyeongtori, vùng Namdo (tỉnh Bắc và Nam Jeolla) là Yukjabaegitori, khu vực tỉnh Gangwon là Menaritori, vùng Seodo (các tỉnh Pyongan và Hwanghae nay thuộc địa phận của Bắc Triều Tiên) là Susimgatori. Vốn là khúc hát của khu vực tỉnh Pyongan, Susimga (Sầu tâm ca) có nhịp điệu chậm, âm điệu trầm bổng dứt khoát, lời ca sầu thảm thống thiết, pha lẫn giọng mũi. Khúc ca được bắt đầu bằng ca từ phỏng theo thơ của nữ thi sĩ Yi Ok-bong sống vào thời trung kỳ triều đại Joseon cuối thế kỷ XVI, rằng: 


Nếu có thể để lại dấu tích trong giấc mơ

Thì nửa đường đá trước nhà đã hóa cát


Nữ thi sĩ Yi Ok-bong bị liên đới trong một vụ kiện tụng do bà viết sớ hộ người dân nghèo bị oan ức. Chồng bà đã rất tức giận vì Ok-bong là phận đàn bà mà dám lấy chữ nghĩa gây nên sự ồn ào trong thiên hạ. Ông đã đuổi bà về nhà cha mẹ đẻ và không tìm gặp bà nữa. Trong tâm trạng mong ngóng, nhớ nhung người chồng vô tình, Ok-bong đã chấp bút nên những vần thơ “Nếu có thể để lại dấu tích trong giấc mơ, thì nửa đường đá trước nhà đã hóa cát”. Áng thơ bày tỏ nỗi nhớ mong người thương đến mòn mỏi này của nữ thi sĩ Yi Ok-bong đã được đưa vào ca từ giai điệu dân ca Susimga (Sầu tâm ca). 


Đặc trưng âm nhạc truyền thống ở hai miền Nam-Bắc trên Bán đảo Hàn Quốc sau khi bị chia cắt

Người dân trên bán đảo Hàn Quốc xưa truyền tai nhau rằng phải uống nước sông Daedong (Đại Dồng) thì mới hát được dân ca vùng Seodo. Điều này có nghĩa là phải sinh ra và lớn lên ở khu vực này thì mới hiểu và thể hiện được tâm tình của người dân nơi đây. Nhưng ngày nay, dù có đến bên sông Daedong thì cũng không còn được nghe các khúc dân ca vùng Seodo xưa nữa vì từ sau khi hai miền Nam-Bắc trên bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt, Bắc Triều Tiên đã thay đổi cách hát dân ca vùng này. Vào thời điểm bán đảo Hàn Quốc giành lại độc lập từ đế quốc Nhật, lối hát kể chuyện Pansori và kịch hát Changgeuk đang nổi như cồn, và ở Bắc Triều Tiên cũng có khá nhiều nghệ sĩ âm nhạc truyền thống là người vùng Namdo (tỉnh Nam và Bắc Jeolla). Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên khi đó là Chủ tịch Kim Nhật Thành lại không thích âm giọng khàn khàn đặc trưng của các nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori. Vả lại dân ca vùng Seodo cũng là dòng âm nhạc mà người dân thường khó có thể hát theo, việc hát bằng giọng mũi trong dòng nhạc này cũng rất hại cho thanh quản và nghe không êm tai. Theo yêu cầu, lối hát trong trẻo, thanh cao, nhẹ nhàng uyển chuyển có tên gọi là Minseong đã được tạo dựng. 


Ngoài các ca khúc truyền thống, Bắc Triều Tiên còn tiến hành cải tiến các loại nhạc cụ dân tộc. Ví như đàn nhị Haegeum được cải tiến thành Sohaegeum, Junghaegeum, Daehaegeum và Jeohaegeum. Số lượng dây đàn của đàn nhị Haegeum được tăng từ 2 lên 4 dây. Thay vì điều chỉnh âm vực bằng cách dùng tay nhấn và nhả dây đàn, người Bắc Triều Tiên dùng ngón tay ấn lên phím trên cần nhị. Đàn nhị Haegeum cải tiến của miền Bắc chỉ có hình dáng bề ngoài trông giống đàn nhị, còn cách tấu đàn và âm thanh thì giống như đàn vi-ô-lông và đàn xen-lô. Ngoài ra, sáo trúc ngang lớn Daegeum còn bị bỏ cả huyệt màng dán Cheonggong nên âm thanh của sáo trong trẻo như tiếng sáo Flute của phương Tây. Khi thổi sáo Daegeum, thay vì dùng ngón tay, họ dùng phím sáo để bịt huyệt lỗ bấm. Ở Bắc Triều Tiên, đàn tranh 6 dây Geomungo gần như không còn được diễn tấu nữa. Thay vào đó, họ có đàn tranh Okryugeum (Ngọc lưu cầm) có nghĩa là đàn huyền cầm có âm thanh trong trẻo như tiếng ngọc lăn. Liên quan tới âm nhạc truyền thống dân tộc, bên cạnh tư tưởng cải tiến của Bắc Triều Tiên và kế thừa bảo tồn của Hàn Quốc, hai miền Nam-Bắc trên bán đảo Hàn Quốc vẫn có những điểm chung như duy trì lối tấu nhạc Nonghyeon và coi dân ca Arirang là khúc hát tiêu biểu của dân tộc Hàn. Lối chơi nhạc Nonghyeon (Lộng huyền) có nghĩa là người nghệ sĩ tấu đàn huyền cầm sẽ rung dây đàn, còn người nghệ sĩ chơi nhạc khí ống sẽ đung đưa nhạc cụ sau khi tạo âm để tạo nên âm thanh rung của nhạc cụ. 


  • Khúc dân ca Susimga (Sầu tâm ca) của tỉnh Pyongan / Oh Bok-nyeo, Shin Jeong-ae, Yoo Ji-suk 
  • Nhạc phẩm “Yeokgeum Susimga” theo lối hát Minseong của miền Bắc / Song Myeong-hwa (Đoàn nghệ thuật Hàn Kiều Geumgangsan Gageukdan ở Nhật Bản)
  • Nhạc phẩm “Arirang Hwansanggok” (Khúc phóng tác Arirang) / Choi Seong-hwan (sáng tác), dàn nhạc giao hưởng trung tâm âm nhạc quốc gia Bắc Triều Tiên (trình diễn)


Lựa chọn của ban biên tập